skip to Main Content

Lòng

07  03  X   CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN.

Ca vịnh tuần IV.

Thánh Gia-xin-tô Ca-ta-ne-da Gia (Giacinto Castaneda), Linh mục (U1773); và Thánh Vi-xen-tê Phạm Hiếu Liêm, Linh mục (U1773), Tử đạo.

Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.

1V 17,10-16; Hr 9,24-28; Mc 12,38-44 (hoặc Mc 12,41-44).

Lòng

Bà goá ở Sarepta thật nghèo khó nhưng đồng thời lại thật rộng lượng. Bà không còn gì ngoài một chút bột và một chút dầu đủ cho một bữa ăn đạm bạc cuối cùng, rồi cả hai mẹ con cùng chết. Thế mà bà đã sẵn lòng nhường cho vị tiên tri chiếc bánh nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá ấy. Cử chỉ quảng đại của bà đã gặp được lòng quảng đại của Thiên Chúa: Trong suốt cơn hạn hán, bột trong hũ không bao giờ cạn và dầu trong bình không bao giờ vơi.

Còn bà goá trong đoạn Tin Mừng vừa nghe cũng thế. Bà nghèo tiền của nhưng giàu lòng quảng đại. Chính lòng quảng đại giữa cảnh túng thiếu đó, trước mặt Thiên Chúa, có giá trị hơn cả vàng bạc của những kẻ dư giả. Người nghèo của thường giàu lòng và Thiên Chúa thì chú trọng đến cõi lòng mỗi người hơn là đến tiền của.

Từ hai câu chuyện trên, chúng ta thấy: Để đánh giá một ai, nhiều lúc chúng ta chỉ dựa vào tiền của. Tiền của trở nên như một thứ thước đo thông dụng, như một thú tiêu chuẩn để xác định ngôi thứ. Kẻ càng có nhiều tiền của thì càng được vị nể và càng có thế lực. Tuy nhiên, cũng có những cái không thể định giá được bằng tiền của, đó là những giá trị tinh thần và trị đạo đức, đó là phẩm chất và cõi lòng con người. Những giá trị này không tuỳ thuộc vào những gì ở bên ngoài, nhưng hệ tại những gì ở trong chính con người.

Chúa Giêsu không chú trọng đến giá trị kinh tế của hai đồng tiền nhỏ mà bà goá đã bỏ vào hòm. Chúng không là gì cả bên cạnh những đồng tiền lớn của những kẻ giàu sang. Nhưng Ngài đã chú trọng tới tấm lòng của bà, đến giá trị chủ quan của hai đồng tiền nhỏ đối với tình cảnh nghèo túng của bà và đến cách âm thầm khiêm tốn bà dâng tiền vào hòm. Chúa Giêsu không quan tâm đến của dâng cho bằng đến cách dâng và tấm lòng của người dâng. Bởi vì chính tấm lòng chúng ta mới định đoạt giá trị của những việc chúng ta làm.

Những người giàu có lên Đền Thờ đã dâng những số tiền lớn, nhưng của cải họ dâng hiến vẫn là nhỏ bé, dè xẻn. Khi dâng hiến như vậy, họ không phải đánh liều về bất cứ điều gì cả, nhất là mạng sống của họ! Khi bỏ những số tiền lớn vào hòm cúng, họ không quên giữ lại những số tiền lớn hơn nhiều để bảo đảm cuộc sống và một cuộc sống dư dả. Chúa Giêsu không bị đánh động chút nào cả trước việc dâng cúng này. “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).

Hai bà goá đã liều mạng sống mình, các bà đã dám tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Bà thứ nhất đã được thưởng: Hũ bột của bà không bao giờ vơi, bình dầu của bà không bao giờ cạn. Bà thứ hai cũng được thưởng: Bà được Chúa Giêsu khen ngợi và Thiên Chúa chúc lành.

Tiền bạc dư thừa của chúng ta ở đâu? Cái cần thiết cho chúng ta ở đâu? Phải nêu lên câu hỏi này, vì trước mặt Thiên Chúa phẩm chất cuộc sống chúng ta được đo lường bằng phẩm chất của những điều ta hiến dâng. Cho của dư thừa, tức là không cho gì cả. Một của hiến dâng như thế không đánh động Thiên Chúa chút nào. Mọi sự trở thành nghiêm túc và đẹp lòng Thiên Chúa, khi ta cho đi chính cái cần thiết, khi ta cho đi chính cái hầu như không thể thiếu được trong cuộc sống của mình, khi cho đi một chút bản thân mình. Lúc đó Thiên Chúa sẽ xem xét đoái nhìn.

Thiện căn ở tại lòng ta. Một việc làm tốt rất có thể trở nên xấu vì lòng chúng ta không ngay thẳng, ý chúng ta không trong sáng, chẳng hạn như chúng ta làm để phô trương, để trình diễn, để lấy tiếng, để kiếm chút lợi lộc cá nhân. Trong những trường hợp ấy, chúng ta không làm việc thiện vì chính việc thiện, nhưng vì lợi ích bản thân nhân danh việc thiện mà thôi. Đó là một hình thức ích kỷ rất tinh vi, chính vì thế mà Chúa Giêsu đã dạy: Đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận giá trị thực tiễn của lễ vật hay tặng phẩm. Giá trị kinh tế cũng đáng kể nhưng chưa phải là điểm chính. Nếu được thì của nhiều, lòng nhiều là điều tốt nhất. Còn nếu không được như thế, hoàn cảnh đòi phải chọn lựa, thì của ít lòng nhiều vẫn là điều quý giá hơn. Thực ra khi lòng đã nhiều thì người ta không ngần ngại hiến dâng tối đa những gì mình có. Lòng người đi trước, tiền của theo sau.

Câu chuyện bà góa nghèo này được kể ngay trước khi Chúa Giêsu đi vào cuộc thương khó, đó cũng là một dấu chỉ, Chúa Cứu Thế là Đấng đã cống hiến tất cả cho chúng ta, kể cả mạng sống của Người để làm giá cứu chuộc nhân loại.

Chúa muốn chúng ta bắt chước bà góa nghèo ấy. Dù ở địa vị nào, chúng ta cũng phải thờ Chúa trong tin yêu, chân thành và quảng đại, tránh phô trương và trục lợi cho cá nhân hay phe nhóm của mình. Nên ghi nhớ lời Chúa: “Khi chia sẻ cho người nghèo khó, đừng phô trương như quân giả hình quen làm giữa hội đường hay ngoài phố xá… để việc con chia sẻ âm thầm kín đáo, được Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả công cho con” (Mt 6,4).

 

Back To Top