Người ủng hộ nhìn thấy sự tiến bộ, hy vọng…
Kính sợ Thiên Chúa là bước khởi đầu của ơn khôn ngoan và thông thái
Dân tộc nào cũng có những người thông minh. Trẻ em dưới 10 tuổi mà thông minh trổi vượt được gọi là ‘thần đồng’. Chỉ số thông minh (IQ: Intelligent quotient) của những người thông minh nhất thế giới từ Judit Polgar (IQ:170) đến William James Sidis (IQ: 250 – 300). Tuy nhiên nhiều nhận xét cũng như bài viết cho rằng người Do Thái là dân tộc thông minh nhất thế giới. Những cuộc khảo sát cho thấy chỉ số thông minh (IQ) trung bình của thế giới là 100, thì IQ trung bình của người Do thái vào khoảng độ 115-120.
Tại sao người Do Thái được cho là thông minh nhất thế giới? Có những bài viết bằng Anh ngữ và Việt ngữ đưa ra lí do và giải thích tại sao người Do Thái thông minh. Những người lãnh giải Nobel thuộc các bộ môn như khoa học, toán học, y học, kĩ thuật, kinh tế, triết học, văn chương, mĩ thuật, chính trị, hội họa, kịch nghệ, âm nhạc, phim ảnh hầu như đều có gốc Do Thái. Người chế tạo bom nguyên tử là Albert Einstein ở Mĩ, và người chế tạo bom khinh khí là Andrei Sakharov ở Nga, đều có gốc Do Thái. Gần đây về phương diện tin học thì người sáng lập ra công cụ tìm kiếm Google là Sergey Brin, và người sáng lập ra mạng xã hội Facebook là Mark Zuckerberg, cũng đều là người Do Thái.
Những bài viết trên nêu những lí do như người mẹ đào tạo đứa trẻ từ khi còn trong bụng mẹ để con cái trở nên thông minh về sau. Họ ăn những gì và tránh ăn những gì ngay cả lúc mang thai và dạy con còn nhỏ ăn uống những gì là thức ăn ‘kosher’ và tránh ăn uống những gì và cách thế cho con cái ăn uống. Trong gia đình, họ dạy con theo đường lối khuyến khích và tự tìm ra câu trả lời thay vì chê bai. Họ nhắc nhở cho con chịu trách nhiệm về những việc làm của chúng. Tại học đường họ khuyến khích con cái chọn những môn gì, để cho con cái trở thành thông minh.
Phạm vi bài này chỉ bàn đến việc người Do Thái kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ luật Chúa và sống theo đường lối của Thiên Chúa trong Thánh kinh đã làm cho họ được thông minh và khôn ngoan. Thiên Chúa là Đấng thông suốt và không ngoan, nên tuân giữ luật Chúa và sống theo đường lối của Chúa cũng được hưởng nhờ sự khôn ngoan và thông hiểu của Thiên Chúa.
Kính sợ Thiên Chúa có nghĩa là gì?
Theo bài trích sách Châm Ngôn ghi lại: ‘Kính sợ Thiên Chúa là bước đầu của trí thức’ (Cn 1:7). ‘Kính sợ Thiên Chúa là bước đầu của ơn khôn ngoan, biết Đấng Chí Thánh mới là hiểu biết thật’ (Cn 9:10).
1.Mosê dạy người Do Thái tuân giữ mệnh lệnh của Thiên Chúa để được khôn ngoan và thông minh
Trong bài trích sách Ðệ Nhị Luật, Môsê nhắc nhở cho người Do Thái: ‘Hãy tuân giữ những mệnh lệnh của Chúa là Thiên Chúa chúng ta mà tôi truyền cho anh em’ (Ðnl 4:2). Theo ông Môsê thì nhờ việc tuân giữ mệnh lệnh của Thiên Chúa và thánh chỉ của Chúa, họ sẽ được các dân tộc coi là ‘khôn ngoan và thông minh’ (Ðnl 4:6) vì họ có Chúa ở gần kề và hướng dẫn đời sống họ.
Biết kính sợ Thiên Chúa và sống theo lề luật trong Thánh Kinh, tức là theo đường lối của Thiên Chúa. Như vậy kính sợ Thiên Chúa là sốnt theo luật Chúa và đường lối của Thiên Chúa. Đuờng lối của Thiên Chúa là đường lối không ngoan cho nên người sống theo đường lối của Thiên Chúa thì được ơn khôn ngoan, ơn trí thức, ơn hiểu biết của Thiên Chúa.
2.Vua Salomon xin Chúa cho ông tâm hồn biết lắng nghe và phân biệt phải trái và được Chúa ban cho tâm hồn khôn ngoan
Ðứng trước những chọn lựa khác nhau của cuộc sống, vua Salômôn không xin Chúa cho được sống lâu hay quyền thế, không xin cho được giàu sang, hay thắng trận. Nhà Vua tự nhận thức rằng trí khôn của ông chưa trưởng thành, chưa đủ kinh nghiệm, mà dân nuớc thì lại đông đảo. Vì thế nhà Vua chỉ xin Chúa ban cho được sự khôn ngoan, một tâm hồn hiểu biết, để phân biệt thiện ác, lành dữ. Nhà Vua cũng xin cho được phán đoán ngay thẳng để hướng dẫn dân tình thế thái. Ðây là lời Vua xin cùng Chúa: ‘Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái’ (1V 3)..
Kết quả là Thiên Chúa tỏ lòng rộng lượng, ban cho nhà Vua một tâm hồn khôn ngoan trổi vượt, để từ đó vua Salômôn trở thành nhân vật khôn ngoan cho tới ngày nay mà bao nhiêu người hằng ngưỡng mộ. Chúa phán với Sa-lô-mon: ‘Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp’ (1V 3:12).
Sự khôn ngoan của vua Salômôn đã được nữ hoàng Sơ-va tìm đến học hỏi như Phúc Âm thánh Mát-thêu ghi lại: ‘Bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-mon’ (Mt 12:42). Nữ hoàng Sơ-va đã làm cuộc hành trình cả ngàn dậm từ xứ Ê-thi-ô-pi-a đến để học hỏi sự khôn ngoan cuả Sa-lô-mon. Nữ hoàng Sa-va đã hết lời ca ngợi sự khôn ngoan và giầu có của vua Sa-lô-mon: “Thật đúng như lời tôi nghe đồn trong xứ tôi về các công trình và sự khôn ngoan của ngài. Và lúc đó tôi không tin những điều người ta kể cho tôi, cho tới khi tôi đến đây, chính mắt tôi đã trông thấy, và tôi quả quyết rằng những điều đồn đại tôi nghe chưa bằng một phân nửa. Sự khôn ngoan và các công trình của ngài còn vĩ đại hơn tiếng đồn tôi đã nghe” (x. 1V 10, 6-8).
Bộ sách Thánh Kinh Cựu Ước, đặc biệt những sách sau đây chỉ ra làm sao để được sự khôn ngoan. Người Do Thái noi theo những lời khuyện dạy trong Thánh kinh biết kính sợ Chúa và dạy bảo cho con cháu cũng biết kính sợ Chúa.
Nói như vậy không có nghĩa là lúc nào họ cũng tuân giữ luật Chúa. Trên đường trở về đất hứa, họ đã lỗi luật Chúa. Họ đã bỏ Chúa để đi thờ các thần ngoại lai; họ còn đúc bò vàng để thờ. Mỗi khi họ ăn năn sám hối, thì Chúa lại tha thứ cho họ, mở rộng bàn tay đón nhận họ trở về.
Tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa là tìm sống theo luật Chúa, theo đường lối của Chúa, chu toàn thánh ý Thiên Chúa, để được hướng dẫn biết cách phải làm thế nào trong mỗi hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.
Sách Châm Ngôn theo những lời tựa đầu sách từ chương một đến câu 7 là những câu châm ngôn của Vua Sa-lô-mon nhằm dạy con người biết lí lẽ khôn ngoan và những lời giáo huấn, những lời lẽ thâm sâu để biết cách xử thế, biết sống công bình, chính trực. Những câu châm ngôn còn nhằm giúp người ngây thơ nên sáng suốt, người trẻ thêm hiểu biết và thận trọng. Những câu châm ngôn còn nhằm giúp con người hiểu biết những lời bóng bẩy, những ngôn từ và câu đố của hiền nhân. Người khôn ngoan nghe để được thêm kiến thức, người hiểu biết nghe thì tìm được lời hướng dẫn.
Sách Giảng Viên cũng nằm trong bộ sách Thánh Kinh Cựu Ước gồm 12 chương. Tác giả tự giới thiệu là Cô-hê-lét, là con trai vua David, có lẽ ngụ ý là vua Sa-lô-mon. Lời kết luận của Sách Giảng Viên là: ‘Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người, vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu’ (Gv 12: 13-14).
Sách Khôn Ngoan gồm 19 chương, là cuốn sách trong bộ sách Thánh Kinh Cựu Ước, được viết bằng tiếng Hi Lạp vào thế kỉ thứ 1 trước Công Nguyên, chỉ cho thấy cách sống và xử thế làm sao để đạt được sự không ngoan và chính trực.
Còn sách Huấn Ca theo phần tuyển tập các châm ngôn cũng bàn đến sự khôn ngoan. Sách Huấn Ca chứa đựng những lời khuyên dạy thực tế mà người Do thái trong Cựu Ứớc đã thu tích được để giúp con cháu sống theo gương đạo hạnh, công đức của tiền nhân (Hc 44:10).
Cha mẹ người Do thái dạy con cháu biết kính sợ Thiên Chúa như thế nào
Đối với người Do Thái, Thánh Kinh Cựu Ước cũng là cổ sử của họ. Sách Khôn Ngoan bàn về vai trò quan trọng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái sống theo đường lối của Thiên Chúa.
Người Do Thái có truyền thống coi kiến thức trí tuệ là thứ quý giá. Kinh Talmud có ghi: Tài sản và tiền của có thể bị mất, còn tri thức và trí tuệ thì không mất được. Kinh Tamud đòi hỏi bậc làm cha mẹ phải dạy con biết đọc, biết viết từ năm lên 6 tuổi. Do đó cách đây hơn 2000 năm đại đa số người Do Thái đã biết chữ.
Họ khuyến khích và động viên con cáí tự học hỏi, đọc Thánh Kinh và tự lãnh trách nhiệm để con tự lập thân, trở nên thành đạt. Họ dạy cho con cháu biết kính sợ Thiên Chúa, giữ ngày Sa-bát, biết ghi nhớ những kì công của Chúa đã dẫn đưa cha ông họ ra khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, khỏi bị chèn ép.
Ý thức là dân tộc thiểu số, khiến họ luôn phải phấn đấu để sống còn. Sống rải rác trên khắp thế giới, họ vẫn nhớ nguồn gốc của tổ tiên, vẫn giữ được những sắc thái riêng: nòi giống, nguyên ngữ, truyền thống, văn hoá, phong tục, tập quán. Họ dễ được nhận diện ngoài đường phố trong cách ăn bận, cách sinh sống của họ. Đàn ông thì để râu và tóc mai dài, cuộn xoắn lại hai bên mang tai. Đầu đội mũ chỏm bên trong và mũ phớt mầu đen bên ngoài. Quần mầu đen, áo sơ mi trắng. Áo vét mầu đen rộng thùng thình có khi thấy nhẵn thín ở những điểm hay bị cọ sát, có lẽ vì lâu ngày không giặt chăng? Họ thành công vì họ biết tiết kiệm mà bị coi là tằn tiện.
Ý thức về vai trò được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng trong Thánh Kinh Cựu Ứớc mà họ cảm thấy phải đọc Thánh Kinh và tuân giữ các mệnh lệnh của Chúa và sống theo đường lối của Chúa và dạy cho con cái cũng làm theo như vậy. Ý thức là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, nên họ phải học hỏi để vươn lên. Chính sách Hít-lẹ của Đức Quốc Xã đã diệt chủng tộc Do Thái, giết cả hàng triệu người trong các trại tập trung bên Âu Châu từ năm 1941 đến năm 1945.
Trong thời Thánh Kinh Tân Ước Thiên Chúa tỏ mình ra cho mọi dân tộc
Trong thời Thánh Kinh Cựu Ước, Thiên Chúa đã chọn dân tộc Do Thái làm dân riêng để dọn đường cho việc Thiên Chúa kêu gọi các dân khác noi theo sau này: ‘Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất’(Is 49:6). Dân Do Thái được thử thách, răn đe, sửa phạt, luyện lọc và thanh tẩy để sống trung thành với những giao ước mà Thiên Chúa đã kí kết với họ. Giao ước quan trọng nhất trong thời Cựu Ước là giao ước Chúa ban cho dân Do Thái qua Môsê trên núi Sinai (Xh 20:1-21) khi Chúa ban Mười Giới luật cho dân Người và được phê chuẩn bằng máu chiên đổ trên bàn thờ (Xh 24). .
Khi thời gian đã chín mùi và thời giờ đã điểm, thì con Thiên Thiên Chúa là Đức Ki-tô đến cứu chuộc nhân loại, mời gọi tất cả mọi dân tộc đến ơn cứu độ, chứ không phải chỉ riêng người Do Thái. Trong ngày lễ Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình ra cho tất cả mọi dân tộc qua ba vị đạo sĩ, quen gọi là Ba Vua.
Lời ngôn sứ Isaia ghi lại: ‘Lạc đà từng đàn che rợp mặt đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha, tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Thiên Chúa’ (Is 60:6). Họ từ bên đông, tìm đến Giêrusalem để viếng thăm Vua mới sinh của người Do Thái và kính bái Người.
Theo quan niệm Do Thái cổ xưa, thì tất cả những dân tộc không thuộc dòng dõi Do Thái, đều là dân ngoại. Ngôn sứ Isaia viễn kiến một thành Giêrusalem mới, theo nghĩa thiêng liêng và phổ quát, mà mọi dân tộc sẽ đến để được chia sẻ ánh vinh quang của Thiên Chúa (Is 60: 1, 3). Như vậy Ðấng Ki-tô đến không những tỏ mình cho người Do Thái, mà còn cho dân ngoại, nghĩa là cho mọi dân tộc qua các nhà đạo sĩ như là vị Cứu Tinh của các dân tộc.
Vương quốc mà Thiên Chúa hứa cho dân trong Cựu Ứớc là Dân Do Thái, bây giờ được mở rộng ra cho các dân tộc muốn vào và ơn cứu độ được hứa cho dân riêng là Do Thái thì bây giờ được đến với các dân tộc. Như vậy Ðấng Cứu Thế đến không phải để cứu chuộc một dân tộc, Người còn là Ðấng Cứu Tinh của mọi dân nước.
Viễn tượng mà thánh Phao-lô thấy được thực hiện khi: Các dân tộc được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa (Ep 3:6).
Thiên Chúa có ban sự khôn ngoan cho dân tộc khác biết kính sợ Chúa không?
Kính sợ Thiên Chúa không phải là sợ hãi Chúa, mà xa tránh Chúa và không dám đến gần Chúa. Kính sợ Thiên Chúa là sống theo luật Chúa và đường lối của Thiên Chúa. Kính sợ Thiên Chúa chỉ có nghĩa là không dám lỗi giới răn của Chúa, xúc phạm đến Chúa và đến người khác. Người biết kính sợ Thiên Chúa thì không dám làm điều tội lỗi, sai trái, gian ác, bất công, bất nhân, bất nghĩa và bất chính.
Đuờng lối của Thiên Chúa là đường lối khôn ngoan, nên người đọc và suy gẫm lời Chúa trong Thánh Kinh, chỉ ra cho thấy những cách đối nhân xử thế trong những hoàn cảnh và trường hợp khác nhau, người ta sẽ học được sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Đường lối của Thiên Chúa là đường nẻo khôn ngoan, nên người sống theo đường lối của Thiên Chúa, thì chẳng lẽ Thiên Chúa lại không ban cho họ được ơn khôn ngoan, ơn trí thức, ơn hiểu biết sao, để phân biệt phải trái, lành dữ, tốt xấu, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự thật và gian lận, giữa công bình và bất công, giữa xây dựng và phá đổ, để giải quyết những vấn đề cá nhân và tập thể và để thăng tiến hoá đời sống con người.
Nếu người Do Thái có được sự thông minh là nhờ cha mẹ khuyến khích con cái đọc Thánh Kinh và dạy con cái ngay từ khi còn trong lòng mẹ, thì con cái của những người không phải là Do Thái có được sự thông minh khi cha mẹ họ cũng áp dụng phương pháp, đường lối và cách thế giáo dục cho con cái được phát triển về đời sống trí thức như cha mẹ người Do Thái giáo dục con cái họ không?
Theo linh mục Trần Bình Trọng trong bài: ‘Đầu Tư vào con cái’ [1], tác giả khuyến khích người mẹ cần phải đầu tư vào đứa con ngay từ khi mới thụ thai, bằng cách kiêng cữ rượu mạnh, xì ke, ma tuý, có thể làm kích thích hoặc suy bại thần kinh của bào thai. Ngoài ra người mẹ cần tránh việc nặng nhọc và cần ăn uống, nghỉ ngơi cho điều hoà. Ngay cả những nỗi khổ tâm như buồn bực cũng có ảnh hửởng tiêu cực đến bào thai. Tác giả đề nghị các bà mẹ mang thai nên nhìn vào gương, mỉm cười mỗi ngày mấy lần để con cái sau này được hạnh phúc. Cha mẹ cần đầu tư vào đứa con ngay từ khi mới sinh con. Cha mẹ trẻ nên được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, học hỏi cách dưỡng nhi / dưỡng sinh, phương pháp và cách thế giáo dục con cái trong việc giáo dục con. Cha mẹ không nên so sánh con này với con khác hoặc con của người khác mà phân biệt đối xử để đứa con thua kém khỏi bị tự ti mặc cảm..
Sống theo luật lương tâm ngay thẳng, làm lành, tránh dữ, sống theo đường lối công bình, chính trực, vị tha, bác ái, thì Ông Trời của dân gian Việt Nam, Hoá Công theo quan niệm ‘Cung Oán Ngâm Khúc’ và Hoá Công theo nhãn quan của Thuý Kiều trong ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ của Đại Thi Hào Nguyễn Du, và Thượng Đế theo viễn kiến của vua Trần Nhân Tông trong bài ‘Thượng Đế liên sầm tịch’, thì Ông Trời, Hoá Công, Thượng Đế, mà người Công Giáo gọi là Thiên Chúa, lại không ban cho họ được khôn ngoan, trí thức và hiểu biết sao?
Lm Trần Bình Trọng
—————-
[1]. Đặc San Giáng Sinh 1990- Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Arlington, Virginia. Walter Brothers Printing, 1990.