Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
NOI GƯƠNG THÁNH GIA
26 23 Tr CHÚA NHẬT. THÁNH GIA CHÚA GIÊSU, ĐỨC MA-RI-A VÀ THÁNH GIUSE, lễ kính.
Lc 2, 41-52
NOI GƯƠNG THÁNH GIA
Giáo hội thiết lập lễ Thánh gia vào năm 1921, để chỉ cho thấy tầm quan trọng của đời sống gia đình khi mà những liên hệ gia đình trở nên lỏng lẻo. Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ để làm thành gia đình, có cha có mẹ và con cái để yêu thương săn sóc lẫn nhau. Vì yêu, Thiên Chúa Cha đã sai Con Một xuống thế cứu chuộc nhân loại tội lỗi.
Vì yêu, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế gian làm người để cứu chuộc nhân loại. Vì yêu, Trinh nữ Maria đã “xin vâng” làm Mẹ Đấng cứu thế. Cũng vì yêu, thánh Giuse đưa Hài nhi và Mẹ Người trốn sang Ai cập. Và cũng chính tình yêu đã đưa gia đình thánh trở về Nagiaret. Ở đó thánh Giuse cung phụng cho gia đình thánh bằng cách làm nghề thợ mộc.
Người ta thường nói: Gia đình là nền tảng xã hội. Dù gia đình lớn hay nhỏ thì gia đình vẫn là cần thiết cho đời sống xã hội. Chính trong khung cảnh an toàn và bầu khí ấm cúng của gia đình, mà những giá trị nhân bản được truyền đạt cho con cháu.
Việc đầu tư vào con cái phải được bắt đầu từ khi thụ thai đến sau khi sinh con và lớn lên. Con cái được thụ thai phải là do kết quả của tình yêu của tình yêu vợ chồng trong hôn nhân được thánh hiến, chứ không phải là chuyện qua đường. Sống và lớn lên không có gia đình, người ta có thể mất đi mức độ thăng bằng về đời sống tình cảm.
Khi gia đình đổ vỡ, những căn tính về giới tính và gia đình của con cái sẽ bị thuyên giảm. Sống trong những xã hội đang trên đà phát triển về kinh tế, kỹ thuật thì những giá trị gia đình có nguy cơ bị suy giảm. Trong một xã hội như vậy, những luật pháp thường nhằm cổ võ và bảo vệ cá nhân hơn là gia đình, như luật ly dị, phá thai …Cộng thêm vào đó còn phải kể đến phim ảnh, báo chí đồi trụy, những tệ nạn nghiện ngập hút sách. Gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo hội. Gia đình là một đơn vị tôn giáo đầu tiên.
Qua câu chuyện Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã đặt trung tâm đời sống của Ngài là Thiên Chúa, nên cũng như mọi người, Ngài lên đền thờ Giêrusalem dự lễ để chu toàn bổn phận trong lòng mến với Thiên Chúa.
Nơi Đức Maria và thánh Giuse, thì luôn coi Chúa Giêsu là trung tâm của gia đình, nên khi không thấy Chúa Giêsu, các ngài đã hối hả lên đường để đi tìm!
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng: cuộc sống của gia đình chúng ta sẽ gặp được niềm vui, bình an và hạnh phúc nếu biết gắn bó với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện và luôn đặt Ngài vào trung tâm của gia đình. Nếu đi ngược lại điều đó, mọi mối tương quan sẽ bị rạn nứt và đổ vỡ vì nó không được bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa.
Giáo hội thánh hóa đời sống gia đình qua bí tích hôn phối. Giáo hội coi Bí tích Hôn Phối là thánh thiện vì đời sống hôn nhân mong được thánh thiện nếu muốn được phản ánh gia đình Nagiaret. Gia đình Thánh Gia nêu tấm gương mà mỗi gia đình đạo hạnh phải noi theo như những lời khuyên dạy khôn ngoan trong sách Huấn ca: Ai vâng lệnh Chúa, sẽ làm cho mẹ an lòng (Hc 3,6). Điều đó có nghĩa là người mẹ sẽ được hạnh phúc khi con mình vâng lệnh Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan.
Giáo hội trình bày gia đình Nagiaret là gia đình lý tưởng cũng ý thức được những khiếm khuyết có thể làm ly tán bất cứ đời sống gia đình nhân loại nào. Đó là lý do tại sao trong thư gửi tín hữu Colosê, thánh Phaolô khuyên họ làm sao sống tinh thần Kitô giáo. Thánh nhân khuyên bảo họ: Hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau. Trong gia đình, các phần tử được kêu gọi mang trách nhiệm cho nhau. Thành phần mang bệnh hoạn tật nguyên cũng phải được săn sóc về thể chất, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Những thành phần quá cố trong gia đình cũng phải được mọi người cầu nguyện.
Gia đình là điều đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên. Người dựng nên loài người có nam có nữ, và ban cho họ mọi sự. Người ban cho họ quyền toàn thế giới! Họ chan hòa trong tình yêu của Người. Mọi tình yêu Thiên Chúa, mọi vẻ đẹp Thiên Chúa, mọi sự thật Thiên Chúa có trong Chúa, Chúa đều ban hết cho gia đình.
Hầu hết mọi người chúng ta đều đang sống trong một gia đình, nhưng ít khi chúng ta đặt câu hỏi xem tại sao chúng ta lại phải sống trong một gia đình? Đâu là ý nghĩa đích thực của một gia đình? Nền tảng của gia đình mà chúng ta đang xây dựng là gì? Và chúng ta phải làm gì để có được một gia đình ấm cúng, hạnh phúc?
Chúng ta hãy trở về với bối cảnh của cuộc tạo dựng để tìm lại ý nghĩa của đích thực của đời sống gia đình. “Con người ở một mình không tốt và Thiên Chúa đã tạo nên cho con người một trợ tá tương xứng”. Tại sao con người ở một mình là không tốt? Thưa! Vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu. Điều mà con người giống Thiên Chúa nhất, chính là khả năng yêu thương, khả năng sống tương quan với người khác. Không ai trong chúng ta mà không có khả năng yêu thương.
Và con người càng bộc lộ khả năng yêu thương thì con người càng trở nên hoàn thiện. Muốn yêu thương thì phải có một đối tượng để yêu thương, đó chính là lý do mà Thiên Chúa làm nên một trợ tá cho con người và cả hai đã làm nên một gia đình. Như vậy, lý do quan trọng nhất mà chúng ta phải sống trong một gia đình. Đó là để mỗi người bộc lộ khả năng yêu thương với người khác và gây dựng hạnh phúc cho nhau.
Chính Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài cũng đã sống trong một khung cảnh gia đình. Tuy vậy, cuộc đời của Ngài, khả năng yêu thương của Ngài không không giới hạn trong Thánh Gia, nhưng mở rộng ra cho toàn thể nhân loại. Nhìn vào cách thức sống đời gia đình của Chúa Giê-su chúng ta thấy được nền tảng của một tình yêu gia đình đích thực.
Thật vậy, đời sống cầu nguyện nơi gia đình là tối quan trọng. Quan trọng đến độ nếu muốn có một gia đình hạnh phúc thì không thể không cầu nguyện. Tại sao vậy? Thưa! Vì khi cầu nguyện, mọi mối tương quan được khởi sắc và khăng khít.
Xin Chúa cho tất cả những người cha, những người mẹ và những người con luôn gắn bó với Thiên Chúa bằng những giờ kinh gia đình, đọc Kinh Thánh, tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các Bí tích. Nhờ ơn Chúa, gia đình chúng ta sẽ luôn sống trong bầu khí yêu thương, hiệp nhất, thủy chung. Một bầu khí như thế sẽ là một môi trường tốt để sinh dưỡng những người con tốt lành, thánh thiện cho Giáo Hội và cho xã hội. Mỗi gia đình hạnh phúc, thánh thiện, tốt lành là là một lời chứng Tin Mừng sống động về sự ngự trị của Thiên Chúa trên trần gian này. Amen.