Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.
Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c.17). Thật vậy, Chúa Giêsu đã đẩy luật Mô-sê đi sâu vào phẩm chất của luật. Có lẽ vì thấy người Do Thái giữ luật chi theo hình thức bên ngoài “mã tô vôi” mà quên đi điều cốt lõi là sự yêu thương và lòng bác ái… “Lề luật hay lời các ngôn sứ” được nói ở đây ý chỉ là tất cả Cựu Ước, chứ không chỉ là những cuốn sách. Vì Đức Giêsu là đích điểm của tất cả lịch sử dân Chúa, là trung tâm lịch sử cứu độ, là ý nghĩa mà toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước nói tới. Ngài khẳng định: Ngài đến để kiện toàn luật, nghĩa là Ngài đưa luật tới ý nghĩa toàn hảo, ý nghĩa đích thực của nó.
“Thầy bảo thật: Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm, một phết trong lề luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. (c.18) Một chấm, một phết ở đây không là dấu chấm phẩy trong câu văn tiếng việt của chúng ta, nhưng là những nét chấm, phết trong mẫu tự Do Thái. Đó là những nét nhỏ để phân biệt chữ này với chữ khác. Vậy tại sao một dấu nét nhỏ trong lề luật không thể qua đi? Chúa Giêsu nhấn mạnh và nêu lên hình ảnh này để nói lên tầm quan trọng đích thực của luật.
Vì lề luật được xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa. Và những gì là Thánh ý Chúa thì không được xem là nhỏ bé, tầm thường. “cho đến khi mọi sự hoàn thành”. Chúng ta thấy ngôn từ này quen thuộc như lời Chúa Giêsu đã nói khi ở trên cây Thánh Giá trước khi trút hơi thở cuối cùng : Mọi sự đã hoàn tất… Đấng ban lề luật, Đấng xét xử lề luật đã hoàn tất công trình cứu chuộc, Ngài đã kiện toàn luật Mô-sê bằng chính sự hiến dâng thân xác của mình, để từ nay đưa con người vào sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, phá bỏ mọi gánh nặng của lề luật trói buộc con người.
câu 19 Thánh sử viết: “Ai bãi bỏ luật là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân giữ và dạy người khác thì gọi là lớn trong Nước Trời”. Vì sao vậy? Vì luật là ý muốn của Thiên Chúa. Ai nghe và tuân giữ Lời Chúa thì được gọi là mẹ, anh em, chị em của Chúa Giêsu (Lc 8,,21). Và môn đệ chân chính là người thi hành ý muốn của Chúa Cha. (Mt 7,21). Chúa Giêsu còn đưa ra ví dụ dẫn chứng về việc nghe và thực hành Lời Chúa qua dụ ngôn: xây nhà trên cát hoặc trên đá và hậu quả sự khác nhau đó sẽ xảy ra khi mưa to, bão lớn. ( 7, 24tt).
Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.
Con người ngày nay thích tìm sự dễ dãi, họ xem Luật Chúa như một gánh nặng cổ hũ. Đây chính là nguyên nhân gây ra biết bao hệ lụy đáng buồn. Trong Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh tỉnh mọi tín hữu đừng để các tiên tri giả mê hoặc, đừng để tình yêu trở nên nguội lạnh, hãy dấn thân sống trọn tinh thần mùa chay. “Vì sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người sẽ bị nguội lạnh” (Mt 24,12). Người ta xa lìa Thiên Chúa để chạy theo những tiên tri giả. Bao nhiêu người trẻ tìm phương được giả dối trong ma túy, trong những quan hệ “dùng rồi bỏ”, kiếm tiền dễ dàng một cách bất chính! Bao nhiêu người khác nữa bị vướng vào một cuộc sống hoàn toàn là ảo, trong đó những tương quan có vẻ đơn giản và mau lẹ hơn, nhưng rồi chúng vô nghĩa một cách bi thảm! […]
Vì thế, mỗi người chúng ta được kêu gọi phân định trong tâm hồn và cứu xét xem mình có bị đe dọa vì những điều giả dối của các tiên tri giả ấy hay không. Cần học cách không dừng lại ở mức độ gần kề, hời hợt, nhưng nhận ra điều để lại trong chúng ta dấu vết tốt lành và lâu bền hơn, vì nó đến từ Thiên Chúa và thực sự có giá trị mưu ích cho chúng ta.