Tại sao Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện hoàn…
ĐÓN NHẬN KHỔ ĐAU
28CHÚA NHẬT LỄ LÁ
– Ca vịnh tuần II.
– Khởi đầu Tuần Thánh – Tuần Thương Khó.
– Không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.
– Kinh Tiền Tụng Lễ Lá.
– Rước lá: Mc 11,1-10 (hoặc Ga 12,12-16).
– Các bài đọc Lời Chúa trong Thánh lễ: Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15,47 (hoặc Mc 15,1-39).
Hướng dẫn
Hôm nay, Hội Thánh tưởng niệm việc Chúa Ki-tô vào thành Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Vì thế, trước mọi Thánh lễ, đều kính nhớ việc Chúa vào thành bằng cuộc rước kiệu (hình thức I), hoặc bằng nghi thức nhập lễ trọng thể (hình thức II), hay bằng nghi thức nhập lễ đơn giản (hình thức III). Nghi thức nhập lễ trọng thể có thể lập lại trước một hoặc hai Thánh lễ khác có đông giáo dân tham dự. Cuộc rước kiệu chỉ làm một lần.
Lá đã làm phép được lưu giữ tại các gia đình, nhằm nhắc nhớ Chúa Ki-tô vinh thắng.
Khi kiệu lá, chủ tế mặc áo lễ (hay áo choàng) màu đỏ.
Sau cuộc rước kiệu (hay sau nghi thức nhập lễ trọng thể) bỏ làm Dấu Thánh giá và hành động sám hối (hay rảy nước thánh) đầu lễ, và đọc ngay Lời Nguyện Nhập Lễ. Sau đó, Thánh lễ tiếp tục như thường lệ.
Vì lợi ích thiêng liêng của giáo dân, nên đọc hết Bài Thương Khó cùng với hai bài sách thánh.
Khi đọc Bài Thương Khó, không mang đèn nến, không xông hương, không chào và cũng không ghi Dấu Thánh Giá trên sách.
Phó tế đọc Bài Thương Khó, hoặc nếu không có Phó tế thì Linh mục đọc.
Giáo dân cũng có thể đọc Bài Thương Khó, nhưng nếu được, nên dành những lời của Chúa Ki-tô cho Linh mục (hay Phó tế).
Nếu là Phó tế, trước khi đọc Bài Thương Khó, phải đến xin chủ tế ban phép lành như trong lễ nào khác.
Hết Bài Thương Khó, xướng “Đó là Lời Chúa” như thường lệ, nhưng không hôn sách. Sau đó, có thể giảng vắn tắt.
Nơi nào không cử hành Thánh lễ, có thể cử hành Phụng Vụ Lời Chúa để tưởng niệm việc Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem và tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, vào chiều thứ Bảy hoặc ngày Chúa Nhật, với giờ thích hợp.
ĐÓN NHẬN KHỔ ĐAU
Hôm nay, chúng ta nghe tường thuật sự thương khó Chúa Giêsu, tự bản chất đã chứa đựng rất nhiều điều đáng cho chúng ta suy gẫm. Bởi đó, phải đọc trong tinh thần cầu nguyện, để sống lại những chặng đường Chúa Giêsu đã đi qua, để những khổ đau của Chúa thấm vào tâm hồn chúng ta, cũng như hãy mở rộng cõi lòng để đón nhận sứ điệp của Chúa. Trong một vài phút ngắn ngủi này, chúng ta dừng lại ở kinh nghiệm khác thường của Phêrô, vị tông đồ vừa tự phụ, vừa yếu đuối lại vừa sám hối ăn năn.
Hình ảnh Chúa Giêsu cỡi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem làm dội lại lời tiên tri Zacaria: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng; khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (9,9). Vào thời tiên tri Zacaria cũng như vào thời Chúa Giêsu, con ngựa mới là biểu tượng của sức mạnh, còn lừa là phương tiện của người nghèo. Vì thế hình ảnh Vua Giêsu ngồi trên lưng lừa diễn tả một vị vua hoàn toàn khác. Người là vua của hòa bình, vua của người nghèo, vị vua đơn sơ và khiêm tốn.
Cũng lúc ấy, chúng ta khám phá lý do tại sao Phụng vụ Lễ Lá được bắt đầu bằng việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong vinh quang, rồi được tiếp nối bằng việc công bố bài thương khó. Để thấy rõ hơn chân dung của vị vua hòa bình. Để thấy rõ hơn ý nghĩa của “sự nhiệt thành”, không phải thứ nhiệt thành của bạo lực nhằm xây dựng một vương quốc trần thế, nhưng là sự nhiệt thành của Thập Giá, nhiệt thành của tình yêu tự hiến trọn vẹn.
Cảnh tượng Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào Giê-ru-sa-lem cỡi trên lưng lừa không đơn thuần chỉ là một hình ảnh gây ấn tượng. Nếu Hy tế Thập giá là cả một mạc khải vĩ đại về Thiên Chúa tình yêu và cứu độ, thì hình ảnh ‘cỡi lừa’ này chính là một phần của mạc khải đó (cũng như hình ảnh con rắn đồng trong Ga 3,14-18). Nó nói lên một Thiên Chúa hiền hòa, không kết án, không luận phạt; nó là hình ảnh rất Do Thái về một đấng Mê-si-a hiền hòa và xót thương, cứu vớt và tha thứ; một đấng Mê-si-a, ‘Đấng ngự đến nhân danh Chúa’ phải là như thế, không thể nào khác được!
Với thánh lễ hôm nay cũng khiến ta phải suy nghĩ không ít vì những biến cố quá trái ngược. Chúa vừa vinh hiển vào thành chưa được bao lâu đã phải tủi nhục chết trên thập giá. Tại cổng thành có biết bao người ra chào đón tung hô, nhưng trên Núi Sọ chẳng còn mấy người theo Chúa. Từ chúa nhật Lễ Lá đến thứ Sáu tuần thánh thời gian không dài, nhưng biết bao người đã thay lòng đổi dạ. Từ cổng thành đến Núi Sọ đường đất không xa, nhưng biết bao người đã rẽ đường, đi ngang, về tắt. Tại sao thế? Ta hãy lần theo dấu vết của những người bỏ cuộc để nhận diện những ngã rẽ cuộc đời. Có ba ngã rẽ tiêu biểu.
Ngã rẽ của Giuđa. Giuđa là môn đệ trung tín theo Chúa trong suốt 3 năm Chúa đi rao giảng. Ông còn được Chúa tin cẩn trao phó cho công việc quan trọng: nắm giữ tài chánh. Ngày Lễ Lá chắc chắn ông có mặt. Nhưng khi Chúa chịu chết thì ông vắng mặt. Ông đã rẽ sang lối khác. Lối rẽ đuổi theo tiền bạc vật chất. Theo tiếng gọi của tiền bạc, ông đã đưa chân đi những bước xa lạ. Ông đi vào con đường khác. Ông trở thành con người khác. Ông bỏ Chúa vì tiền. Tệ hơn nữa ông bán Chúa để lấy tiền.
Ngã rẽ của Phêrô. Phêrô là môn đệ rất thân thiết của Chúa. Là người đứng đầu tông đồ đoàn. Ông thề rằng dù mọi người có bỏ Chúa thì ông vẫn trung thành với Chúa. Ngày Lễ Lá chắc chắn ông ở bên Chúa. Nhưng ngày thứ sáu tuần thánh, không thấy ông đâu. Ông đã rẽ sang lối khác: lối rẽ lười biếng và hưởng thụ. Lười biếng vì khi vào vườn Giêtsimani, Chúa kêu gọi ông hãy thức cầu nguyện với Chúa, vậy mà ông cứ ngủ. Hưởng thụ vì trong sân tòa án, thay vì theo dõi cuộc xét xử Chúa thì ông lại vào tìm hơi ấm nơi đống lửa giữa sân. An nhàn hưởng thụ đã kéo ông xa Chúa. An nhàn hưởng thụ đã đẩy ông đến chỗ chối Chúa.
Ngã rẽ của đám đông. Hàng vạn người đã theo Chúa, mê mệt nghe đến mấy ngày quên ăn, quên về. Biết bao người reo mừng nghênh đón Chúa ngày long trọng vào thành. Thế mà trên Núi Sọ chỉ thấy những người đến sỉ vả, chê bai, nhạo cười. Đám đông đã rẽ sang lối nào? Thưa họ rẽ sang lối dư luận. Thiếu lập trường, chạy theo đám đông. Thấy người ta đi nghe Chúa thì cũng đi. Thấy người ta nhạo cười Chúa thì cũng cười nhạo. Thấy người ta kết án Chúa thì cũng kết án.
Mỗi khổ đau, mỗi hy sinh chúng ta vui lòng chịu vì lòng yêu mến Chúa sẽ là một góp phần nhỏ bé vào thập giá Đức Kitô để đền bù tội lỗi, cũng như để thu tích công nghiệp cho chính bản thân của mình. Và như thế, đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường dẫn tới vinh quang phục sinh.
Qua cách thức Chúa Giêsu đương đầu với cuộc khổ nạn, ta thấy không một thách thức nào làm cho Người lùi bước; không một đe doạ nào làm cho Người khiếp sợ; không một sỉ nhục nào làm cho Người nổi giận hay mất bình an; không hận thù nào tiêu huỷ được lòng bao dung vô bờ bến của Người…
Người thắng được bản năng tham sinh úy tử; Người vượt lên trên nỗi sợ mọi thứ khổ đau; Người thắng được lòng hận thù có thể bùng lên khi bản thân mình bị sỉ nhục và bị đối xử rất dã man và tàn ác… Trong cuộc khổ nạn của mình, Đức Giêsu chiến thắng hoàn toàn bản thân mình, vượt qua các thách thức từ mọi phía để hoàn thành mỹ mãn sứ mạng Chúa Cha đã trao ban.
Chiến thắng cả thiên hạ không bằng chiến thắng chính bản thân mình. Chúa Giêsu đã thực sự chiến thắng bản thân mình, hoàn toàn làm chủ con người mình, bắt thân xác phải vâng phục tinh thần như chiên ngoan. Oai hùng thay! Vinh quang thay!
Bước vào Tuần thánh là đi vào cuộc hành trình tiến lên đỉnh cao phục sinh với Đức Giêsu. Nhưng sẽ chẳng có Đức Giêsu phục sinh nếu không có Đức Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết. Sẽ chẳng có chiến thắng vinh quang, nếu không có chiến đấu gian nan và đau khổ tột cùng trên thập giá. Thật đúng như tục ngữ Hoa Kỳ: “Không có thập giá, không có triều thiên, không có đau khổ, không có thắng lợi. (No cross, no crown, no pain, no gain).
Đón nhận khổ giá với sức mạnh của tình yêu là đồng hành với Đức Kitô trên con đường cứu thoát chính mình và tha nhân. Như thế, thập giá, tình yêu cứu độ; Thập giá, con đường vinh quang phục sinh.