skip to Main Content

Loan báo Tin Mừng

03  22  Đ  Thứ Hai Tuần V Phục Sinh.

THÁNH PHI-LÍP-PHÊ VÀ THÁNH GIA-CÔ-BÊ TÔNG ĐỒ, lễ kính.

Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.

1Cr 15,1-8; Ga 14,6-14.

Loan báo Tin Mừng

Theo truyền thống, việc cử hành lễ này bắt nguồn từ việc cung hiến đại thánh đường dâng kính Mười hai vị thánh Tông Đồ tại Rôma ngày 1 tháng 5 năm 565. Nhân dịp này, có lẽ người ta đã đặt dưới bàn thờ thánh tích của các Tông Đồ Philípphê và Giacôbê. Vì thế, ở Tây Phương, người ta mừng lễ chung cả hai thánh.

Thánh Philipphê (tiếng hy-lạp = Philippos = người thích ngựa), là một trong nhóm Mười hai, quê quán tại Betsaide, cùng thành phố với Anđrê và Phêrô (Ga 1,44). Trong danh sách các Tông Đồ, ngài luôn chiếm vị trí thứ năm, và trong sách Tin mừng của Gioan, ngài xuất hiện ba lần trong tư cách người bạn tâm giao của Đức Giêsu. Ngài đã nói với Nathanael: Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: Đó là ông Giêsu… Cứ đến mà xem (Ga1,45 –46). Rồi cùng với Anđrê, ngài tham gia vào hai việc quan trọng: lúc đầu, lúc Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều và trước ngày Chúa chịu khổ nạn – đó là ngày Đức Giêsu vinh quang tiến vào Giêsusalem; lần sau, khi ngài làm môi giới cho các khách hành hương Hy Lạp muốn gặp Đức Giêsu (Ga12, 20 –21). Tin mừng của Gioan còn cho ta thấy ngài tại bàn Tiệc Ly, ngài nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha …” (Ga 14, 8 tt).

Theo truyền thuyết, có lẽ Philípphê đã rao giảng Tin Mừng cho miền Tiểu Á và chịu đóng đinh tại Hiérapolis, vùng Phrygie. Nghệ thuật ảnh tượng thường minh họa ngài với cây thập giá trong cuộc tử đạo, hay đang lúc chịu đóng đinh.

Giacôbê – được gọi Hậu hay Tiểu huynh – cũng là một trong nhóm Mười hai. Người ta thường đồng hóa ngài với Giacôbê, người anh em của Chúa (Gl 1,19, Mc 6,3), là giám mục Giêrusalem và nhân vật hàng đầu của Hội thánh tiên khởi (Cv 15). Đức Giêsu hiện ra cho ngài sau khi Người đã phục sinh (Cv 15, 1- 8) và có lẽ ngài cũng là tác giả của thư Giacôbê.

Theo lưu truyền, Giacôbê Hậu chịu tử đạo tại Giêrusalem. Sau khi đẩy ngài từ trên cao Đền thờ xuống, người ta kết liễu đời ngài bằng cuộc ném đá. Nghệ thuật ảnh tượng minh họa ngài với một cái chùy cối xay, hay cuốn sách.

Lời cầu xin của Philípphê với Đức Giêsu: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha; như thế là chúng con mãn nguyện (Phúc Âm ngày lễ: Ga 14,6-14) và lời đáp của Thầy: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha, tất cả đều là trọng tâm của lời kinh Phụng Vụ.

Lời nguyện nhập lễ gợi lại mục đích đời sống Kitô hữu: là “được thông phần vào cuộc Khổ nạn và Phục Sinh” của Đức Kitô để “được chiêm ngưỡng vinh quang của Người”. Quả vậy, chính Đức Kitô là đường dẫn đến Chúa Cha: Thầy là Đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến với Cha mà không qua Thầy… Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha Thầy (câu 6 và 9). Các câu này trở đi trở lại nhiều lần trong Thánh lễ và trong các giờ kinh Phụng Vụ.

Cả Philípphê lẫn Giacôbê đều được thấy Đấng Phục Sinh và đã làm chứng về Người. Giacôbê được thánh Phaolô nhắc đến (1 Cr 15,8) như là một nhân chứng về sự sống lại của Chúa: … sau đó, Ngài cũng hiện ra cho Giacôbê (bài đọc một trong Thánh lễ).

Lời nguyện trên lễ vật gợi lại lòng đạo đức đích thật được các Tông Đồ Philípphê và Giacôbê giảng dạy và chúng ta được mời gọi “thực thi cách tinh truyền và không có gì đáng trách”. Như thế, chúng ta cũng nhớ đến Thư của thánh Giacôbê – Theo lưu truyền được gán cho Giacôbê, người anh em của Chúa – qua đó chúng ta đọc: Lòng đạo đức tinh truyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian (Gc 1,27). Vậy sự tôn thờ đích thật, phù hợp với lời giảng dạy của các ngôn sứ, không thể tách rời khỏi lẽ công bình và lòng yêu mến các kẻ “Hèn mọn”: … Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ (Is 1,17)

Giáo Hội mừng kính hai thánh Tông đồ Philipphê và Giacôbê. Hai vị thánh này xuất thân từ Bếtsaiđa, cùng quê với Phêrô và Anrê thuộc nhóm môn đệ của Gioan Tẩy Giả, và trở thành những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.

Nếu như Giacôbê tiền là anh của Gioan, là con của ông Dêbêđê, thì Giacôbê chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, con của ông Anphê. Tiền và hậu chỉ sự phân biệt chứ không nói lên đặc tính gì quan trọng.

Còn thánh Philipphê là người đã giới thiệu ông Nathanaen cho Chúa Giêsu; đồng thời cũng là người giới thiệu nhóm người Hy Lạp khi họ xin được gặp Chúa Giêsu.

Nhìn thấy Thiên Chúa! Khát vọng khôn nguôi của con người, nền tảng vững chắc cho Đức Tin chúng ta! Lời kêu xin của Philípphê cũng là niềm khao khát của mỗi người chúng ta. Lời mở đầu Tin Mừng Gioan khẳng định: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ!” (Ga 1,18). Nhưng vì tình yêu tế nhị và đầy cảm thông cho niềm tin chúng ta, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình với một gương mặt nhân loại để chúng ta nhìn ngắm Ngài để chúng ta tin: Gương Mặt tuyệt vời  của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!”

Hai vị thánh được Giáo Hội mừng kính hôm nay nếu chỉ dựa trên những gì Sách Thánh nói, thì không có gì nổi trội đặc biệt. Thế nhưng, họ đã được chọn làm Tông đồ của Chúa, chứng tỏ nơi tâm hồn các ông đã có sẵn lòng nhiệt thành và sự sốt sắng đáp trả khi được ơn kêu gọi. Với thánh Philipphê khi xin Chúa: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”; và thánh Giacôbê, vị Tông đồ được sánh bước với Thầy và được thấy những việc Chúa làm. Như thế đủ thấy các ngài được chọn là để thấy, để nghe, để ra đi và để làm chứng cho chính Chúa.

Cuộc đời người tín hữu là một cuộc hành trình, hành trình ấy cũng khởi đi từ Thiên Chúa, và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Ở đó, nếu Người Kitô hữu bước đi trên con đường mang tên Giêsu thì sẽ đến được đích. Nhưng nhiều lúc trong cuộc đời, chúng ta lại chỉ bước đi trên con đường riêng do mình vạch ra.

Năng lực của đức tin được thể hiện khi người tin hành động nhân danh Đức Giêsu và với mục đích vinh danh Thiên Chúa. Khi tin thật Đức Giêsu là con đường dẫn tới Thiên Chúa Cha, là nguồn sự sống, chúng ta sẽ trung tín và kiên trì bước đi đến cùng.

Mỗi người chúng ta cũng được Chúa chọn qua bí tích Rửa Tội; và vì vậy, chúng ta cũng được diễm phúc: thấy những việc Chúa làm trong cuộc đời mình; nghe những lời Chúa nói qua Tin Mừng, qua Giáo Hội; được sai đi loan báo Tin Mừng và làm chứng bằng đời sống gương mẫu về công bình, bác ái, niềm tin, lòng trông cậy và tình mến Chúa.

Back To Top