skip to Main Content

NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

8.4 THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 3,11-26; Lc 24,35-48.

NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

            Tin Mừng thuật lại các lần Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ. Đoạn Tin mừng theo thánh Luca mà chúng ta nghe hôm nay là phần tiếp theo câu chuyện xảy ra với hai môn đệ người làng Emmaus.

            Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Nếu Chúa Giêsu không sống lại, chúng ta sẽ là những người vô phúc nhất, ngu đần nhất, vì chúng ta đặt tin tưởng vào một chuyện hão huyền, như Thánh Phaolô đã xác tín mạnh mẽ rằng: “Nếu Đức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ích” (1 Cr 15,14).

            Người Do Thái không chịu tin, đút tiền cho lính canh để lấp liếm. Người Hy Lạp cười khinh bỉ khi nghe Thánh Phêrô nói đến hai tiếng “Phục Sinh.” Nhưng đối với chúng ta thì Chúa Giêsu sống lại đem ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta: Nếu Chúa Kitô không sống lại, chúng ta vẫn còn mang tội lỗi trong mình và không ai giải cứu được chúng ta, không ai đem chúng ta đến gặp Thiên Chúa được.

            Nhờ Phép Rửa, chúng ta đã được tham dự vào sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, được mang sự sống mới trong mình, sự sống ấy phải lớn lên trong cuộc sống mỗi ngày và sẽ đưa chúng ta vượt qua chính cái chết tự nhiên của con người để vào cuộc sống vinh quang với Chúa Kitô: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm mình vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người để như Chúa Kitô đã phục sinh từ những kẻ đã chết chúng ta cũng có thể bước đi trong cuộc sống mới“ (Rm 6,3-4).

            Sau khi gặp Chúa Phục sinh, hai ông trở lại Giêrusalem gặp nhóm 12 và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Chính những người này bảo hai ông: “Thật, Chúa đã sống lại và hiện ra với Simon” (Lc 24, 33-34).

            Chắc chắn các ông còn đang thao thao bàn tán về việc Đức Giêsu, Thầy các ông đã phục sinh, thì Đấng Phục sinh đã hiện ra với mọi người hiện diện ngay trong phòng.        Ấy vậy mà các ông tưởng Ngài là ma!

            Để khẳng định cho các ông biết chính Ngài đã phục sinh [và không phải là ma], Chúa Giêsu đã cho các ông xem những vết thương; thậm chí Ngài còn ngồi ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.

            Qua đó, ta thấy: niềm tin vào Chúa phục sinh quả là không được chấp nhận một cách dễ dàng ngay từ đầu. Và việc sau đó các Tông đồ tin cho thấy các ông đã được chính Đấng Phúc sinh khuất phục với những lần hiện ra và với những bằng chứng không thể phủ nhận.

            Vâng, được củng cố niềm tin bởi những lần Chúa hiện ra; được sức mạnh Thánh Thần thúc đẩy, các Tông đồ đã mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Phêrô và Gioan đã nói với các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ Do thái: “Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe” (Cv 4, 20). Bài đọc thứ I hôm nay, Phêrô và Gioan nói với dân chúng: “Đấng ban sự sống mà anh em giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng” (Cv  3, 15).

            Là Kitô hữu, chúng ta tin Đức Kitô là Thiên Chúa làm Người, đã chịu chết, sống lại để cứu độ chúng ta.

            Tuy nhiên, niềm tin của chúng ta thường rất non yếu. Rất nhiều lần, ta không cảm nhận sự hiện diện của Chúa Phục sinh ở giữa chúng ta. Biết bao lần chúng ta được chạm đến Chúa, được rước Người vào lòng; vậy mà thử hỏi ta đã ý thức thực sự Chúa phục sinh vẫn đang hiện diện và ở cùng chúng ta không? …

            Vì không ý thức Chúa Phục sinh hiện diện nên khi gặp khó khăn trong cuộc sống và trong sứ vụ, ta dễ chán nản; vì không ý thức Chúa Phục sinh hiện diện, nên ta cũng chẳng mạnh dạn làm chứng về Chúa Phục sinh cho người khác!

            Khi ban bình an cho các môn đệ, Đức Giêsu muốn gạt đi nơi họ lòng sợ hãi và tự ti, sự ngờ vực và thất vọng, khơi lên trong lòng họ niềm tin cũng như sự gắn bó với sứ vụ mà Người sắp trao phó.

            Chính niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh đã làm cho các môn đệ quên hết sợ hãi và lo lắng. Vì thế, các ông đã sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, bất chấp mọi gươm đao hay phải chịu cảnh đầu rơi máu đổ. Hơn nữa, các ông còn coi những đau khổ đó là phần thưởng Chúa ban. Điều này đã được sách Công vụ Tông đồ ghi lại: “Chúng tôi vui mừng hân hoan vì thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì Đức Kitô”. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa và sẵn sàng trở thành chứng nhân của Người khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

            Ngày nay, mặc dù chúng ta đã tin vào việc Chúa sống lại, nhưng chúng ta vẫn cần phải đào sâu kiến thức và tình yêu vào mầu nhiệm phục sinh. Đây không chỉ là một biến cố đã xảy ra trong quá khứ nhưng còn là ân sủng tiếp diễn tới ngày nay. Cho nên hoa trái từ cuộc phục sinh này có sức thay đổi niềm tin và cuộc sống của những ai tin vào sự sống lại của Đức Kitô. Thánh Phêrô trong bài đọc I nói với dân chúng: “Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình.”

            Ước gì chúng ta cũng biết năng tham dự thánh lễ để lắng nghe Lời Chúa và để được chạm đến ngài qua bí tích Thánh Thể. Có như vậy đức tin của chúng ta mới được soi sáng để nhận ra Chúa trong cuộc sống, để rồi dám can đảm ra đi làm chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô

Back To Top