Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
CỦNG CỐ NIỀM TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH
10.4 THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 4,13-21; Mc 16,9-15.
CỦNG CỐ NIỀM TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH
Biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh mà Tin Mừng Máccô hôm nay thuật lại minh chứng về sự hoài nghi về sự sống lại của Chúa Giêsu. Về mặt thể lý, thân xác con người chết là hết, còn chuyện sống lại thật khó tin. Nhưng, Thiên Chúa thì khác, không có gì mà Ngài không thể làm được.
Tin Mừng hôm nay vừa khép lại tuần bát nhật Phục Sinh với bài tổng kết các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu ; vừa mở ra chặng mới trong lộ trình phụng vụ Mùa Phục Sinh. Tuy nhiên, độc giả không khó để nhận ra rằng khi nhắc đến ba cuộc hiện ra của Chúa Giêsu, lần lượt với Maria Madalena, với hai môn đệ Emmau rồi với mười một tông đồ, hẳn thánh Maccô có chủ đích riêng của ngài: Marcô muốn cho độc giả thấy sự cứng tin của các tông đồ.
Kế đến, đặt mình vào hoàn cảnh của các tông đồ, độc giả có thể tự nhủ rằng mình cũng sẽ giống như các môn đệ, thật khó để tin nhận một sự kiện vô tiền khoáng hậu. Hoặc giả như khi đọc bài Tin Mừng hôm nay như đọc lại một câu chuyện, biết đâu ta cũng tự cho mình một vị trí nào đó cao hơn các môn đệ ít học kia, rồi nhận xét rằng: tội nghiệp, họ đáng thương hơn đáng trách.
Nhưng, cả hai tư cách, cả hai thái độ trên có lẽ chẳng phải là điều mà Mẹ Hội Thánh chờ đợi nơi con cái mình, nơi tôi, bạn, anh chị, chúng ta và mỗi Kitô hữu hôm nay. Hội Thánh cũng chẳng hẳn chỉ muốn mượn sự cứng tin của các môn đệ để hộ giáo, để cho thấy tính hợp lý của sự kiện Chúa Phục Sinh. Mà chắc chắn, sứ điệp gọn gẽ, sâu sắc và cấp bách của Tin Mừng hôm nay chính là:
Chúng ta được mời gọi nhận thật rằng chúng ta cần đến Chúa, cần giá máu cứu chuộc của Chúa Giêsu dù ta đang đi giữa cuộc đời này với biết bao nhiêu nhu cầu lớn nhỏ khác ;
Chúng ta được mời gọi tin thật rằng Đấng Cứu Chuộc chúng ta đang sống, đang hiện diện trong cuộc đời này, đang có mặt bên ta, trong ta, thật gần. Người luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, luôn luôn san sẻ, yêu thương và đỡ nâng ta ;
Chúng ta được mời gọi sống niềm tin này bằng cách thực hiện các lời dạy của Chúa qua Thánh Kinh và qua Giáo hội. Nhờ đó, ta có thể thực hiện được sứ mạng Chúa Phục Sinh đã ủy thác: loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.
Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Maccô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc.
Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.
Sự kiện ngôi mộ trống qua biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu là điều mình chứng. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu cho đến bây giờ khoa học không thể kiểm chứng được. Biến cố Phục Sinh của Chúa là mầu nhiệm của đức tin, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần trong lúc các môn đệ hoang mang về niềm tin vì cái chết của Thầy minh. Người xuất hiện để củng cố niềm tin để các ông không khoản sợ, ban bình an cho các ông, để các ông can đảm, đốt cháy tâm hồn, dần thân, hăng say loan báo tin mừng vì tha nhân hơn cả tính mạng mình: ” Anh em hãy khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loại thọ tạo” (Mc 1,15) bằng tinh thần niềm vui và xác tin nơi Đấng Phục Sinh.
Niềm tin vào Ðấng PhụcSinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau.
Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas “Phúc cho những ai không thấy mà tin” không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ.
Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?
Biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh được Giáo Hội cử hành với niềm tin xác tín về sự sống vĩnh cửu, ơn cứu độ và giải thoát cho nhân loại. Mừng biến cố Phục Sinh năm nay thật đặc biệt ngay giữa biến cố đại dịch Corona virus trước sự sống của cộng đoàn nhân loại. Giáo Hội mời gọi chúng ta xác tin niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, vị lương y nhân lành giàu lòng xót thương và quyền năng chữa làn cho các bệnh nhân của nạn dịch , và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách trong cơn dịch bệnh.
Ta hãy cầu xin Chúa Phục Sinh là Đấng Cứu Độ duy nhất thương tha thứ mọi thiếu xót, tội lỗi, và ban ơn cứu thoát cho những người đã tử vong bởi con virus Ncov nhỏ bé. Xin Chúa Phục Sinh soi dẫn các nhà khoa học, nhân viên ý tê, bác sĩ tìm được phương thuốc chữa trị cơn dịch bệnh với tấm lòng dân thân, phục vụ tha nhân trong việc bảo vệ sự sống của cộng đồng nhân loại. Và, chúng ta tin rằng, chỉ có Đấng Phục Sinh mới che cở, giải thoát thế giới nhân loại khỏi sự dữ và tội lỗi, để đem lại cho chúng ta và cộng đoàn nhân loại sự sống đời đời nơi Thiên Quốc Vĩnh Cửu.