Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
SÁM HỐI
23 18 X Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên.
(Tr) Lễ Đức Mẹ ngày thứ Bảy.
(Tr) Thánh Gio-an thành Ca-pit-tra-nô (Capistrano), Linh mục.
Thánh Phao-lô Tống Viết Bường, Quan thị vệ (U1833), Tử đạo.
Rm 8,1-11; Lc 13,1-9.
SÁM HỐI
Thánh Gioan sinh năm 1386, tại Ca-pít-tra-nô, nước Ý.
Lớn lên, thánh nhân theo học môn luật, và sau khi tốt nghiệp thì hành nghề thẩm phán. Ngài theo lương tâm nghề nghiệp mà thi hành chức vụ cách khôn ngoan, đồng thời biết thương yêu nâng đỡ kẻ nghèo khó, cô thế cô thân, nên được mọi người quý mến kính trọng. Nhưng năm 1416, trong một cuộc giải hòa, ngài bị tố cáo thiên vị, nên bị bắt giam ở Ri-mi-ni.
Những ngày tù ngục gian khổ làm cho thánh nhân thấy rõ đời toàn là giả trá gian xảo và không có gì tồn tại bền bĩ. Danh vọng chức tước nay còn mai mất, chẳng khác trò hề trên sân khấu. Chỉ có Chúa mới tồn tại, chỉ có Chúa mới là chỗ dựa vững chắc, chỉ có Chúa mới là nguồn hạnh phúc thật cho con người. Và ngài bắt đầu quy hướng cuộc đời về Chúa.
Thế là sau khi được phóng thích, thánh nhân xin gia nhập Dòng Anh Em Hèn Mọn, từ bỏ cuộc đời, hiến trọn đời cho Chúa.
Nhưng theo Lời Chúa nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt. 11, 38). Mới vào dòng, thánh nhân đã phải thử thách nặng nề. Bề trên nghi ngờ thiện chí của ngài, sợ rằng vì chán đời mà ngài đi tu, chớ không có lý tưởng tốt đẹp vì lòng mến Chúa và thương yêu các linh hồn. Nhưng ngài không sờn lòng nản chí, một sẵn sàng chấp nhận mọi cơn gian nan thử thách, và hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa.
Và thời gian trôi qua. Ngày 4 tháng 10 năm 1416, thánh nhân được lãnh tu phục dòng. Đây là ngày hạnh phúc nhất cho ngài, lúc đó ngài đã 32 tuổi.
Từ đó thánh nhân bắt đầu đi rao giảng Lời Chúa, và ngài đã trở thành nhà giảng thuyết đại tài. Ngài rảo khắp nước Ý, giảng dạy trong các thánh đường cũng như nơi công trường. Các bài giảng của ngài thật phi thường, lôi cuốn hằng ngàn hằng vạn người lạc giáo và kẻ tội lỗi trở về với Chúa.
Đặc biệt ngài khuyên bảo hàng giáo sĩ sống thánh thiện trọn lành, để xứng đáng làm môn đệ Chúa và giúp ích các linh hồn. Ngài nói với họ: “Ai được mời đến dự bàn tiệc của Chúa, thì phải chiếu tỏa một đời sống gương mẫu, đáng khen và đức hạnh, sạch mọi nhơ bẩn của thói hư tật xấu. Phải sống xứng đáng là muối đất cho chính mình và cho người khác; phải soi sáng sự khôn ngoan cho người khác như là ánh sáng thế gian.
Một hàng giáo sĩ không trong sạch và bần tiện, đầy những thói hư tật xấu và vướng mắc trong vòng tội lỗi sẽ bị người ta dẫm đạp như phân bón, đến nỗi không còn ích gì cho mình và cho người khác nữa, vì như thánh Ghê-gô-ri-ô nói: “Kẻ nào mà đời sống bị người ta khinh chê, thì lời rao giảng của họ cũng bị chê bai”.
Ngoài ra việc giảng thuyết, thánh nhân còn được lệnh Đức Giáo Hoàng cổ động cho Đạo Binh Thánh Giá, kêu gọi nhiều người gia nhập đoàn quân nầy, để chiến đấu với quân đội Hồi giáo đang xâm chiếm Công-tăn-ti-nốp. Ngài đã chiêu mộ được hơn 40.000 người tham gia trận chiến, và đã chiến thắng được quân đội Hồi giáo tại Ben-gát ngày 14 tháng 7 năm 1456.
Thánh nhân qua đời tại I-lóc ngày 23 tháng 10 năm 1456.
Trongi Tin Mừng của ngày hôm qua chúng ta đã nghe Chúa Giêsu dạy về việc phải biết nhìn xem những dấu chỉ của thời đại, biết phân định những biến cố xảy ra theo ánh sáng của Lời Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một thí dụ cụ thể là Chúa Giêsu đã đọc dấu chỉ của thời đại, tức là hai biến cố đau thương vừa xảy ra: quan tổng trấn Philatô đã giết chết một số người Galilê nơi đền thờ; và tháp Silôê sập đè chết mười tám người.
Chúa Giêsu đã thuật lại hai biến cố này trước: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết những người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.
Tai họa là điều tiêu cực xảy ra, không phải là hình phạt của một vị Thiên Chúa muốn trả thù vì tội lỗi của con người và những anh chị em nạn nhân, không phải là những kẻ xấu tệ, đáng khinh. Những biến cố xảy ra là những dịp kêu gọi con người trở lại cùng Thiên Chúa. Dụ ngôn về cây vả không có trái cũng vậy.
Dụ ngôn mời gọi người nghe hãy ăn năn hối cải và thực hiện đền bù trổ sinh hoa trái tốt và thôi không lạm dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa nữa. Mỗi tín hữu đều được mời gọi sống đức tin bằng những việc tốt lành của đức bác ái, một đức tin sống động mới xác tín cá nhân để thực hiện những công việc làm của kẻ yêu mến Thiên Chúa và anh chị em.
Trước nhan Thiên Chúa không có những phân biệt đối xử, những kỳ thị cho người này cao trọng hơn người kia. Chúng ta tự nhiên thường hay có thái độ khinh thị anh chị em và kiêu ngạo cho mình tốt lành hơn cả. Chúng ta cần thay đổi tâm thức để mặc lấy những tâm tình của Chúa, hành xử như Chúa đã nêu gương. Chúng ta hãy biến đổi con tim mình để nó đừng ích kỷ, đừng khinh dễ anh chị em, đừng xét đoán hạ thấp anh chị em, nhưng ngược lại biết mở rộng trong sự vị tha, tình huynh đệ, sự hòa hợp, tình thương, lòng nhân từ, niềm vui, sự bình an, lòng quảng đại và hy vọng.
Thay đổi chính tâm hồn mình là một điều khó, một tiến trình liên lỉ, dài hạn, đòi hỏi hy sinh và can đảm cộng tác với ơn Chúa. Ðừng an ủi mình, đừng trấn an lương tâm mình bằng việc phân tích phê bình những sơ sót của anh chị em, dường như thể chúng ta tốt lành hơn: “Nếu các con không sám hối, thì các con cũng sẽ chết giống như vậy”.
Cha ông chúng ta vẫn khuyên dạy con cháu: “gieo gió gặt bão”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”… Và trong Thánh Kinh, các câu chuyện như lụt Hồng Thuỷ, thành Sô-đô-ma bị tàn phá,v.v… cũng thường được giải thích theo quan niệm báo ứng ấy. Không lạ gì người Do Thái thời Chúa Giê-su, cũng như chúng ta ngày nay, thích áp dụng nguyên tắc nhân quả “ác giả ác báo” nhưng là áp dụng cho người khác! Trước hai tai hoạ xảy ra gây chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân “tội lỗi hơn mọi người khác” nên mới bị thảm hoạ như vậy. Đành rằng, nếu gieo gió thì có thể sẽ gặt bão, song Chúa Giê-su khuyên mỗi người không nên hồ đồ xét đoán người khác, nhưng hãy xem các biến cố đó là cơ hội giúp ta xét lại chính mình mà trở về với nẻo chính đường ngay. Vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền phán xét chung cuộc trên mọi người.
“Sám hối” là từ thường gặp trong Thánh Kinh, nó được kêu gọi bởi Gio-an Tẩy Giả, Chúa Giê-su, các tông đồ và hôm nay luôn được lặp lại nơi sứ điệp của Giáo Hội. Bởi sám hối là động thái tiên quyết để đón nhận ơn cứu độ. Còn sống là còn cơ hội để sám hối! Nếu không tận dụng tốt cơ hội Chúa ban thì Ngài sẽ cất đi như cây vả không chịu sinh trái (Lc 13, 6-9).