18.9 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh…
LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
5/2 Thánh Agatha, Đttđ Lễ Nhớ
Dt 13:1-8; Tv 27:1,3,5,8-9; Mc 6:14-29
LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
Agata, theo nghĩa tiếng Hy Lạp “người tốt”, là một thiếu nữ Sicilien, sinh tại Catane, dưới chân núi Etna. Được tử đạo vào năm 251 trong thời bách hại của Dèce; việc tôn kính nữ thánh từ Sicile lan tràn cả Phương Tây (Constantinople) lẫn Phương Đông (Rôma, Milan, Ravenne) từ thế kỷ thứ V, được mừng vào ngày 05.02. Tại Rôma, có một thánh đường được dâng kính thánh nữ vào thế kỷ thứ V, được gọi là Saint-Agathe-des-Goths. Vào đầu thế kỷ thứ VI, Đức Giáo Hoàng Symmaque đã đưa việc tôn kính thánh nữ vào thành thánh và cung hiến một đại thánh đường trên đường Via Aurelia cho thánh nữ. Người ta cho rằng Đức Giáo Hoàng Grégoire Cả đã đưa tên thánh nữ vào Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma; tên thánh nữ có trong các hạnh tử đạo Hy Lạp lẫn La Tinh.
Thánh nữ Agata được tôn kính cách đặc biệt tại Catane; dân thành phố này tin rằng thánh nữ đã làm nhiều phép lạ trong thời đất nước gặp khó khăn ; họ tin rằng nhờ lời cầu bầu của thánh nữ đã cứu được thành khỏi bị núi lửa Etna bùng nổ. Agata được xem như thánh quan thầy của các cô bảo mẫu, người làm chuông, làm đồ nữ trang…Ngài được kể vào các thánh Bảo Trợ, được kêu cầu khi người ta bị bệnh đau thận. Mỹ thuật trình bày thánh nữ cầm một cái dĩa trong tay, trên có đôi vú bị cắt.
Thánh nữ Agata biết làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng việc thánh hiến sự đồng trinh và sự can đảm trong cuộc tử đạo.
Theo truyền thuyết, ngay từ bé, Agata đã chọn con đường tận hiến trinh khiết, hoàn toàn tự do dâng hiến cho tình yêu Chúa Kitô. Để chống lại các đòi hỏi của tổng trấn ngoại giáo Quitinien mà thánh nữ bị bắt, bị hành hình đau khổ và bị giết chết.
Thánh Méthode, giáo chủ Constantinople (+ 487), trong bài giảng ngày lễ tử đạo của thánh nữ, đã nhấn mạnh đến sự thánh hiến của thánh Agata, “đính hôn với hôn phu duy nhất là Đức Kitô… thánh nữ suy niệm và luôn chiêm ngắm cái chết của hôn phu một cách say mê”. Tình yêu nồng cháy đã làm cho thánh nữ hạnh phúc, như tên của thánh nữ, chỉ vì Thiên Chúa là nguồn mọi điều tốt lành.
Trong thời bách hại của Dèce, rất nhiều người được tử đạo, nhưng cũng có nhiều người chối đạo. Sự can đảm của các chứng nhân đức tin trước các lý hình nhấn mạnh đến tính chất anh hùng của hy tế và gương mẫu của họ, đã giúp đỡ rất nhiều người Kitô hữu thêm vững vàng trong đức tin, như thánh nữ Agata, theo như Hạnh tử đạo của bà, “vui tươi và chiếu sáng, bước vào tù ngục như vào một bàn tiệc.”
Thánh Méthode khuyến khích các tín hữu của ngài chạy đến với nữ thánh tử đạo, “như đang chiến thắng trận chiến hiện tại, thánh nữ Agata mời gọi mọi người đến với Bà, dạy dỗ bằng mẫu gương của mình: mọi người hãy đến với bà, đến với sự tốt lành chân thật, không gì khác hơn là chính Thiên Chúa.”
Qua trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu. Lúc này đã nổi danh, vì đời sống ngay thẳng công chính, với một lối sống rõ rệt là bênh vực người nghèo và kẻ áp bức. Gioan Tẩy giả là người chính trực ngày thẳng, không vị nể và không sợ trước những áp lực thế gian.
Hêrôđê là một con người tha hóa, nhu nhược. Bà Hêrôđia là một con người thời cơ lợi dụng, âm mưu và tội lỗi. Con gái bà Hêrôđia là người không có phán đoán, sống theo hưởng thụ và sẵn sàng cộng tác vào những điều bất chính.
Tất cả những cách sống của những nhân vật như: Chúa Giêsu, Gioan Tẩy giả, Hêrôđê, bà Hêrôđia và con gái bà, chúng ta có thể thấy rất nhiều trong môi trường ngày nay, và đôi khi cũng là chính khuân mặt của chúng ta.
Gioan Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.
Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy Giả, của các Tông Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo, đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành giây liên kết mọi Kitô hữu.
Cái chết anh dũng của thánh Gioan Tẩy giả. Ngài đã bị trảm quyết vì đã dám lên tiếng tố cáo cuộc sống vô luân của vua Hêrôđê, là người đã bỏ vợ để lấy vợ của anh cùng cha khác mẹ của mình. Mang trong mình sứ mệnh răn bảo, sửa dạy, và kêu mời dân chúng hoán cải, từ bỏ lối sống tội lỗi để trở về đường ngay nẻo chính, Gioan không thể làm ngơ trước cuộc sống vô luân có thể ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và luân lý của toàn dân. Khi tố cáo cuộc sống tội lỗi của Hêrôđê, Gioan không chỉ tố cáo tội lỗi của một cá nhân, mà còn cảnh cáo giới lãnh đạo thời đó đã vì địa vị, danh vọng, mà để mặc cho bất công ngự trị, tung hoành.
Thánh Gioan đã chu toàn sứ mạng của mình cách trọn hảo. Ngài đã dám sống và dám đánh đổi ngay cả mạng sống mình để trung thành với sứ mạng làm chứng cho sự thật dù phải thiệt thân. Dung mạo của Gioan loan báo trước dung mạo của Chúa Giêsu, đến nỗi khi Chúa Giêsu đến vua Hêrôđê tưởng rằng ông đã sống lại. Ước gì đây là khuôn vàng thước ngọc cho người Kitô hữu chúng ta trong cuộc sống hiện tại để dám sống và trung thành bảo vệ chân lý Tin Mừng như Gioan dù có thể bị oán ghét, thiệt thòi.
Hình ảnh của Gioan Tẩy Giả là mẫu gương của một con người sống có lý tưởng và sống cho nhân loại. Nghĩ tới Tẩy Giả người ta không quên cuộc đời kham khổ và đầu loang máu trên điã bạc. Đó là hình ảnh của Chúa Giêsu gắn liền với Thập Giá. Chúa Giêsu đã ở trên Thập Giá nên đã sinh hoa kết trái là hồng phúc và ơn cứu chuộc của Ngài. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta hiểu được đời chúng ta đang sống và sống để đem lại sự thật cho những người đang sống chung quanh chúng ta.