skip to Main Content

Sao Ngài gọi con

Sao Ngài gọi con

“Chú có nhớ đã nói gì khi anh vào chủng viện không?”– anh lắc đầu cười tôi khi hai anh em đi dạo quanh nhà thờ.

Chẳng là ngày anh vào chủng viện, tôi đã nói: “ơn gọi giờ thừa rồi anh ơi, anh đi tu làm linh mục mà làm gì”.

Thấy anh không nói gì, tôi cười cười mà tiếp: “Anh không thấy giáo xứ mình bé tí mà có tới hai cha! Mà em thấy bây giờ tách xứ, lên xứ hoài à! Chẳng phải vì thừa linh mục hay sao?”.

“Tùng này!”– anh vỗ nhẹ vai tôi mà nói.

“Chú có biết tại sao chúng ta được gọi cho sứ vụ linh mục không?”

Anh cúi chào hai bác đang đi bộ trong sân nhà thờ rồi quay sang tôi nói tiếp: “Chúa gọi Mô-sê không phải vì chính ông, có lẽ cũng không phải vì quá yêu mến ông. Nhưng Chúa gọi Mô-sê là để đáp lại tiếng kêu cầu của Dân Chúa: ‘Ta đã thấy, đã nghe thấu tiếng chúng kêu than bên Ai Cập” (x. Xh 3,9).

Ý anh là linh mục được gọi chính là để đáp lại tiếng kêu thảm thiết của Dân Thiên Chúa?”- Tôi đáp lại mà lòng thấy manh nha tư tưởng nào đó.

“Nhưng tiếng kêu nào?” – Tôi tự nói với mình vì tôi vẫn nghĩ ngày nay giáo dân đâu còn đói khát bí tích như trước, thừa linh mục rồi mà.

Nhưng dường như anh đang đoán được suy nghĩ của tôi, nên anh nói ngay: “mỗi lần đi giúp xứ anh lại có cơ hội để nghe tiếng kêu của người giáo dân Tùng ạ! À mà đúng ra là mình đọc được cái khao khát của họ”.

“Người giáo dân khát những mục tử mang trong mình chính Đức Ki-tô. Họ vẫn khát những mục tử đạo đức thánh thiện, những mục tử nghèo khó, giản dị, gần gũi. Giáo dân muốn đến với linh mục như đến với một người cha, và họ muốn tìm kiếm Đức Giê-su nơi các linh mục”.

Anh thở dài: “Thế giới ngày nay còn rất nhiều khuôn mặt mang tâm trạng của những phụ nữ ra viếng mồ Chúa. Những gánh nặng cuộc đời, gia đình, con cái, công ăn việc làm, những cám dỗ của đủ thứ tệ nạn, bất công, đau khổ đang đè bẹp họ, rất có thể họ cũng đang khóc lóc và mất niềm hy vọng như những phụ nữ kia”.

“Ai sẽ đẩy “tảng đá” ra khỏi nấm mồ thất vọng ấy, nếu không phải là linh mục! những linh mục mang trong mình sự sống của chính Đức Ki-tô, vì chỉ có Đấng Đang Sống mới có thể khơi thông mạch nước nguồn hy vọng cho con người”.

Đột nhiên anh dừng lại có vẻ lắng lo cho chính bản thân anh: “Nhưng nếu linh mục không còn là chứng nhân của Đức Ki-tô thì biết làm thế nào?”

Tôi thấy thật hạnh phúc cho ơn gọi linh mục giáo phận của anh. Đúng như lời anh nói, anh được gọi để đáp lại tiếng kêu của đoàn chiên Chúa. Tôi ước mong và cầu nguyện cho anh trở thành linh mục thánh thiện để thỏa cơn khát của người giáo dân.

Nói chuyện Việt Nam thì tôi không rành, mà dùng “hàng nội địa” sợ bạn đọc không thích, nên xin dùng “hàng ngoại” cho xịn! để viết tiếp những dòng tâm sự.

Tại vùng truyền giáo kia được giao cho những người anh em tôi, một cậu thanh niên vẫn thường vào giúp việc cho cộng đoàn đã tâm sự rằng: “cha xứ trước của chúng con chỉ đến với chúng con một tháng một lần, mà cha chỉ đến để dâng lễ rồi về ngay, cha luôn ngồi trên chiếc xe hơi bóng bẩy mà chắc là đắt tiền lắm! đến khói xe còn thơm khiến lũ trẻ cứ chạy theo sau để hít khói”.

Thằng bé nhún vai mà tiếp: “Cha luôn sang trọng nên gần như chúng con cũng chẳng dám gần. Cha vẫn giảng về Chúa Giêsu nghèo khó và thương yêu người nghèo, nhưng chẳng bao giờ cha quan tâm đến những kẻ nghèo như con đây, thế nên con chẳng cảm thấy Chúa Giêsu gần với con tí nào”.

Câu chuyện này chẳng nhằm mục đích nào khác ngoài việc cho thấy khao khát của người giáo dân về một linh mục thánh thiện, đơn sơ giản dị, sẵn sàng mất thời giờ với Chúa và với giáo dân là có thật! chẳng phải chuyện đùa!

Trong Tông Huấn Evangeli Gaudium, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắc rằng đời linh mục là sứ vụ! đó là căn tính! nhưng nếu quá tối ưu thời gian cho cá nhân thì sứ vụ lại trở thành việc làm thêm, và sẽ trở nên bực bội với sứ vụ. Thế nên vị linh mục cao niên đã nói với chúng tôi: “Xác định làm linh mục là mất cả đời người đấy nhé! đón nhận sứ vụ cũng là mất đi cuộc sống cho riêng mình các chú ạ!”.

Một lần nữa tiếng dân Chúa đang kêu lên: “Xin ban cho chúng con những mục tử đẹp lòng Chúa”. Và chắc chắn để đáp lại tiếng kêu van ấy, Thiên Chúa vẫn đang gõ cửa từng trái tim của những chàng trai, mời gọi họ sẵn sàng để Ngài dùng mà đáp lại tiếng nài van tha thiết ấy của dân thánh “Ta đã thấy, đã nghe thấu tiếng chúng kêu than” (x.Xh 3,9) và “Ta sẽ ban cho chúng những mục tử như lòng Ta mong ước”  (x. Gr 3,15).

Giờ thì tôi thêm hiểu câu nói: “Linh mục là tấm bánh chịu bẻ ra cho dân Chúa”. Ôi! Sao mà toàn là những động từ “nghiền nát” với “bẻ ra” để chỉ về đời sống linh mục.

Và có lẽ anh đã đúng khi nói: “càng ngày anh càng thấy là linh mục thật khó!” Nhưng chắc chắn anh đang rất hạnh phúc.

Nắng Tháng Ba

Back To Top