skip to Main Content

PHÉP LẠ MỖI NGÀY

16.4 1Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh

– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 5,34-42; Ga 6,1-15.

PHÉP LẠ MỖI NGÀY

          Dân Chúa đứng trước sự đói khát về nhu cầu thân xác, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn ?”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”.

          Với sự lo toan của con người, các con không thể lo cho cả ngàn người, đó là sự phản ứng bất lực nơi con người trước những nhu cầu to lớn (lương thực cho năm ngàn người). Người bảo các ông: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”, có nghĩa là sửa soạn ăn, ngả lưng là tư thế để ăn, như là tư thế sẵn sàng để lãnh nhận hồng ân. “Cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn”. Bánh trao ban dư đầy thu được mười hai thúng đầy, ý muốn chỉ tới bữa tiệc sau này trên nước Trời.

           Hành động trung tâm của nước Trời và mọi người đều ăn no. Sự dư dật là một dấu chỉ được báo cho thời kỳ của Đấng Mêssia trong Kinh Thánh (x. Đnl 6,11; Tv 132,15; Is 65,10).

           Tin Mừng hôm nay hẳn đã quá quen thuộc với các Kitô hữu như tôi, bạn và anh chị. Sự quen thuộc này có nguy cơ khiến ta khó mà đọc ra sứ điệp Chúa Phục Sinh muốn nhắn gửi cho mỗi người. Vậy, cùng nhau ta vượt qua cơn cám dỗ biết rồi để ở lại với Chúa Giêsu trong ít phút ngắn ngủi này.

          Ta thấy khi “nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình”, Ngài liền hỏi môn đệ: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Thật ra, Ngài có thể để mặc họ trở về nhà với cái bụng lép xẹp, và chắc chắn chẳng ai lên tiếng trách móc Ngài. Nhưng Ngài không làm thế. Tình thương và sự nhạy cảm đối với đau khổ và hạnh phúc của con người đã thúc đẩy Ngài đáp ứng nhu cầu của họ. Đã khiến Ngài luôn sẵn sàng “mở rộng bàn tay và thi ân” cho chúng ta, điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng “mở rộng bàn tay, cõi lòng của mình” để đón Ngài vào cuộc đời của chúng ta hay không mà thôi.

          Trước hết, về ý nghĩa của trình thuật trong mạch sống phụng vụ. Chắc hẳn Hội Thánh cho con cái mình đón nhận trình thuật này trong tuần II Phục Sinh là để tiếp tục loan đi lời gọi mời những ai tin và đón nhận Chúa Giêsu Kitô, rằng: nếu bạn đã tin nhận Ngài là Chúa, Đấng đã thực sự chết như một con người và thực sự sống lại bởi quyền năng Thiên Chúa, và Ngài vẫn đang sống, vẫn ở đây, thật gần bạn, thì bạn hãy đón nhận lấy chính Thánh Thể Ngài, đặc biệt qua Thánh Lễ được cử hành mỗi ngày, để trong bạn có sự sống của Ngài, trong Ngài có sự sống của bạn. Bởi chính Ngài chứ không ai khác, là tấm bánh mà cuộc đời này cần biết bao. Và Hội Thánh cũng biết con người thời nay, hơn bao giờ hết cần thứ bánh đem lại cho họ sự sống đời đời mà duy chỉ Chúa Giêsu mới đáp ứng nổi.

          Kế đến, ta thấy Chúa Giêsu trong trình thuật hóa bánh của thánh sử Gioan có nét riêng biệt so với các thánh sử khác. Thật vậy, bản văn cho biết Chúa Giêsu đóng vai trò chủ động, Ngài đi bước trước. Ngài nhìn thấy nơi đông đảo dân chúng đến với mình một nhu cầu được ăn. Ngài nhìn thấy cái đói của dân chúng. Ngài đáp ứng nhu cầu này trong sự hoang mang bất lực ban đầu của các môn đệ, rồi sau đó là sự hả hê mừng rỡ bởi ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý, ăn đến no nê của đám đông mà nguyên số đàn ông đã khoảng năm ngàn.

          Phép lạ cả thể ấy được thánh Gioan nhìn và gửi cho hậu thế một thông điệp rõ ràng: đây là dấu lạ. Nghĩa là tôi, bạn và anh chị hôm nay đọc trình thuật này, sẽ được mời gọi xác tín rằng: Chúa Giêsu chính là bánh hằng sống, Ngài nuôi dân bằng thứ lương thực mà con người không thể tìm đâu ngoài Ngài. Với bí tích truyền chức thánh và mệnh lệnh hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy, Chúa Giêsu vẫn hóa bánh hằng ngày trong từng thánh lễ. Ngài vẫn sẵn sàng, chờ đợi và mong mỏi được ăn lấy, để nuôi sống và thánh hóa từng phận đời, để cuộc đời này hóa thiên đường, hóa vĩnh cửu, hóa thánh thiêng, hóa bất tử.

          Trong thân phận là người và là Kitô hữu, chúng ta đã từng được ăn thứ bánh ấy, được động chạm vào Chúa Giêsu, được Ngài đi vào cơ thể qua đường thực quản, được Ngài thấm nhập vào từng mạch máu, đường gân, thớ thịt, … Nhưng liệu ta có cảm nhận được sự thánh thiêng, sự vĩnh cửu và sức sống dâng trào của Thánh Thể ? hay mỗi lần rước lễ chỉ là mỗi lần làm theo nghi thức ? Hoặc giả, ta cũng cảm thấy sốt mến trong những phút Chúa vừa vào lòng, rồi thì sau đó chẳng còn gì, chẳng cảm nhận được gì, chẳng được biến đổi hay thánh hóa gì cả ?

          Hơn nữa, Thánh Thể mời gọi sẻ chia, mời gọi phục vụ, mời gọi biến đời mình thành bánh, mời gọi bẻ bánh đời mình cho anh chị em,…. Liệu những gọi mời ấy có chạm vào tai, vào tim, vào tay của ta ? Tin Mừng không chỉ được rao loan bằng lời nói nơi môi miệng, mà còn bằng hành động, bằng lối sống, bằng sự dấn thân liên lỉ như thể ta đang cùng Chúa Giêsu trở thành bánh cho đời.

          Bí tích Thánh Thể chính là một phép lạ mà Chúa Giêsu đang thực hiện mỗi ngày để từng người chúng ta có được nguồn lương thực. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người ở giữa chúng ta đi tham dự Thánh lễ nhưng lại chẳng cần hiệp lễ. Như vậy, chúng ta có khác gì một người đi tham dự một bữa tiệc, nhưng đến nơi, chẳng chịu ăn, cứ ngồi nhìn người khác ăn, thì điều chắc chắn là sau đó, phải mang bụng đói trở về nhà. Và nhiều lần “nhịn đói” như thế, sẽ trở thành “suy dinh dưỡng”, và hậu quả tất yếu đối với những người “suy dinh dưỡng” là họ sẽ không đủ sức để làm bất cứ việc lành nào, và rất dễ mắc bệnh, tức là phạm tội khi bị các “vi trùng” là các cơn cám dỗ của ma quỷ tấn công.

          Ước gì khi tham dự Thánh lễ, tất cả chúng ta đều mở rộng tâm hồn mình để sẵn sàng đón Chúa vào lòng. Để một khi được liên kết cùng Chúa, chúng ta cũng biết mặc lấy tâm tình của Ngài, là tiếp tục lo lắng và chia sẻ cho anh em đồng loại. Và như vậy trong Chúa, chúng ta vượt qua được khó khăn và trở ngại trong cuộc sống. Và chúng ta tất cả đều được no thoả không chỉ bánh phần xác mà còn là lương thực nuôi sống linh hồn.

Back To Top