Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Sám hối
10.1.2022
Thứ Hai trong tuần thứ Nhất Mùa Quanh Năm
1 Sm 1:1-8; Tv 116:12-13,14-17,18-19; Mc 1:14-20
Sám hối
Dường như tất cả mọi người đều nhìn nhận rằng sám hối, sửa mình, cải thiện cuộc sống là việc cần thiết, không cần bàn cãi, nhưng dường như ai cũng chần chừ không quyết làm ngay.
Nhiều người nói: “Tất nhiên tôi sẽ sám hối, nhưng từ từ đã, vội gì, có thể là ngày mai”… và cái ngày mai đó dường như không bao giờ đến. Thế rồi người ta cứ lần lữa mãi cho đến lúc xuống mồ mà vẫn chứng nào tật ấy.
Muốn tẩy sạch tâm hồn, chúng ta chỉ có hai lựa chọn: hoặc là ngay bây giờ hay là không bao giờ. Nếu ta không bắt đầu ngay hôm nay, thì chẳng hy vọng ở ngày mai.
Vậy ta hãy noi gương dân thành Ni-ni-vê được trích đọc trong phụng vụ hôm nay, mau mắn đáp lời mời gọi sám hối từ tiên tri Giô-na.
Khi “Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” Nghe lời ấy, dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ (tức thời) ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ… Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Giôna 3, 4-5).
Phạm tội là khi làm phiền lòng Chúa, là khi cố tình bỏ không làm những điều luật Chúa buộc làm như giữ ngày Chúa nhật, thảo kính cha mẹ… hoặc cố ý làm những điều luật Chúa cấm làm như chớ giết người, chớ tà dâm, chớ dối trá… Những điều luật Chúa buộc hay cấm làm được gọi là thánh ý Chúa và được tóm lại trong 5 kinh quen thuộc này: Một là kinh “Mười Điều Răn Đức Chúa Trời”; Hai là kinh “Sáu Điều Răn Hội Thánh”; Ba là kinh “Thương Người Có Mười Bốn Mối”; Bốn là kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức; Năm là kinh “Hòa Bình”.
Phạm tội là cố tình làm trái thánh ý Thiên Chúa, làm cho Chúa Giê-su phải buồn phiền vì ta. Muốn được ơn tha tội và được giao hòa với Chúa, chúng ta cần khiêm hạ sám hối. Sự ăn năn thực sự được biểu lộ qua thái độ hồi tâm xét mình, lo buồn trách mình vì đã phạm tội mất lòng Chúa, khiêm nhường xưng thú tội lỗi với vị linh mục có quyền giải tội và quyết tâm chừa cải bằng việc xa lánh dịp tội, quyết tâm đền bù tương xứng với thiệt hại đã gây ra cho tha nhân.
Sám hối là khởi đầu của việc nên hoàn thiện: Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những tội nhân, nhưng tất cả các vị đều ý thức về thân phận yếu hèn của mình. Càng ý thức về sự bất toàn của mình, người ta càng cảm nhận được tình thương bao la của Thiên Chúa. Đó là cảm nhận của vua Đa-vít sau khi đã phạm tội giết chồng đoạt vợ (x. 2 Sm 11,1-17), của thánh Phê-rô sau khi chối Thầy ba lần (Mt 26,69-75), của thánh Phao-lô sau khi bắt bớ các tín hữu và bị ngã ngựa tại cửa thành Đa-mát (Cv 9,1-19), của Au-gút-ti-nô sau chuỗi ngày buông thả tội lỗi và của nhiều đại thánh khác trong lịch sử Hội Thánh…
Lời đầu tiên Chúa Giêsu công bố khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời hôm nay là: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chúa Giêsu đã nối kết việc sám hối với rao giảng Tin Mừng. Tin Mừng chính là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện qua con người của Đức Giê-su? Sám hối không chỉ là hồi tưởng về quá khứ của mình, không dừng lại ở thái độ buồn phiền, sợ hãi thất vọng, nhưng là một chặng đường phải trải qua để đạt đến niềm vui là tin vào Tin Mừng.
Sám hối gồm hai khía cạnh. Khía cạnh tiêu cực là nhìn về dĩ vãng, về quá khứ của cuộc đời mình để xem mình đang sống đúng hay sai, còn thiếu những gì cần bổ khuyết. Sám hối còn mang khía cạnh tích cực là hướng đến tương lai, quyết tâm thay đổi cuộc đời để sống tốt đẹp hơn. Muốn được như vậy thì người sám hối phải biết trở nên khiêm tốn, trở nên bé nhỏ và đặt tất cả niềm tin vào Người Cha nhân ái là Thiên Chúa tình yêu.
Ngoài ra, sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là cửa ngõ tất yếu dẫn đến Tin mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc…
Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những tội nhân, nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm nhận được tình yêu của Chúa. Ðó là cảm nhận của vua Ðavít, của thánh Phêrô, của thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử Giáo Hội.
Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa Giêsu Kitô. Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, là một người Cha muốn được con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Ðạo mà Chúa Giêsu thiết lập không phải là đạo của buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của tình yêu, của hân hoan và hy vọng. Ðành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo, nhưng người Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, khổ đau, buồn phiền; trái lại họ luôn được mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống bên kia Thập giá.
Kêu gọi mọi người sám hối ăn năn là lời giảng đầu tiên và quan trọng nhất trong sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu. Ngài mòi gọi mọi người phải sám hối mới xứng đáng được đón nhận vào triều đại của Nước Thiên Chúa. Sám hối là canh tân đời sống để trở nên người tín hữu nhận biết mình tội lỗi, yếu đuối và quyết tâm thay đổi lối sống của mình; và hơn nữa là ‘sống’ cách phù họp hơn với những đòi hỏi của Tin Mừng.