skip to Main Content

Vấn Ðề Ly Dị

12.8 Thứ Sáu trong tuần thứ Mười Chín Mùa Quanh Năm

Ed 16:1-15,60,63; Ed 16:59-63; Is 12:2-3,4,5-6; Mt 19:3-12

Vấn Ðề Ly Dị

“Động lực duy nhất và đích thực cho việc độc thân là để trung tín trong việc hoàn toàn bắt chước Chúa Giêsu Kitô… Việc độc thân thuộc lãnh vực tình yêu, mà tình yêu thì không thể giải thích hay lý luận” (Hồng y G. Daneels). Tại sao những cô gái chàng trai tuổi xuân phơi phới, với một tương lai đầy hứa hẹn, lại giã từ tất cả, tận hiến cho Thiên Chúa trong đời sống độc thân tu sĩ hay linh mục? Đúng là ta không thể tìm ra lý do để giải thích, chỉ cảm nhận rằng họ đang yêu, yêu Đấng vô hình, yêu Đấng đã chết và sống lại cho họ. Để diễn tả tình yêu ấy một cách cụ thể và triệt để, họ sẵn lòng khước từ hạnh phúc nam nữ, để sống độc thân vì Nước Trời như Chúa Giêsu, đi theo Chúa Giêsu, sống và chết như Ngài.

Vào thời Chúa Giêsu, dựa trên luật Môsê được ghi lại trong sách Tl 14, 1-4, thì mọi trường phái giải thích luật đều phải nhìn nhận việc ly dị, nhưng có điểm khác nhau về lý do ly dị. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, còn trường phái Shammai gắt gao hơn, chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình mà thôi. Những người Biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không phải về việc có được phép ly dị hay không, nhưng về lý do của việc ly dị: họ muốn Chúa Giêsu phải chọn một trong hai lập trường: hoặc cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, hoặc chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không theo lập trường của con người, không đứng về nhóm nào, nhưng Ngài kêu gọi trở về với chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Ðời sống hôn nhân và gia đình giữa người nam và người nữ là một định chế do chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, chứ không do con người thiết định. Môsê cho phép ly dị vì chiều theo lòng dạ chai đá của dân chúng, chứ ngay từ đầu không có như vậy.

Chứng kiến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái, các môn đệ phản ứng: “Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì thà đừng lấy vợ còn hơn”. Trong câu trả lời, Chúa Giêsu cho các ông biết là cần phải có ơn Chúa, con người mới có thể hiểu rõ ơn gọi cao cả của đời sống hôn nhân cũng như của đời sống độc thân trinh khiết vì Nước Trời. Bậc sống độc thân hoặc lập gia đình, không phải thuần túy tùy thuộc ý định con người, nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa.

Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn gọi độc thân hoặc lập gia đình. “Ai có thể hiểu được thì hiểu”, ơn ban của Thiên Chúa tùy thuộc tự do của con người. Con người thời nay đã lạm dụng tự do để quyết định những điều nghịch lại chương trình của Thiên Chúa. Con người đã trần tục hóa cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân và gia đình. Tất cả đều được phép, kể cả việc hai người cùng phái tính được luật pháp cho phép sống với nhau như vợ chồng, để rồi tình thương của cha mẹ đối với con cái trong trường hợp nào cũng bị hạ thấp.

Người Kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra, nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thủy của Ngài khi tạo dựng con người. Ðiều này đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh, nhưng đó là bí quyết để con người sống trọn ơn gọi của mình và đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta đừng sợ cố gắng hy sinh, bởi vì Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài và để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta.

Chúa Giêsu muốn khẳng định tinh thần lề luật trước thái độ cứng lòng tin và thiếu hiểu biết của họ: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ”( Mt 19, 4). Chúa Giêsu muốn nhắc từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo ra nhiều công trình sáng tạo nhiều vẻ đẹp tốt lành, trong đó đời sống hôn nhân không có loại trừ. Thiên Chúa muốn thế giới thụ tạo, có nhiều muôn vật, muôn loải, Người sáng tạo con người có nam có nữ, và  chúc phúc để “nên một” với nhau suốt đời. Vì thế, mọi sự Thiên Chúa đã tạo dựng, kể cả kể ước hôn nhân, con người không phả bỏ được, nên tất cả đều là sự bất khả phân ly. Vì, nhóm người này tỏ ra cứng lòng tin nên Chúa Giêsu đã lên tiếng cảnh bảo về niềm tin của họ:  “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” ( Mt 19, 8).

Cuộc sống chúng ta ở thế giới tục hóa cũng thế. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta, dù ở bậc ơn gọi nào, có gia đình hay không lập gia đình. Chúa muốn những ai đang sống trong ơn gọi gia đình, luôn luôn hòa thuận, yêu thương, nâng đỡ và chung thủy với nhau. Biết cùng nhau giữ lòng trung tín với lề luật hôn nhân của Chúa. Nhờ đó, vợ chồng luôn giáo dục con cái biết sống đạo đức, thánh thiện trong cuộc đời kitô hữu.

Đồng thời, Chúa Giêsu muốn người môn đệ bước theo Chúa, luôn thủy chung với Chúa. Để, mỗi người biết tránh mọi quyến rũ bởi tình yêu giả tạo mang lại do những thói tục đồi bại của lòng tham sân si, thiếu tình thương dành cho nhau giữa cơn khốn cực trong xã hội, trước biến cố dịch Covid 19 đang làm đảo lộn và gây nguy hiểm cho sự sống của cả nhân loại.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích hôn nhân trong Giáo hội. Luật này do chính Chúa đặt ra chứ không phải do loài người. Hơn nữa, hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và chung thuỷ với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Giáo hội và không bao giờ lìa xa Giáo hội. Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa sẽ kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi. Vì vậy, Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng: “Trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực, rẫy vợ mà lấy vợ khác là phạm tội ngoại tình”.

 

Back To Top