Nhìn vào Các Mối Tương Quan “bất ổn” của Thánh Phaolô.
Người ta phải chịu đựng tất cả các loại cô đơn. Tôi có thể nhớ lần đầu tiên tôi cảm thấy đơn độc khi tôi rời gia đình để đi học đại học. Thời gian sau trong cuộc đời, tôi có thể cảm thấy cô đơn khi tôi phải đi những chuyến kinh doanh lâu ngày. Tôi nhớ vợ tôi, Felicia và bốn đứa con của tôi rất nhiều. Tôi cũng nhận thấy sự từ chối hoặc sự không đồng tình ý kiến đã khiến tôi cảm thấy cô đơn và bị chia cắt khỏi những người khác như thế nào.
Bạn sẽ nói gì nếu tôi nói với bạn rằng ngay cả Thánh Phaolô cũng đã cảm thấy cô đơn, đặc biết vào cuối cuộc đời của thánh nhân? Hãy đọc những câu cùng trong thư thứ hai của ngài gửi cho anh Timôthê – giống như lá thư cuối cùng ngài đã từng viết – và bạn sẽ thấy thánh nhân đã bị cô lập và cô đơn như thế nào khi một mình ngồi trong nhà tù đó.
Nọc Độc của Sự Cô Đơn. Điều gì đã khiến cho Thánh Phaolô cảm thấy quá cô đơn? Như chúng ta thấy trong bài viết đầu tiên của chúng tôi, một trong các môn đệ của ngài, là Đêma, đã bỏ ngài và công việc truyền giáo (x. 2 Tm 4,10.12). Phaolô cũng đã sai anh Titô, Cơrétxen và anh Tykhicô đi thi hành sứ vụ truyền giáo, và điều đó đã làm cho ngài thậm chí cô đơn hơn (x. 2 Tm 4,10). Sau đó có Alêxanđê, thợ rèn, đã chủ động lôi kéo những người chống lại Phaolô (x. Tm 4,14). Cuối cùng, ký ức về thử thách đầu tiên của ngài, khi “chẳng có ai bênh vực tôi”, đã tiếp tục làm Ngài nhói đau (2 Tm 4,16). Thật vậy, Thánh Phaolô cảm thấy rất cô đơn đến nỗi thực sự ngài đã nài nỉ Timôthê đến với ngài – hai lần (x. Tm 4,9.12)!
Tất cả những điều này cho chúng ta thấy rằng, bên cạnh tất cả tính anh hùng tông đồ của mình, Phaolô vẫn chỉ là một con người. Ngài có lẽ đã dốc hết sức mình để chăm sóc nhiều người, nhưng ngài cũng cần và ao ước một tình yêu thương mà ngài đã dành cả cuộc đời để cho đi.
Đây là điều mà chúng ta có xu hướng lãng quên về các vị thánh như Thánh Phaolô, Thánh Phêrô và các Thánh khác: các ngài đã yêu thương và cậy dựa vào các anh chị mình trong Chúa nhiều biết bao. Trong suốt cuộc đời của mình, Thánh Phaolô đã thành lập một cộng đoàn các nhà truyền giáo sinh động, thân thiết. Họ cùng đi với nhau, cầu nguyện với nhau, họ đã chia sẻ cuộc sống của mình với nhau. Bạn có thể nói rằng họ là “dòng tu” đầu tiên trong Giáo Hội. Họ có thể không phải là một dòng tu chính thức như dòng Phanxicô hay dòng Tên, nhưng họ đã có nhiều nét đặc trưng của các cộng đoàn gắn bó chặt chẽ mà Thánh Phanxicô, Thánh Biển Đức và Thánh Têrêsa Avila đã thành lập.
Vậy không có gì lạ khi Thánh Phaolô đã cảm thấy rất cô đơn. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi ngài đặc biệt nhớ anh Timôthê. Trong khi Phaolô đã yêu thương tất cả mọi người làm việc với ngài để xây dựng Hội Thánh, Timôthê đã có một chỗ đặc biệt trong trái tim của ngài. Ngài đã xem Timôthê là “người cộng tác” (Rm 16,21; 1 Tx 3,2), “người anh em” của ngài (2 Cr 1,1; Cl 1,1), thậm chí “người con” của ngài (1 Tm 1,2; 2 Tm 1,2). Người nói với các tín hữu Philípphê rằng: “Chẳng có ai khác cùng chia sẻ một tâm tình với tôi và tận tâm lo lắng cho anh em” (Pl 2,20). Thánh nhân tiếp tục nói: “Anh em biết: anh Timôthê đã chứng tỏ mình là người có giá trị, bởi vì anh ấy đã cùng với tôi phục vụ Tin Mừng, như con với cha” (Pl 2,22). Khi bạn yêu thương ai đó và cậy dựa vào họ nhiều như Thánh Phaolô đã làm với Timôthê, tự nhiên bạn sẽ nhớ họ cách sâu sắc khi họ đi khỏi!
Tình Yêu Huynh Đệ (agape). Sự cô đơn của Thánh Phaolô – sự cô đơn của mọi người, thực ra – cho chúng ta thấy thật quan trọng biết bao để có tình yêu trong cuộc sống của chúng ta. Và không chỉ tình yêu hôn nhân, nhưng là tất cả mọi tình yêu. Đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta nghe nhiều về tình yêu trên trần gian này. Nhưng hầu hết những gì chúng ta nghe, đặc biệt trong những bộ phim và những bài hát – có khuynh hướng tập trung vào những gì được gọi là tình yêu eros (tình yêu ái tình/khoái cảm). Đó là sự thân mật về thể xác, nhục dục mà Thiên Chúa đã thiết định để chia sẻ giữa vợ và chồng. Nhưng cũng có những hình thức tình yêu khác. Cũng có tình yêu storge (tình yêu gia đình), là tình yêu tự nhiên được thể hiện trong các gia đình. Storge có thể được dịch là “tình yêu (love)”, nhưng đôi khi cũng có thể được dịch là “tình thương mến” (Rm 12,10).
Và có tình yêu bằng hữu (philia), hoặc tình yêu anh em. Điều này được diễn tả cách tốt nhất khi nói về tình yêu giữa những người bạn. Nó chuyển đạt cảm thức gắn bó chặt chẽ, nhưng không liên quan đến bất cứ điều gì lãng mạn hay nhục dục. Trong hình thức phổ biến nhất của mình, tình yêu bằng hữu bao gồm tình yêu dành cho mọi người, cho dù đối với người nghèo, với người đồng nghiệp hoặc đối với mọi người trong giáo xứ hay hàng xóm của chúng ta. Và trong hình thức đặc thù nhất, nó nói đến tình yêu giữa những người bạn thân thiết, trung thành cam kết cùng nhau đi xa hơn cả sự quen biết thông thường.
Cuối cùng, có tình yêu huynh đệ (agape), tình yêu lớn nhất mà chúng ta có thể từng kinh nghiệm. Đó là tình yêu vị kỷ, cho đi chính mình, vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Trong một ý nghĩa nào đó, agape không chỉ là một kiểu tình yêu khác thuộc về một loại tương quan duy nhất. Đó là tình yêu mà Thiên Chúa muốn chúng ta biểu tỏ cho mọi người, bất kể đó là người phối ngẫu của chúng ta, cha mẹ, con cái, bạn bè của chúng ta hay thậm chí cả những người xa lạ. Tình yêu này là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14) nên là nét đặc trưng của tất cả các mối tương quan của chúng ta. Tình yêu huynh đệ (agape) là quyền năng ân sủng của Thiên Chúa có thể đảm nhận bất cứ “tình yêu” nào của chúng ta và biến đổi chúng để chúng phản ảnh chính tình yêu của Người.
Tuyệt vời như tất cả mọi tình yêu khác, thậm chí tình yêu agape cao cả hơn bởi vì đó là tình yêu mà Chúa Giêsu đã thể hiện đối với mọi người mà Người đã chữa lành hay giải thoát. Đó là tình yêu toả sáng qua tất cả sự giảng dạy của Người. Thậm chí đó là tình yêu mà Người dành cho mọi kẻ chống đối Người. Trên hết, đó là tình yêu mà Người đã bày tỏ cho toàn thể thế giới trên thập giá. Loại tình yêu này không lệ thuộc vào sự quan tâm ích kỷ và làm cho chúng ta sẵn sàng “hy sinh mạng sống [của chúng ta/mình]” vì nhau – thậm chí cho cả “kẻ thù” của chúng ta (Ga 15,13; Rm 15,8-10).
Chính những tác phẩm của Thánh Phaolô cho chúng ta thấy rằng loại tình yêu này không phải lúc nào cũng dễ dàng duy trì. Trong bài viết đầu tiên của chúng tôi, chúng ta đã thấy mối tương quan của Thánh Phaolô với tông đồ Banaba đã bị rạn nứt vì sự bất đồng về anh Gioan Máccô (x. Cv 15,36-39). Chúng ta cũng đã thấy Phaolô đã cự lại Phêrô ở Antiôkhia cách công khai như thế nào (x. Gl 2,11-14). Nhưng ngay cả khi có những thăng trầm của riêng mình, Phaolô đã hiểu rằng tình yêu dành cho nhau đó phải thực sự là thước đo của đức tin chúng ta. Hãy nhớ, ngài chính là người đã nói với chúng ta rằng ngay cả nếu chúng ta có đủ đức tin để chuyển núi dời non mà không có tình yêu, thì chúng ta cũng “chẳng là gì” (1 Cr 13,2). Ngài cũng là người đã lặp lời dạy của Chúa Giêsu khi viết rằng: “Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8).
Những Mối Tương Quan “Bất Ổn”. Những lời của Thánh Phaolô về trọng tâm của tình yêu không chỉ là những lời khuyên tốt về tinh thần. Các bác sĩ, các nhà tâm lý học, các nhà xã hội học và các nhà tư vấn nói với chúng ta thật quan trọng biết bao đối với con người chúng ta để có những mối tương quan yêu thương, ổn định.
Chẳng hạn, vào năm 1938, như một phần của cuộc nghiên cứu về sự phát triển con người, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvart đã bắt đầu theo dõi 268 tham dự viên, tất cả họ là các sinh viên đại học. Các nhà nghiên cứu tiếp tục theo dõi họ nhiều thập niên. Họ muốn xác định các nhân tố dẫn tới hạnh phúc lâu dài cũng như khả năng giải quyết với những thăng trầm trong cuộc sống. Vào năm 2015, những kết quả từ cuộc nghiên cứu đã được xuất bản trong một cuốn sách có tựa đề là Triumphs of Experience (Những Thành Tựu của Sự Trải Nghiệm). Họ nhận ra rằng hạnh phúc và sự trưởng thành tuỳ thuộc vào những mối tương quan lành mạnh, ổn định, chứ không phải địa vị xã hội hay sự giàu có của một người. Thực vậy, các mối tương quan lành mạnh cũng quan trọng đối với sức khoẻ của chúng ta giống như chế độ ăn uống và tập thể dục vậy. Đây là lý do tại sao sự cô đơn có thể có ảnh hưởng tiêu cực trên chúng ta như vậy.
Theo Robert Waldinger, người đã tóm tắt các kết quả của cuộc nghiên cứu: “Những người thành công nhất là những người đã dựa vào các mối tương quan với gia đình, bạn bè, cộng đồng”. Ông cũng nói rằng: “Các mối tương quan thì lộn xộn, bất ổn và phức tạp, và sự vất vả chăm sóc gia đình và bạn bè thì không hứng thú gì. Việc đó kéo dài cả đời và không bao giờ kết thúc. Nhưng bằng chứng cho thấy rằng đó là cách chúng ta tìm thấy hạnh phúc thực sự”.
Thánh Phaolô có một số mối tương quan “bất ổn” trong cuộc sống: với Phêrô; với Giacôbê, thủ lãnh của giáo đoàn Giêrusalem; và với Gioan Máccô. Ngài đã không phải lúc nào cũng thành công trong việc thể hiện loại tình yêu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta. Nhưng ngài cũng có một số mối tương quan lành mạnh và chính những mối tương quan đó giữ ngài tiếp tục. Hơn nữa, rất có thể Thánh Phaolô đã cố gắng giải quyết các mối tương quan bất ổn sau đó của ngài trong cuộc sống. Tôi tin chắc rằng ngài đã cố gắng hoà giải với mọi người và đã xin họ tha thứ bất cứ cách nào mà ngài đã có phần ảnh hưởng vào những sự chia rẽ giữa họ.
Có thể là mỗi người trong chúng ta cũng có một số những mối tương quan “bất ổn” với bạn bè hay với các thành viên trong gia đình. Nếu Thánh Phaolô ở đây với chúng ta, ngài sẽ thúc giục chúng ta hãy làm bất cứ điều gì chúng ta có thể để hàn gắn những mối tương quan đó. Người sẽ nói với chúng ta: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3). Ngài sẽ thúc giục chúng ta: “Hãy yêu thương chân thành…; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,9.10). Và ngài sẽ nhắc nhở chúng ta: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13).
Hãy Dành Thời Gian để Yêu Thương. Vậy chúng ta hãy dành thời gian cho gia đình và các bạn hữu của chúng ta. Chúng ta hãy xin Thánh Thần giúp chúng ta tiếp cận với mọi người trong cuộc sống của chúng ta, những người đang cảm thấy cô đơn và thất vọng. Chúng ta đừng cho phép sự bận rộn hay những sự oán hận quá khứ hoặc sự đố kỵ hay bất cứ điều gì khác kìm giữ chúng ta xa khỏi những người mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta để yêu thương. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để sống trong tình yêu. Người muốn chúng ta có những mối tương quan ý nghĩa, đặc biệt trong một thế giới ngày càng bị cô lập. Người muốn chúng ta tránh mọi cạm bẫy có thể khiến chúng ta cô đơn và không toại nguyện. Khi chúng ta đặt tình yêu lên trên tiền bạc, sự tiện nghi, địa vị hoặc nghề nghiệp, Người sẽ chúc lành cho chúng ta – và không chỉ chúng ta, mà còn tất cả những người chúng ta có liên hệ mỗi ngày.
Tác giả: JOE DIFATO
Nguồn: WAU, July/August 2023 Issue
Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương chuyển ngữ