skip to Main Content

QUYỀN NĂNG CỦA THẦY GIÊSU

31  24  X  Thứ Ba Tuần XXII Thường Niên.

1Tx 5,1-6.9-11; Lc 4,31-37.

QUYỀN NĂNG CỦA THẦY GIÊSU

Ma quỷ biết Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi sự thiện hảo, đáng yêu mến. Thế nhưng chúng lại không chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp vào đời chúng; với một lòng thù hận không thể rút lại, chúng không chấp nhận một mối tương giao nào với Thiên Chúa. Thế mà giờ đây chúng vẫn phải đối mặt với Ngài. Đó chính là nỗi thống khổ cùng cực của ma quỷ, của hoả ngục: muốn hoá thành hư không để khỏi đau khổ mà không thể được. Đó là lý do của tiếng kêu thét: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?”

Tin mừng hôm nay, thánh sử Luca đã đề cập tới quyền năng thần linh của Chúa Giêsu tại Ca-phác-na-um. Chúa Giêsu tỏ quyền năng qua lời giảng dạy, qua các phép lạ, qua việc xua trừ tà thần… để minh chứng rằng: không những Thiên Chúa đang ở với Ngài, mà chính Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến, là Đấng “Thiên Chúa ở cùng” con người. Vì thế, Ngài dùng quyền năng duy chỉ tìm kiếm cho vinh quang Cha Ngài và hoàn tất ý định của Thiên Chúa Cha mà thôi.

“Ngài xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Galilê”. Thánh sử Luca giới thiệu về địa điểm hoạt động trong một ngày điển hình của Chúa Giêsu tại thành này như tóm lược hoạt động cứu thế của Ngài.

Ở đây, chúng ta không thấy thánh sử nhắc đến các môn đệ, vì ông chưa thuật lại việc kêu gọi các đệ tử. “Ngày sa-bát, Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng”, đó là thói quen của Chúa Giêsu khi Ngài đến hội đường trong các dịp lễ hội “Ngài giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh”(4,15). “Dân chúng sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Ngài có uy quyền”, không như các kinh sư khác, dân chúng nhận ra quyền năng trong chính lời giảng dạy của Chúa Giêsu, khiến họ xầm xì, bàn tán và ngạc nhiên. Lời nói của Ngài có sức mạnh lạ thường. Lời đầy quyền năng và lời trừ quỷ thần ô uế kế tiếp là một trong những biểu hiện của lời quyền năng ấy. Giáo huấn và chữa lành có liên hệ mật thiết với nhau.

“Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập”. Người Do Thái ưa dùng từ “thần ô uế” nghĩa là xấu xa. Điều đó chỉ rõ sự đối kháng giữa sức mạnh ác thần và sức mạnh Thánh Thần. Ở đây, thánh sử Luca viết về một người bị quỷ ô uế nhập. Việc chữa lành đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi Ngài giảng dạy dân chúng là thực hiện việc trục xuất quỷ ô uế này, giải thoát con người khỏi sự kiềm chế của sự dữ. Quỷ ô uế la to “Ông Giêsu Nagiaret…. ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?…ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Qua lời này, chúng ta thấy tên quỷ nhận ra người trừ tà là ai và  biết rõ sứ vụ của Ngài, nên nó chống cự lại. Nó tự hỏi đã đến giờ thế giới của sự ác, của tối tăm, của ma quỷ sụp đổ chưa ? Chúa Giêsu có đến tiêu diệt nó sớm quá chăng? có trước thời hạn không? Tên quỷ này còn biết danh xưng của Đức Giêsu “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Ở đây không phải là lời tuyên xưng đức tin, nhưng như một lời cám dỗ về địa vị, về thiên tính của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không muốn quỷ nói ra danh xưng đó vì  “giờ” của Ngài chưa đến, nên Ngài quát mắng tên quỷ ” Câm đi! ” và ra lệnh ” Hãy xuất khỏi người này!”. Đây là một lời hăm dọa và cũng là lệnh truyền. Lời Ngài có uy quyền khiến ma quỷ phải tuân lệnh. Quỷ vật người ấy ngã xuống, nhưng không làm hại người bệnh và xuất ra. Quỷ xuất ra cách công khai. Mọi người đều thấy và nhận ra quyền năng trong lời nói của Chúa Giêsu “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải xuất”.

Với tất cả những điều như thế, dân chúng đã nhận ra sức mạnh của Lời phát xuất từ con người Đức Giêsu. Lời chữa lành. Lời xua trừ tà thần. Lời giải phóng con người khỏi sự khống chế của sự dữ. Lời đem lại sự sống. Và họ đồn thổi danh tiếng Ngài ra khắp vùng đó.

Trong cuộc sống ngày nay, giữa một xã hội thực dụng và tội lỗi, tà thần lan tràn và len lỏi vào từng ngóc nghách của cuộc sống, tâm hồn của con người. Càng ngày càng có nhiều người tâm thần không ổn định, nội tâm bị cưỡng bức. Họ tìm đến y học, pháp thuật, ma thuật… mà quên đi Đấng có quyền xua trừ ma quỷ và chữa lành nội tâm họ. Họ tìm đến con người để được chữa lành thể xác nhưng lại quên đi một vị thần linh, một vị Thiên Chúa uy quyền, toàn năng trên mọi người, mọi vật, có quyền sinh tử cả xác và hồn. Con người ngày càng bị lệ thuộc, bị khống chế bởi tà thần khác nhau như : danh vọng, địa vị, tiền bạc, hưởng thụ… đến khi không được đáp ứng theo nhu cầu hoặc cuộc sống không có lối thoát, họ tìm cách kết liễu cuộc đời.

Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: “Câm đi, hãy ra khỏi người này”, thì phép lạ liền xẩy ra. Những người chứng kiến phép lạ đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật sĩ đương thời.

Phép lạ của Chúa Giêsu cũng là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng. Ngài không chỉ nói về sự giải phóng, mà còn chứng thực cho những người nghe Ngài biết được thế nào là giải phóng. Phép lạ người câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt đối với Chúa Giêsu: giải phóng trước tiên là giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối trá. Chúa Giêsu đã có lần nói với người Do thái: “Sự thật sẽ giải phóng các ngươi”.

Lời Chúa là lời chân thật. Ước gì lời ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ xiềng xích của dối trá, để lời tuyên xưng và cuộc sống của chúng ta luôn được thống nhất. Trong một xã hội đầy trói buộc và dối trá thì chứng tá cuộc sống là lời nói có giá trị nhất.

Back To Top