Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội…
Giáng Sinh tại Sài Gòn: Đêm nay, tình yêu của Thiên Chúa đã vào đời
Giáng Sinh tại Sài Gòn: Đêm nay, tình yêu của Thiên Chúa đã vào đời
Giáng Sinh tại Sài Gòn: Đêm nay, tình yêu của Thiên Chúa đã vào đời
Tối 24.12, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã chủ tế lễ Đêm Giáng Sinh tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, vị chủ chăn đã nhấn mạnh với cộng đoàn ý nghĩa nhiệm mầu của Giáng Sinh. Giáng Sinh “không phải chỉ là một ngày lễ hội”, cũng không phải chỉ là hang đá chúng ta làm ở nhà, hay nơi các nhà thờ, cũng không chỉ là ánh lung linh của những đèn sao. “Giáng Sinh là chính con Thiên Chúa ra đời làm người ở giữa chúng ta”.
Một tình yêu khó hiểu và kỳ diệu
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng phân tích: “Nhìn vào trong hang đá, chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy một Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Và nhiều người cũng nghĩ rằng đây là ngày sinh của một vị sáng lập tôn giáo, sáng lập ra Kitô giáo. Đức Giêsu đã sinh ra, lớn lên, sau này Ngài đi giảng đạo, cứu nhân độ thế, làm phép lạ và cuối cùng bị kết án như một tử tội ở trên thập giá. Đúng là như thế. Nhưng với chúng ta, những người tín hữu, người môn đệ của Chúa Giêsu thì không chỉ có thế. Hài Nhi Giêsu này chính là Con Thiên Chúa, Con Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi ban tặng chính Con Một của Ngài. Chúng ta nhìn vào hang đá, nhìn vào Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ, chúng ta thấy được tình yêu cao cả của Thiên Chúa”.
Chắc chắn mỗi người chúng ta cảm thấy khó hiểu, tại sao Thiên Chúa có thể trở thành một con người được, bởi vì chúng ta không thể quan niệm được tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban tặng chính mình cho chúng ta: “Không phải chỉ ban tặng bản thân mình để làm người giữa chúng ta, mà còn là người nghèo hèn, bé nhỏ, rốt hết trong chúng ta. Chúa Giêsu Con Thiên Chúa sinh ra trong máng cỏ, nằm trong máng ăn của gia súc, nghèo hèn như thế… Chúa đã tự nguyện trở thành một con người rốt hết trong chúng ta, và vì thế chúng ta cảm thấy tình yêu này quả thật khó tin. Nếu Con Thiên Chúa sinh ra làm người như một ông hoàng, sinh ra trong cung điện sang trọng, mặc cẩm bào, chúng ta sẽ dễ tin lắm. Nếu Chúa Giêsu như một vị vua, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, một lời nói ra là cả đạo quân răm rắp chấp hành, chúng ta sẽ dễ tin lắm. Nhưng không, hôm nay, Con Thiên Chúa trở nên một em bé ở giữa chúng ta. Quả thật, đó là một tình yêu hết sức khó hiểu, kỳ diệu, nhiệm mầu. Tình yêu cao cả mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều ấy. Chỉ có một tình yêu lớn lao như thế mới đúng là tình yêu của Thiên Chúa”.
“Máng cỏ hôm nay thật ra cũng chỉ là một biến cố mở đầu, sau này Đức Giêsu không làm quen, kết bạn với những người giàu có, những người địa vị trong xã hội, mà lại đi chơi với những người thấp cổ bé miệng, những người bị bệnh tật, những người bị ruồng bỏ, những người bị loại trừ, những người nghèo nhất trong xã hội. Đó không phải là tình yêu kỳ lạ hay sao?. Rồi Chúa Giêsu không chơi với những người công chính, mà lại chơi với những người tội lỗi, ăn uống với những người tội lỗi. Tình yêu đó không khó hiểu hay sao? Có tình yêu nào kỳ lạ mà quỳ xuống rửa chân cho môn đệ hay không, thay vì môn đệ rửa chân cho mình? Có tình yêu nào kỳ lạ, mà tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình, lại còn bào chữa cho họ: Xin Cha tha cho họ, vì họ lầm, không biết. Đó không phải là một tình yêu kỳ lạ, nhiệm mầu, khó hiểu hay sao? Một tình yêu cao cả. Nhưng đó mới là tình yêu của Thiên Chúa”.
Bạn trẻ người Hàn Quốc lặng lẽ cầu nguyện tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
“Hôm nay, tình yêu đó đã vào đời. Thiên Chúa đã gieo mầm tình yêu đó vào trong thế giới của chúng ta qua sự hiện diện của Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ. Và mỗi người chúng ta hôm nay đón nhận tình yêu đó vào trong cuộc đời của mình. Nhân loại của chúng ta quá đau khổ, đau khổ chính vì xa rời tình yêu của Thiên Chúa. Đau khổ vì chúng ta đối xử với nhau không có tình yêu thương, chúng ta ích kỷ, nhỏ nhen, tham lam, giành giật, chúng ta bóc lột lẫn nhau, và từ đó sinh ra biết bao chuyện tranh chấp, nghi kỵ, chiến tranh trên thế giới”. Để chữa lành cho thế giới thì chỉ có tình yêu, mà tình yêu của con người không thể chữa nổi, vì tình yêu của chúng ta bị vẩn đục. Tình yêu của chúng ta không thể chữa lành thế giới, mà phải là tình yêu thần linh, tình yêu Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta. Và Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bắt chước tình yêu đó, ‘yêu cả kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình’…”
Đức Tổng Giám mục Giuse nhấn mạnh: “Chúng ta đón nhận tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta phải làm chứng về một tình yêu lớn hơn, cao cả hơn, tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, chứ không phải tình yêu bình thường của nhân loại. Làm chứng cho một tình yêu lớn hơn, là yêu thương tất cả mọi người, những kẻ bé mọn, những người bị bỏ rơi, những người bị gạt ra bên ngoài xã hội. Làm chứng cho một tình yêu lớn hơn, là chúng ta biết khiêm nhường, hạ mình xuống, phục vụ anh chị em chúng ta. Làm chứng cho một tình yêu lớn hơn, là chúng ta biết tha thứ cho nhau. Nếu chúng ta biết làm chứng cho một tình yêu cao cả, một tình yêu lớn hơn, như thế, chúng ta mới có thể làm chứng rằng chúng ta là con cái của Cha chúng ta trên trời. Cha chúng ta yêu thương tất cả mọi người. Ngài cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như người dữ, cho mưa xuống trên kẻ ác và cả người công chính. Chúng ta có yêu thương bằng một tình yêu cao cả và lớn hơn như thế, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Chúa Giêsu”.
“Đêm Giáng Sinh là đêm chúng ta cử hành tình yêu của Chúa Giêsu đã vào đời, chúng ta đón nhận tình yêu của Chúa Giêsu và làm cho tình yêu đó lan tỏa trong cuộc sống để xây dựng một thế giới mới”, ngài kết luận.
Niềm vui không cần “đồng phục”
Giáng Sinh, tình yêu của Chúa Giêsu đã vào đời. Đây là niềm vui không gì so sánh được cho nhân loại. Và ở khắp nơi khắp chốn, con người thể hiện niềm vui với nhiều sắc màu, nhiều âm thanh và hương vị khác nhau, nhưng đều có điểm chung là lòng chân thành. Với người phương Tây, Giáng Sinh là dịp trọng đại nhất trong năm, là lễ của gia đình, của sự sum vầy cùng nhau đón Chúa. Trong trái tim, trong ký ức, hiện tại và cả tương lai của những người dân Âu – Mỹ đều có một chỗ trang trọng dành cho Giáng Sinh, là tối Vọng Giáng Sinh cùng nhau đi lễ, là sau lễ sẽ cùng thưởng thức bữa tiệc đêm đón chờ Chúa đến, bữa tiệc mà anh chị em, cha mẹ, con cái cùng nhau chuẩn bị suốt cả ngày… Những món ăn vì thế cũng đậm đà gia vị của tình thân. Trước Giáng Sinh, không khí luôn rộn ràng, nhưng từ đêm 24.12, đường phố ở các nước phương Tây sẽ vắng vẻ, vì mọi người đều về nhà, để quây quần và để yêu thương.
Ở Việt Nam, Giáng Sinh không chỉ là niềm hân hoan của cộng đoàn Dân Chúa, mà còn là niềm vui chung của xã hội, nhất là giới trẻ. Và điều đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam thường mừng Giáng Sinh với bằng hữu, cùng nhau dạo phố, đến các thánh đường hoặc khu vực trung tâm để được là một phần của niềm vui chung. Cách mừng lễ có phần khác biệt với các nước phương Tây, vì nhiều lý do về văn hóa, lịch sử, tôn giáo… Nhưng không hề gì, Chúa đến với thế gian, Tin Mừng đến với muôn dân, niềm vui lan tỏa khắp chốn và niềm vui thì không cần có “đồng phục”.
Bởi thế, từ đầu tháng 12, khắp Sài Gòn, từ nhà dân – cả người Công giáo lẫn người ngoại đạo – đến các cửa hàng, quán xá đã rục rịch trang trí. Lớn có, nhỏ có, hay thậm chí chỉ là một góc xinh xinh ở bàn làm việc nơi công sở… Cách đây vài hôm, đi ăn ở tiệm đồ Quảng quen thuộc, người viết thấy vui vui khi thấy trên tường dán hình cây thông và lời chúc mừng Noel. Chủ quán không phải là người Công giáo. Giáng Sinh đã thật sự hiện diện với mọi người.
Mùa Noel phòng dịch
24.12, gần 12 giờ đêm, sắp sửa bước sang ngày 25.12, khu vực quanh nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vẫn nhộn nhịp. Hang đá và cây thông trước ngôi thánh đường là tâm điểm cho những chiếc điện thoại thi thố hết khả năng chụp ảnh. Ánh sáng mùa Giáng Sinh, những lung linh vào cuối năm, làm tươi tắn phần nào một năm quá nhiều biến động vì Covid-19. Trong những bức ảnh Giáng Sinh vẫn còn vương nét của “thời sự” khi đôi bạn trẻ để luôn khẩu trang phòng dịch. Người đi bộ, người chạy xe tắp vào chiêm ngắm, người đến, người đi, người dừng lại chuyện trò, hay như một anh thanh niên người Hàn Quốc lặng lẽ đứng một góc thành kính cầu nguyện… Giáng Sinh gần gũi, đơn sơ, niềm vui Giáng Sinh muôn màu muôn vẻ. Chúa Con đến và mọi người đều mừng vui.
Nhóm bạn sinh viên thanh nhạc của Nhạc viện Thành phố
Nhật Nguyên, Ý và nhóm bạn là sinh viên thanh nhạc của Nhạc viện Thành phố ngồi đàn hát ở một góc nhỏ gần tượng Đức Bà Hòa Bình. Ý vui vẻ kể: “Nhóm em không phải là người Công giáo nhưng hôm nay thấy mọi người đều vui nên cả nhóm cũng vui”. Phần lớn các bạn là dân ở tỉnh khác đến trọ học nên không muốn bỏ lỡ dịp được ngồi giữa lòng thành phố và nhấm nháp không khí Noel “rất Sài Gòn”. Một cây đàn, một nắm hạt hướng dương, vài chai nước ngọt, “tiệc Giáng Sinh” của các bạn trẻ vẫn rất thịnh soạn, thịnh soạn niềm vui đón Chúa đến. Niềm vui không của riêng ai. Phóng viên: Lan Chi
Các cộng đoàn Công giáo ngoại kiều và Giáng sinh tại Sài Gòn
Cộng đoàn tiếng Anh mừng Chúa Giáng sinh
20g tối 24 tháng 12, cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Đại diện Giám mục đặc trách ngoại kiều đã chủ tế Thánh lễ Vọng Giáng sinh cùng với khoảng 300 tín hữu ngoại kiều tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận. Chính ngày Giáng sinh, tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, cha Giuse Đào Nguyên Vũ cũng chủ tế Thánh lễ tiếng Anh vào lúc 9g sáng cho khoảng 800 tín hữu Công giáo ngoại kiều. Trong cả hai Thánh lễ tiếng Anh, cha chủ tế đã mời gọi cộng đoàn ngoại kiều nhớ đến giáo xứ quê hương, nhớ đến anh chị em đang ở quê nhà – cách riêng các quốc gia đang căng thẳng đối phó với đại dịch COVID-19 và tình trạng giãn cách không thể đến nhà thờ. Cha chủ tế cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho tất cả anh chị em ngoại kiều đang làm việc tại thành phố này, các anh chị em làm vệ sinh đường phố, bảo vệ an ninh đã làm việc cật lực để đảm bảo một Giáng sinh an bình, trật tự, sạch đẹp.
Cộng đoàn tiếng Anh đã sinh hoạt trong Tổng Giáo phận hơn 20 năm qua và ngày càng lớn mạnh, đông số và đa dạng hơn với nhiều quốc tịch khác nhau. Từ năm 2016, chủ chăn Tổng Giáo phận đã phân nhiệm cha Giuse Đào Nguyên Vũ làm Đại diện Giám mục để chăm sóc mục vụ toàn diện cho người nước ngoài và đặc trách các cộng đoàn ngoại kiều.
Cộng đoàn Pháp mừng Ngôi Hai
Thánh lễ Đêm Giáng sinh của cộng đoàn Pháp được cử hành vào lúc 21g45 tại nhà thờ giáo xứ Mai Khôi. Cộng đoàn Công giáo Pháp tại Sài Gòn đã sinh hoạt 20 năm nay, chủ yếu tại tu viện Mai Khôi (44 Tú Xương, Q3), với thánh lễ vào mỗi Chúa nhật, lúc 10g30. Các linh mục dòng Đa Minh hoặc các cha khối Pháp ngữ dâng lễ và hiện nay, cha Giuse Nguyễn Văn Hiển đang quản nhiệm cộng đoàn Công giáo Pháp. Vào những dịp lễ lớn như Phục Sinh, Giáng Sinh đều có thánh lễ riêng và nhiều chương trình rất ý nghĩa. Để chuẩn bị đón Chúa đến, các tín hữu Pháp đã được tham dự ngày của cộng đoàn để tĩnh tâm, cầu nguyện; cùng một tối tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót và lãnh nhận bí tích Giao hòa. Trong các mùa Vọng và mùa Chay, cộng đoàn Pháp luôn quyên góp cho các chương trình bác ái riêng, hoặc đóng góp theo lời mời gọi chung của Tòa Tổng Giám mục. Các em thiếu nhi cũng làm bánh để bán gây quỹ trong những dịp này.
Cộng đoàn Hàn Quốc cử hành Giáng sinh
Cộng đoàn Công giáo Hàn Quốc với hơn 700 tín hữu do cha Kwon Dong Kuk, giáo phận Busan, làm quản nhiệm đã dâng Thánh lễ Vọng Giáng sinh lúc 19g và Thánh lễ Giáng sinh vào lúc 10g sáng tại Trung tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận.