Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Đồng cảm
Thứ Bảy trong tuần thứ Nhất Mùa Quanh Năm
1 Sm 9:1-4,17-19; Tv 21:2-3,4-5,6-7; Mc 2:13-17
Đồng cảm
Chúa Giêsu đi dọc bờ biển giảng dạy dân chúng. Người thấy ông Lêvi (Mátthêu) đang ngồi thu thuế. Người gọi ông, ông liền theo Người, và dọn tiệc thiết đãi Người với các kẻ thu thuế và nhiều người tội lỗi. Thấy vậy, nhóm luật sĩ và biệt phái hỏi môn đệ Chúa: Sao Thầy các ông ăn uống với phường thu thuế và kẻ tội lỗi ? Chúa nghe thấy vậy thì đáp: Thầy thuốc không cần cho người khỏe mạnh mà chỉ cần cho kẻ yếu đau. Cũng thế, Ta không đến để kêu gọi người lành thánh mà đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn thống hối.
Theo tục lệ đế quốc La Mã thời bấy giờ, chính phủ cho người ta đứng ra thầu thu thuế. Nộp tiền thầu cho chính phủ xong, những người thu thuế được độc quyền đánh thuế nặng nhẹ tuỳ ý. Làm một nghề dễ kiếm ăn như thế, mấy ai kiêng giữ được những sự tham lam nhũng nhiễu dân chúng ? Vì thế, người Do thái có ác cảm với bọn thu thuế không chỉ vì tội tham lam, mà còn vì họ là tay sai cho đế quốc La Mã nữa.
Lêvi là người tội lỗi công khai (làm nghề thu thuế). Trong khi mọi người khinh dể ông, khai trừ ông và tránh xa ông, coi như đồ ghê tởm, thì Chúa Giêsu không chê ông mà còn chọn ông làm môn đệ Ngài.
thánh Marcô thuật lại việc Chúa Giêsu mời gọi Matthêu, một người thu thuế đi theo và làm môn đệ của Người. Xét cả về khía cạnh khách quan lẫm chủ quan, Matthêu đều rất khó, nếu không muốn nói là không thể làm môn đệ của Chúa Giêsu. Về khía cạnh khách quan, Matthêu – một kẻ được liệt vào hàng tội lỗi công khai – đáng khinh ghét thì làm sao có thể làm môn đệ được Chúa Giêsu được. Còn xét về khía cạnh chủ quan, Matthêu cũng rất khó để có thể từ bỏ công ăn việc làm thuận lợi, đem về cho ông những lợi tức cao. Làm sao ông có thể từ bỏ sự an toàn thoải mái để phiêu lưu đi theo làm môn đệ của Chúa Giêsu. Làm môn đệ Chúa Giêsu chắc chắn ông sẽ nghèo hơn, cuộc sống sẽ bấp bênh hơn.
Nhìn vào Matthêu, chúng ta thấy làm môn đệ của Chúa Giêsu phải từ bỏ, phải hy sinh nhiều quá. Chính cái ý nghĩ đi theo Chúa phải từ bỏ, phải hy sinh nên nhiều người sợ không dám theo Chúa, không dám làm môn đệ của Chúa.
Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy, ơn gọi theo Chúa trước tiên và trên hết là một ân huệ của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thật vậy, trở nên môn đệ của Chúa là để cho Chúa chữa lành những thương tổn nơi mình. Vì thế, chúng ta chỉ bắt đầu hành trình theo Chúa khi nhận ra con người bất toàn tội lỗi của mình. Chúng ta cần được Chúa chữa lành. Khi nhận ra con người tội lỗi bất toàn của mình, nhận ra mình cần được Chúa chữa lành thì việc phải từ bỏ, phải hy sinh trên hành trình theo Chúa, trên hành trình được Chúa chữa lành là điều hết sức tự nhiên phải làm. Khi một người nhận ra mình có bệnh và cần được chữa lành thì việc anh ta phải theo hướng dẫn của bác sỹ trong việc từ bỏ những thói quen ăn uống, những thói quen giải trí không tốt cho sức khỏe là điều hết sức tự nhiên phải làm.
Việc Chúa Giêsu chọn một người thu thuế như Lêvi làm môn đệ đã đem lại sự vui sướng chẳng những cho chính Lêvi, mà còn cho những người thu thuế khác. Vì thế họ dọn một bữa tiệc để ăn mừng. Xưa nay họ chỉ thấy mới có một mình Chúa Giêsu không chê họ, mà còn chọn một người trong bọn họ làm môn đệ.
Bữa ăn hay bữa tiệc thường được diễn tả sự gần gũi thân tình. Ở đây Đức Giêsu và các môn đệ đến dùng bữa tại nhà ông Lêvi cùng với nhiều người thu thuế và các người tội lỗi, chứng tỏ Chúa bày tỏ tình thương đối với những người tội lỗi. Chính tinh thần này lôi kéo những người tội lỗi đến với Người.
Việc Chúa Giêsu gọi Lêvi là người thu thuế đi theo Người lại là cớ gây ra sự phê bình và chỉ trích của người Do thái, nhất là các luật sĩ và biệt phải.
Họ vốn có quan niệm chật hẹp, khép kín và khinh rẻ đối với những người tội lỗi, nên khi thấy Chúa Giêsu và các môn đệ tiếp xúc thân tình với những người tội lỗi, thì họ đã tỏ ra khó chịu nên họ đã phê bình và chỉ trích Chúa. Họ đã hỏi các môn đệ: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” (Mc 2,16)
Để sửa lại quan niệm hẹp hòi của luật sĩ, Chúa Giêsu đã trả lời cho họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Chính vì Lêvi ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình cho nên anh rất mừng khi được Chúa gọi, và quảng đại bỏ tất cả để theo Người.
Chúa Giêsu có một cái nhìn đặc biệt về Lêvi mà những người khác không có. Chúa đã nhìn thấy trong Lêvi có một thiện chí. Ngài đã gọi ông và quả thực Ngài đã không lầm. Cuộc đời sau này của Lêvi – Mátthêu cho chúng ta thấy rõ điều này.