Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
ƠN CỨU RỖI
27.4 Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh
– Thánh Lô-ren-xô Nguyễn Văn Hưởng, Linh mục (1856), Tử đạo.
– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 11,19-26; Ga 10,22-30.
ƠN CỨU RỖI
Những điều Chúa Giêsu nói và làm thật đáng tin, vì Người nhân danh Chúa Cha mà làm, mà nói. Người và Chúa Cha là một Chúa Giêsu chính là nền tảng đức tin, mà trên đó mỗi người Kitô hữu chúng ta xây dựng đời mình. Ai sống và vững tin vào Người thì sẽ có sự sống viên mãn và chẳng ai có thể lấy đi được.
Không phải chỉ trong thời đại văn minh này người ta mới lịch sự đón tiếp đại sứ của một chính phủ hay nguyên thủ của một quốc gia đúng theo địa vị đại diện của họ. Nhưng ngay từ thời xưa, hậu đãi hay ngược đãi sứ giả của một vua là đã phụ đãi hay ngược đãi chính nhà vua và chính quốc gia mà người ấy đại diện.
Không phải vì tiếng tăm, học vấn hay tài trí của sứ giả làm cho họ được kính trọng mà chính vì thay mặt nhà vua và một quốc gia mà họ có quyền được hậu đãi như thế. Ðây cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với những người Do Thái thời xưa như được kể lại trong đoạn Tin Mừng vừa trích dẫn trên đây.
Khi ấy ở Giêrusalem dịp cung hiến đền thờ bấy giờ là vào mùa đông, và Chúa Giêsu đã đi đi lại lại ở cổng đền thờ Salomon. Sau những câu nhập đề mô tả khung cảnh tôn giáo như vậy, thánh Gioan kể tiếp thắc mắc của người Do Thái, bấy giờ người Do Thái vây quanh Chúa Giêsu và hỏi: “Ông để chúng tôi phân vân đến bao giờ nữa, nếu ông là Ðức Kitô thì hãy nói trắng ra cho chúng tôi biết”.
Câu hỏi mà họ đặt ra trong lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy tại đền thờ làm ta nhớ đến câu hỏi của thượng tế Caipha trong phiên họp thượng hội đồng: “Nếu ông là Ðấng Kitô thì xin hãy nói thẳng ra đi. Ông có phải là Ðấng Mêsia không?”. Trong câu chất vấn này, Chúa Giêsu đã không phủ nhận. Chỉ có điều Chúa Giêsu trả lời một cách hơi gián tiếp như sau: “Tôi đã trả lời câu hỏi này mà các ông không tin”.
Nhưng dẫu như thế, Chúa Giêsu không bỏ rơi họ để giúp họ tìm thấy sự thật, tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu đã khéo léo làm cho họ chú ý đến quan hệ mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha, mật thiết đến độ Ngài gọi Thiên Chúa là Cha Ngài và làm chứng cho mối quan hệ mật thiết đó bằng việc làm nhân danh Cha Ngài, và việc cao trọng nhất là ban cho kẻ tin Ngài được sự sống đời đời: “Ta sẽ cho họ sống đời đời. Họ sẽ không chết bao giờ và không ai có thể cướp họ khỏi tay Ta”.
Dịp tụ họp dân chúng nơi cổng Salomon ở đền thờ là dịp lễ cung hiến đền thờ Giêrusalem. Lễ cung hiến đền thờ có ý nghĩa gì đối với người Do Thái? Thưa, đây là một trong những lễ trọng của người Do Thái vì để ghi dấu đền thờ Giêrusalem trước đó đã bị ô uế, bị xúc phạm, nay thánh hiến lại để bắt đầu trở lại sinh hoạt tôn giáo. Lễ cung hiến đền thờ nhắc cho người dân nhớ lại sự phục hưng tôn giáo được những sứ giả của Chúa là anh em Macabê thực hiện vào năm 146 trước Chúa Giáng Sinh. Vào năm 170 đền thờ đã bị vua Syria làm ô uế, làm nơi dâng lễ vật cho thần ngoại bang Hy Lạp vì thế mà đã xúc phạm đến Thiên Chúa chân thật. Giờ đây đền thờ cung hiến được lại là để nhắc nhớ lại khung cảnh tôn giáo và địa điểm cung thánh giảng dạy là cổng Salomon.
Nếu đã nhìn nhận mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, thì hẳn những người Do Thái sẽ biết trả lời cho câu hỏi “Ông là ai?” như thế nào rồi. “Ta và Cha Ta, chúng ta là một”. Ðây là mạc khải quan trọng nhất nhắc ta nhớ lại những suy tư mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời sống với Thiên Chúa ngay từ đầu. Vạn vật do bởi Ngài mà có và nếu không có Ngài thì sẽ không có gì cả”. Tác giả Tin Mừng thánh Gioan đã có những suy tư cao siêu như vậy khi nhìn về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong viễn tượng Chúa Phục Sinh.
Nghe là cả một sự lắng động và nghe của con tim. Biết ở đây cũng thế, không phải biết theo kiến thức bằng cái đầu. Cái biết thâm sâu được thể hiện bằng tình yêu và những mối tương quan gắn bó. Biết là một quá trình học hỏi với những kinh nghiệm, diễn tả sự hiệp thông sâu xa, trong tương quan tình yêu. Cũng như kinh nghiệm khi Chúa Giêsu hiện ra với Mary Magdala, Chúa chỉ cần gọi một tiếng ngắn ngủi: “Mary.” Bà nhận ra ngay và kêu lên: “Lạy Thầy!” Vì thế, Chúa Giê-su nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay: “chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27)
Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi. Chúa Giêsu lập lại dụ ngôn Mục tử Nhân lành biết các chiên của Ngài và các chiên của Ngài biết Ngài. Sự hiểu biết hỗ tương này – giữa Chúa Giêsu đến nhân danh Chúa Cha và những người rộng mở mình cho chân lý – là nguồn mạch của sự sống vĩnh cửu. Sự kết hiệp này giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo qua Chúa Giêsu vượt qua mọi đe dọa của sự chết : “Chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi”. Họ được an toàn và vì sự an toàn này, họ ở trong bình an và hưởng được sự tự do trọn vẹn.
Cha và Tôi là một. Hai câu này nói về mầu nhiệm của sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha : “Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”. Câu này và những câu khác làm cho chúng ta đoán ra hay lãnh hội được một chút mầu nhiệm vĩ đại : “Ai thấy Tôi là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). “Chúa Cha ở trong Tôi và Tôi ở trong Chúa Cha (Ga 10, 38). Sự kết hiệp này giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha không phải là điều tự động xảy ra, nhưng đúng hơn là kết quả của sự vâng phục : “Tôi luôn làm điều đẹp lòng Cha Tôi” (Ga 8, 29; 6, 38; 17, 4). “Lương thực của tôi là thực hiện ý của Chúa Cha” (Ga 4, 34; 5, 30). Thư Hibri nói rằng Chúa Giêsu học vâng phục từ những điều Ngài chịu” (Hb 5, 8). “Ngài vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá” (Pl 2, 8). Sự vâng phục của Chúa Giêsu không phải là một sự vâng phục có tính kỷ luật, nhưng đúng hơn là một sự vâng phục có tính sứ ngôn. Ngài vâng phục để hoàn toàn trong sáng và như vậy, là sự mặc khải Chúa Cha. Chính vì thế Ngài nói : “Chúa Cha và Tôi là một!”.
Nhưng thực tế cuộc đời chúng ta rất kém tin, yếu tin, và cứng tin vào Thiên Chúa. Chúng ta tin vào những thế lực của tiền bạc, của cải, danh vọng, địa vị những cái vốn dĩ rất mong manh và chóng qua nên cuộc đời cứ mãi còn băn khoăn, lo lắng và bất an, thiếu hạnh phúc. Không có tiền thì ta lo làm sao cho có được tiền; có được tiền rồi thì lo làm sao để giữ được tiền và có được nhiều hơn…. Làm tôi tiền bạc, chúng ta quên Thiên Chúa; vì Chúa Giêsu đã xác định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6, 24)
Tin Mừng hôm nay cho chúng con thêm một lần nữa nhìn lại tương quan của chúng con đối với Chúa. Tương quan của con với Chúa có thực sự sâu sắc đến độ cho dù ở khoảng cách “xa” và rất “khẻ” con vẫn nhận ra đó là Chúa không? Độ nhạy bén về sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời con thế nào?
Nếu chúng ta thuộc đàn chiên của Chúa, nghĩa là chúng ta biết tín thác cuộc đời trong tay Chúa, thì chúng ta sẽ được thừa hưởng lời hứa của Ngài: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”
Đây là một lời hứa đầy an ủi. Nếu sống phó thác cuộc đời cho Chúa như con chiên hoàn toàn lệ thuộc vào chủ chiên, chúng ta sẽ không lo sợ phải hư mất và “không ai cướp được” chúng ta khỏi tay Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha.