skip to Main Content

SỐNG CHỨNG TÁ

2.2 Đức Mẹ Dâng Chúa Vào Đền Thánh

Hc 47:2-11; Tv 18:31,47,50,51; Mc 6:14-29

SỐNG CHỨNG TÁ

Khi dâng Đức Giêsu trong đền thờ, Đức Mẹ tự nhận mình không có quyền trên Đức Giêsu. Đức Giêsu thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa trao cho Đức Mẹ để Đức Mẹ săm sóc dưỡng nuôi. Đức Mẹ dâng Đức Giê-su trong đền thờ không chỉ nhằm chu toàn lề luật, nhưng là công nhận quyền của Thiên chúa và cũng là để cầu xin Chúa chúc phúc cho Hài Nhi Giê-su.

Lễ Đức Mẹ dâng Con cũng được gọi là lễ Nến. Việc làm phép nến nói lên Đức Giê-su là ánh sáng soi trần gian.

Giáo hội Đông phương hiểu Thánh lễ này thể hiện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Được Ðức Maria và thánh Giuse đem vào Ðền Thánh, Chúa Giêsu đã gặp gỡ dân người mà hai cụ già Symêon và Anna là đại diện. Ðây cũng là cuộc gặp gỡ lịch sử của dân Chúa, gặp gỡ giữa các người trẻ là Ðức Marria và thánh Giuse và các người già là Symêon và Anna. Chúa Giêsu là trung tâm, chính Người lôi kéo con người đến Ðền Thánh, nhà Cha Người. Ðây còn là cuộc gặp gỡ giữa sự vâng phục của người trẻ và lời tiên tri của người già. Việc tuân giữ Luật được chính Thần Khí linh hoạt, và lời tiên tri di chuyển trên con đường do Luật vạch ra.

Giáo hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: Thanh tẩy theo luật Do thái. Khi sát nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ đây, lễ này được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.

Theo luật Mô-sê thì : “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”. Người Do Thái tin rằng mọi sự của họ là do Thiên Chúa ban. Con cái cũng là ân lộc của Chúa. Trong biến cố Thiên Chúa cứu con trai đầu lòng khỏi tai ương bên Ai Cập thì người Do Thái càng xác tín hơn về sự lệ thuộc vào Đấng tạo thành, nên họ đã xem việc dâng con trai đầu lòng cho Thiên Chúa như là một nghĩa vụ phải chu toàn.

Tin Mừng hôm nay nói đến việc Mẹ Maria và Thánh Giuse tiến dâng con trai đầu lòng cho Chúa.Qua đây Ngài hoàn tất lề luật và dấn thân cả cuộc  sống để phụng sự Thiên Chúa. Khi lớn lên, Chúa Giê-su cũng sống trọn vẹn cho sự tiến dâng này suốt đời. Ngài thuộc về Thiên Chúa Cha một cách trọn vẹn. Từ khi vào đời làm người, Ngài đã nói: “Này tôi xin đến để thực thi ý Chúa.” (Dt 10, 9). Năm 12 tuổi, cậu Giêsu đã cố ý ở lại Đền Thờ, mà cậu gọi là nhà Cha của cậu (x. Lc 2, 49). Khi chịu phép rửa ở sông Giođan, Đức Giêsu ý thức rõ hơn mình là Con, thuộc về Cha, được Cha sai vào giữa lòng nhân loại (x. Mc 1,11).

Đức Maria, sau 40 ngày sinh hạ Chúa Giêsu, cùng thánh Giuse đã dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ ở Giêrusalem và Đức Maria được thánh tẩy sau khi sinh. Thánh Luca đã ghi lại gia đình Thánh Gia đã thực hiện những Lề Luật được ghi chép trong Cựu Ước. Theo Luật Môisen, phụ nữ sau khi sinh con được 40 ngày, họ đến Đền Thờ để dâng con đầu lòng và để được thanh tẩy. Họ mang theo một con chiên nếu nhà khá giả, hay hai con chim gáy hoặc một cặp bồ câu non là của lễ dâng. Thực hiện Luật đã ghi chép để tưởng nhớ dịp Vượt Qua của dâng Do-thái khi rời đất Ai-cập. Các con đầu lòng của con người hay loài vật, được dâng lên cho Thiên Chúa. Trung thành với luật định, thánh Giuse và Đức Maria khi đủ 40 ngày, đã đem Hài Nhi Giêsu lên Giêrusalem tiến dâng cho Thiên Chúa.

Nơi Đền Thánh, ông già Simeon, một người công chính và đạo đức đã đón nhận Hài Nhi trong vòng tay. Ở đó cũng có bà ngôn sứ Anna cư ngụ trong đền thờ ra đón Chúa. Với sự soi sáng của của Thần Khí, đã ngợi khen Chúa: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: Vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Cụ Si-mê-on đã nhận biết Đức Giêsu là ánh sáng. Nhưng ánh sáng khởi đầu còn non nớt. Mà chung quanh thì bóng đêm và cuồng phong đang thét gào, hằm hè huỷ diệt làn ánh sáng run rẩy yếu ớt vừa ló dạng.

Có bóng tối cám dỗ của loài ma quỉ thâm độc lúc nào cũng rình chờ phá hoại chương trình của Thiên chúa. Có bóng tối độc ác của Vua Hêrôđê ghen ghét vì sợ mất quyền hành. Có bóng tối chán nản do những thất bại trong công cuộc rao giảng. Có bóng tối u mê của đám đông không hiểu những mầu nhiệm Nước Trời. Có bóng tối nhút nhát của các môn đồ mau chóng bỏ cuộc. Có cuồng phong ganh ghét của các thượng tế, luật sĩ. Có bóng tối vô tình của quân lính hành hình. Có bóng tối của cái chết đau đớn tủi nhục.

Ý nghĩa của lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh cũng liên quan tới mọi Kitô hữu. Trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội linh mục đã xức dầu thánh hiến họ cho Thiên Chúa để họ trở thành thành phần của Giáo Hội, chi thể mình mầu nhiệm Chúa Kitô.

Cùng với áo trắng biểu tượng cho linh hồn trong sạch khỏi tội tổ tông và cuộc sống mới trong ơn thánh, Linh mục cũng trao cho họ nến sáng thắp từ Cây Nến Phục Sinh, biểu tượng cho Chúa Giêsu Kitô, ánh sáng cứu độ chiếu soi nhân loại và toàn thế giới, chiếu soi cuộc sống của tín hữu mọi ngày. Và đến phiên họ, Kitô hữu cũng phải sống thế nào để chứng tá cuộc sống của họ chiếu soi cho mọi người, đặc biệt cho các anh chị em chưa biết Chúa Kitô và Tin Mừng yêu thương cứu độ, giúp họ nhận biết Chúa và đưa họ đến với Chúa để được ơn cứu độ.

 

Back To Top