Vì sao bạn mãi tầm thường! Trong khi bạn đang…
Cuộc đời hiển hiện lúc hoàng hôn
Cuộc đời hiển hiện lúc hoàng hôn
Vừa đến nhà, nghe tiếng tôi thăm hỏi, không để nói thêm, cụ trách:
– Anh khinh người vừa thôi chứ! Tôi nghèo hay sao mà anh quên tôi?
+ Cụ có mắng nhầm không ạ? Con mới đến thăm cụ hôm thứ Ba mà?
– Thế ư? Tôi tưởng là lâu rồi! Tôi lẫn lộn, giờ có còn nhớ gì đâu? Giờ thấy buồn và tủi thân quá! Mai nhớ qua nhà thăm tôi nhé!
Vốn thích đùa vui, tôi nói tiếp:
+ Nào con lẫn như cụ, con vào ở với cụ để ngày ngày ta trò chuyện nhé!
Thấy cụ có vẻ vui vui! Nhưng rồi, nhớ về thực tại, cụ thở dài:
– Anh còn trẻ, lo mà sống cho đàng hoàng, sống sao để mà tích đức cho đủ để khỏi như tôi lúc này!
Cụ tiếp tục:
– Sao cuộc đời này lại có những kẻ như vậy! Bất nhân, khốn nạn! Vợ tôi mất sớm, ba đứa con mất mẹ, tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ tụi nó, quần quật lo cho chúng nó nên người, chẳng tiếc gì hết! Vậy mà giờ tôi già yếu, lẫn lộn, chúng nó hắt hủi tôi trong căn phòng chật hẹp nơi thôn quê vắng lặng, còn chúng nó thì nhà lầu xe hơi trên phố. Thỉnh thoảng, có về qua thì cũng đem được ít cơm như là để che mắt thế gian. Vừa đưa được miếng cơm vào miệng, chúng nó dằn dọc: “đớp nhanh lên, đúng là vì ông mà chúng tôi phải khổ thế này”. Bao công sức nhọc lao để nuôi dưỡng, giờ tôi nhận lại là một “cuốc” xích lô để “cung nghinh” tôi tới trung tâm tình thương này, như người ta mang đồ đến lò rác, chờ ngày thiêu hủy!
Nước mắt cụ dàn dụa… Tôi tự đặt câu hỏi…
Cụ lẫn lộn mà, không còn nhớ tôi là ai dù mới đến trò chuyện mà, nhưng sao kí ức đau thương và cay đắng này cứ in hằn trong tâm trí cụ vậy nhỉ? Chẳng còn mấy nữa cụ sẽ kết thúc cuộc đời này. Những nếp nhăn, những hàng mi luôn sẵn sàng ứa lệ cứ ám ảnh tôi. Những đau khổ hằn sâu trong cung lòng cụ có lẽ chẳng tài nào có thể tẩy xóa. Những tia nắng chiều len lỏi qua khung cửa sổ nhà tình thương như làm cho hai hàng lệ thêm hiện rõ. Ngồi nghe cụ thuật lại cuốn sách cuộc đời mà tôi chỉ biết ngồi yên trong khi con mắt không rời nhìn về cụ như thể đang hướng về một khung trời thật xa!
Nghe xong câu chuyện, tôi chào cụ, gửi cụ chút quà qua các Soeur, đi về, lòng ngổn ngang…
Cổng nhà tình thương khép lại để tạm biệt tôi cũng là lúc chiều ngưng lại nhìn kim ô lững thững. Dòng sông đêm ngày chảy trôi ngang qua cổng nhà tình thương vẫn êm ả. Cánh bèo trôi qua làm tôi liên tưởng đến kiếp người nơi chốn lưu đày này. Cánh bèo kia từ đâu tới đây? Chúng sẽ dạt về đâu giữa khung trời này? Nào ai biết?
Cũng nhiều khi tôi thấy mình ở trong tình trạng vô định khi đứng trước quyết định phải tìm cho tương lai của mình một lối đi. Nhớ lại những lúc sống trong tình trạng ấy, chiều chiều, tôi hay ra đứng bên dòng sông, ngắm những cánh bèo trôi nổi bồng bềnh. Đem so sánh tương lai đời mình với cánh bèo ấy, tôi thấy cuộc đời mình hình cũng không khác làm mấy: mong manh phiêu bạt, rồi sẽ chẳng biết sẽ về đâu? Nhưng rồi cũng đến giai đoạn tôi quyết định hướng đi cho tương lai đời mình. Cánh lục bình cho tôi một bài học quý giá: cuộc đời mong manh và vắn vỏi là thế, nên tôi cần tìm cho mình một Bến Đỗ an toàn và bền vững hơn. Tìm về với Đấng là Cội Nguồn và Cùng Đích của đời tôi. Đó là căn nguyên đức tin của tôi.
Lên xe, nổ máy, vào số, nhưng hồn thì như thể đang ở đâu đó. Đức Tin ư? Chúa ư? Có không nhỉ? Vẫn được dạy là phải tin là có Chúa mà, sao cứ nghi ngờ nhỉ?
Nhưng tối rồi, tôi phải trở về cộng đoàn, đang đi sứ vụ mà! Nghe cụ nói mà tôi dần khám phá ra ý nghĩa cuộc đời mình trong cái suy nghĩ vốn vẫn còn rất non yếu của mình. Tôi là cánh bèo giữa biển trời bao la. Bé nhỏ và long đong, nhưng không chập chờn vô định. Chậm lại, chậm lại nữa tôi dần khám phá ra mình từ đâu đến và sẽ phải đi đâu, dù vẫn còn lờ mờ. Vừa chạy xe vừa lẩm nhẩm ca khúc dấu chân của cố Nhạc sĩ Thông vi vu:
Hôm nao dưới nắng reo vui, mình tôi rong chơi trên bãi biển.
Chiều về nhìn sau lưng mình, hiển hiện hình một hàng dấu chân đôi.
Này là dấu chân to, và kìa là dấu chân nhỏ.
Cả hai cùng chiều đi tới, tựa hình với bóng bước song đôi.
Bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ.
Đôi khi có những bước phôi pha, mà hình bên bóng chẳng rời xa.
Hôm nao thấy dấu chân đôi: Đó là Chúa đi bên tôi.
Hôm nào còn một dấu chân thôi: Là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi.
Hôm nao giữa bước chân đi, chợt nghe dâng mênh mang nỗi buồn.
Chiều về nhìn sau lưng mình, hiển hiện hình một hàng dấu chân đơn.
Lạ lùng dấu chân to, và nặng nề vết in đậm.
Mà sao chỉ còn một dấu, lại chẳng thấy có dấu chân tôi?
Nghĩ lại lúc ấy, sao tôi ngố thế? Tại sao tôi muốn nói cùng cụ về sự sống đời sau, về lòng thương xót của Đấng là Tình Yêu… nhưng buồn làm sao, những điều ấy chỉ có thể là ý tưởng! Cụ đang ở trong đau khổ nơi nhà tình thương mà! Hơn nữa, nhiệm vụ của tôi lúc này, nơi này là làm chứng tá bằng chính hành động chứ không phải là bằng lời nói hay thuyết giảng suông!
Trở về cộng đoàn, mở của nhà nguyện và nhìn lên Thánh giá, như thể còn cả ngàn, cả vạn điều chưa thổ lộ cùng cụ.
Hẳn là tuổi trẻ tôi chẳng có định nghĩa. Có lẽ tôi đang để cảm xúc dẫn đường. Tôi thấy mình từ từ được truyền cảm hứng và cháy lẹm trong từng khoảnh khắc của cuộc đời đang tìm kiếm Chúa. Trong nhà nguyện nhỏ chênh vênh ở vùng cao, tôi để tâm hồn mình chạm vào tĩnh lặng. Chẳng đối diện với ai, một góc nhỏ thu lu tôi nghiêng đầu hồi tâm sau những ồn ào náo nhiệt. Tôi thấy tim mình thắm lại. Tuổi trẻ tôi còn nhiều nơi cần đặt chân tới, còn nhiều thứ để tôi cuồng nhiệt và còn nhiều người để tôi quan tâm và yêu thương. Đang tuôn dòng cảm xúc, một tiếng nói trong tâm trí tôi cắt ngang: “Ôi! Thiên Chúa trữ tình”. Tôi ngước mắt nhìn lên. Nếu không phải Chúa trao tôi cơ hội này để tôi nhận ra mình trong sứ vụ được trao, thì tôi cũng không thể nhận ra Chúa một cách rõ ràng hơn qua tuổi thanh xuân của mình. Tôi càng không thể nhận ra Ngài cũng đang yêu và còn yêu sôi nổi hơn thế.
Cám ơn quý Soeur đã rộng tay đón tiếp. Cám ơn cụ mà tôi được gặp đã tin tưởng và yêu mến chúng tôi. Cám ơn Chúa đã cho tôi một môi trường tông đồ tuyệt vời để nhìn ra Chúa nơi từng biến cố của cuộc đời!
Hè, 2023
Đức Hữu