Tại sao Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện hoàn…
CHỌN VÀ GỌI
22 Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mùa Quanh Năm
Dt 8:6-13; Tv 85:8,10,11-12,13-14; Mc 3:13-19
CHỌN VÀ GỌI
Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại cách Chúa Giêsu kêu gọi các tông đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ làm cho chúng ta hiểu sâu xa hơn ơn gọi của chính chúng ta, bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi.
Trước hết, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, ơn gọi của các tông đồ phát xuất từ chính ý muốn của Chúa Giêsu: Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những ai Người muốn. Các ông đến với Người. (Mc 3, 13)
Cũng thế, ơn gọi của chúng ta đến từ chính ý muốn của Chúa: Chúa gọi đích danh từng người chúng ta và chúng ta tự nguyện đáp lại. Cho dù khi đến với Chúa trong một ơn gọi, chúng ta có nhiều động lực hay lí do khác nhau. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian chuẩn bị hay thời gian huấn luyện trong sống Thánh Hiến, chúng ta được mời gọi đặt cuộc đời của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”, nghĩa là chính ý muốn của Chúa. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.
Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời, nhưng theo Thánh Phaolô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời (Gl 1, 15 và Ep 1, 4). Xác tín được Chúa gọi, không chỉ một lần là xong, nhưng phải được xác tín lại hằng ngày; chúng ta cần làm mới lại ơn được gọi mỗi ngày, như thể ngày nào chúng ta cũng nghe được tiếng Chúa gọi.
Ta thấy Tin Mừng theo thánh Máccô nêu đích danh từng người được Chúa Giêsu kêu gọi: Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người. (c. 16-19)
Như thế, Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng đã gọi tên từng người chúng ta một cách đích danh. Và các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn như các ông là, nghĩa là vẫn còn đầy giới hạn, còn bất toàn như chính chúng ta. Vì thế, như các tông đồ và nhất là như tông đồ Phê-rô, ơn gọi của chúng ta đặt nền tảng trên tình yêu nhưng không và lòng thương xót của Chúa:
Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi… Bấy giờ Chúa Giêsu bảo ông Simôn: “Đừng sợ!” (Lc 5, 8 và 10)
Và con số được gọi là Mười Hai. Điều này có nghĩa là số người được gọi là xác định, không có may rủi. Mỗi lớp tập hay mỗi lớp khấn, chúng ta thường so sánh hơn kém, nhiều ít. Nhưng trong Chúa, số người được gọi là xác định từ trước muôn đời.
Và ta tự hỏi Chúa Giêsu gọi những kẻ Người muốn để làm gì? Như bài Tin Mừng theo thánh Máccô kể lại: Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỉ. (c. 14-15)
Ở lại với Chúa Giêsu và sau đó, được Ngài sai đi, làm nên hai chiều kích căn bản của đời sống chúng ta, đó là cầu nguyện và hoạt động. Hai chiều kích này đan xen vào nhau trong mỗi ngày sống của chúng ta (cầu nguyện hằng ngày), trong tháng sống (tĩnh tâm tháng), trong năm sống (tĩnh tâm năm) hay trong một giai đoạn huấn luyện hay hành trình ơn gọi đặc biệt.
Khi đã ở với Chúa Giêsu, trở nên môn đệ thực sự của Người, Người Tông đồ được Chúa Giêsu sai đi rao giảng với quyền trừ quỉ. Trong một thế giới đầy bóng tối và thế lực sự ác mặc sức tung hoành này, thấm nhuần tinh thần của Chúa Giêsu, người Kitô hữu cũng được sai đi loan báo Tin mừng để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem ủi an đến chốn u sầu” (Kinh hòa bình) hầu đẩy lui thế lực ma quỉ, xây dựng nước Thiên Chúa nơi trần gian. Do đó sự hiện diện của Kitô hữu trong môi trường mình sống phải là một Tin mừng cho người đương thời – Tin mừng có sức cứu độ con người.
Chúng ta vẫn sống hai chiều kích này mỗi ngày, hay nói đúng hơn, hai chiều kích này vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày, nhưng dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là những điều Chúa muốn, và rằng đó là những điều làm cho chúng ta trở nên giống Chúa, vì đời sống của Chúa cũng được dệt nên bởi hai chiều kích này: “Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi”; và Ngài lên núi chính là để cầu nguyện, như lời tường thuật của thánh Luca: “Chúa Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6, 12).