Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài
6.6 Thứ Ba trong tuần thứ Chín Mùa Quanh Năm
Tb 2:9-14; Tv 112:1-2,7-8,9; Mc 12:13-17
Trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài
Tin Mừng hôm nay, thánh sử Máccô tường thuật lại sự việc các người theo phe Hê-rô-đê và bọn Pharisêu toa rập với nhau nhằm tìm cách bắt lỗi để làm hại Chúa Giêsu. Sau khi chúng bàn bạc, lên kế hoạch xong, chúng cắt cử một số người trong bọn đến gặp Chúa Giêsu và đưa ra một câu hỏi nhằm bặt lỗi Ngài. Cái bẫy mà chúng đã bỏ công ra dàn dựng theo chúng thì thật là hoàn hảo. Trả lời có hay không đều lỗi cả!
Thế nên chúng bắt đầu bằng cách dùng những từ ngữ rất đắc nhân tâm, chúng rào trước đón sau tỏ ra là những kẻ rất chân thành tìm thầy học hỏi. Chúng nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa”. Qua màn khen ngợi để Chúa Giêsu rơi vào cái bẫy mà chúng đã giăng sẵn. Chúng đặt câu hỏi: “Vậy có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?”. Đến đây thì chúng đã lộ nguyên hình của bọn “đểu cáng”.
Mặc dù biết tâm địa xấu xa của bon chúng nhưng Chúa Giêsu chỉ nói với chúng bằng một câu khiển trách rất nhẹ nhàng: “Tại sao các ngươi lại thử tôi”. Vì Chúa Giêsu biết rằng chúng là những kẻ giả hình nên để khỏi rắc rối vì bon chúng. Ngài liền hỏi: “Đem đồng bạc cho tôi xem” Sau khi xem qua đồng bạc Ngài lại hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai?” Chúng đáp: “Của Xê-da” Ngài liền bảo họ: “Của Xê-da trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Và Kinh Thánh viết tiếp. Họ hết sức ngạc nhiên về Người.
Trong xã hội hiện nay, chúng ta cũng thấy hiện tượng có nhiều kẻ áp dụng “chiêu trò” của bọn người Pha-ri-sêu xưa, chúng hành động rất tinh vi, chúng dùng những lời lẽ rất tốt đẹp để lừa mỵ những kẻ bệnh hoạn tật nguyền, chúng kết bè kết cánh với nhau để trục lợi trên sự đau khổ của đồng loại. Điều nhức nhối là sự lừa gạt ấy lại xảy ra trong một thời gian rất dài mà không ai phát hiện, nhiều khi những người tốt lại cũng bị chúng lợi dụng để vô tình tiếp tay vào công việc bẩn thỉu của chúng. Với danh nghĩa làm việc từ thiện, làm việc nhân đạo như xây chùa chiền, giúp đỡ kẻ khó khăn, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo… rồi chúng trục lợi vơ vét tiền bạc của công chúng!
Hãy trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da và trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Đó là sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay. Để áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống hằng ngày hôm nay thì chúng ta phải cần tránh xa những cám dỗ của Ma Quỷ, chúng xúi dục chúng ta làm những việc xấu xa, tham lam của cải bất chính… Những cám dỗ của Ma quỷ thường rất tinh vi nên chúng ta cần sự trợ lực của Chúa, đặc biệt là ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để nhờ Ngài soi dẫn chỉ bảo, chúng ta mới thoát khỏi những mưu mô của chúng mà thôi.
Đồng thời chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Người. Chúng ta nhận rất nhiều từ nơi Thiên Chúa như sự sống, tài năng, của cải và sức khỏe… Như vậy chúng ta phải trả lại Ngài bằng cách sống hết lòng thờ phượng, kính mến Ngài. Sống sao cho xứng đáng với những ơn lành Ngài ban. Đem lời Chúa ra thực thi hằng ngày trong cuộc đời mình.
Sống được như vậy thì chúng ta mới thi hành đúng tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay là: Trả lại những gì của Thiên Chúa cho Thiên Chúa và trả lại cho thế gian những gì thuộc về thế gian.
Khi suy niệm về các bài đọc hôm nay, chúng ta được nhắc nhở phải dâng cho Thiên Chúa mọi thứ thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo ra mọi thứ và kiểm soát mọi thứ. Ngay cả những người cai trị dân sự cũng có thể là công cụ trong tay của Thiên Chúa, giống như Kyrô, trong bài đọc thứ nhất từ sách Isaia, là người được xức dầu riêng của Thiên Chúa, “Này đây lời Thiên Chúa phán với kẻ Người đã xức dầu, với Kyrô, kẻ Ta đã cầm tay phải, để bắt các dân suy phục nó, và tước giáp bên hông các vua chúa, để mở cho nó cả hai cánh cửa, khiến không cổng nào còn đóng kín” (Is 45, 1).
Những nhà lãnh đạo ngoại giáo cũng thuộc về Thiên Chúa và Thiên Chúa có thể sử dụng họ để mang lại sự thiện hảo cho dân Chúa chọn. Thiên Chúa không gây ra điều ác, tuy nhiên, Thiên Chúa có thể làm cho những điều tốt lành xảy ra ngay cả trong thời điểm tồi tệ. Sự đáp trả của chúng ta là ca ngợi Thiên Chúa và dâng lại cho Thiên Chúa tất cả vinh quang vì những vinh quang đó là do Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Độ và Đấng Nhân Lành của chúng ta. Thiên Chúa phải được tôn thờ trên hết. Ngay cả những của lễ của ta dâng cho Thiên Chúa, tự cội rễ, cũng đến từ bàn tay của Thiên Chúa.
Chúng ta được nhắc nhở về ba điều cuối cùng trong bài đọc thứ hai trích thư Thánh Phaolô: đức tin, hy vọng và tình yêu, “nhớ lại sự nghiệp của lòng tin, công lao của lòng mến, sự kiên nhẫn cậy trông của anh em trong Chúa” (1 Thes 3). Ba điều này là sự đáp trả của chúng ta trước sự nhân từ của Thiên Chúa, nhưng chúng cũng bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta niềm tin, khả năng tin tưởng. Niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa chỉ là sự cảm kích của ta khi được trao cơ hội để tin tưởng. Thiên Chúa đã ban cho ta một lý do để hy vọng, đặc biệt là do sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Hy vọng của ta cũng là một minh chứng cho việc ta chấp nhận điều mà Thiên Chúa hứa ban cho ta. Và tình yêu của ta không bắt nguồn từ ta. Ta không bao giờ có thể yêu, trừ khi ta được yêu trước. Vì vậy, một lần nữa, tình yêu của ta đối với Thiên Chúa là kết quả của việc chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.
Vậy thì chúng ta phải có niềm tin vào Thiên Chúa, phải đặt hy vọng của mình vào Thiên Chúa, phải yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa và sẵn sàng quy phục tất cả về cho Thiên Chúa vì tất cả những gì ta có là ân huệ của Thiên Chúa trao ban cho ta.