Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
SÁM HỐI
05 02 Tm CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG.
Lc 3, 1-6
SÁM HỐI
Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng. Mùa Vọng của năm phụng vụ cũng như mùa vọng của cuộc đời chúng ta. Chúng ta không phải chỉ đón nhận việc Chúa đến như một biến cố lịch sử trong đêm Giáng sinh, cũng không phải chỉ đón nhận việc Ngài đến mỗi lần chúng ta lên rước lễ, mà đặc biệt là còn đón nhận việc Ngài đến vào ngày cuối cùng của cuộc đời chúng ta, cũng như vào ngày sau hết của vũ trụ vật chất này.
Trước khi Chúa Giêsu đến với trần gian, Thiên Chúa kêu gọi Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Ngài, bằng cách mời gọi mọi người sám hối, và biểu lộ lòng sám hối bằng một nghi thức bên ngoài là rửa tội. Sám hối là nhận ra những tội lỗi, khuyết tật của mình để quyết tâm sửa đổi hầu trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Nếu sám hối không dẫn đến tình trạng tốt đẹp hơn, thì sám hối đó chỉ là sám hối hời hợt, ngoài miệng… Nếu thực hiện nghi thức sám hối ở bên ngoài (như rửa tội, xưng tội…) mà trong lòng không thật tâm sám hối thì đó chỉ là việc làm lấy lệ hay giả dối.
Sám hối để đón Chúa đến không chỉ mang tính cá nhân mà còn phải mang tính xã hội nữa. Nghĩa là người thật sự sám hối không chỉ làm cho bản thân mình, tâm hồn mình nên tốt đẹp hơn, mà còn phải tìm cách làm cho tập thể, cộng đoàn hay xã hội của mình nên tốt đẹp nữa.
Việc sám hối ấy căn bản là ở trong nội tâm. Và nếu đó là sám hối thật sự thì nó phải hướng đến hành động, hay tất yếu dẫn đến hành động thật sự. Ngôn sứ Isaia mô tả sự sám hối ấy bằng những hình tượng khác nhau: «Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng»
Chúng ta nên thực thi sứ điệp Gioan Tiền Hô đã gởi đến cho người Do Thái bên bờ sông Giócđan, đó là hãy ăn năn sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi để quay trở về cùng Chúa. Ông đã thẳng thắn cảnh cáo họ: Hãy sinh hoa trái tốt lành để chứng tỏ cõi lòng sám hối của các ngươi, bằng không thì này đây cái rìu đã được đặt dưới gốc cây. Và cây nào không sinh trái tốt thì sẽ bị chặt và ném vào lửa.
Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3, 5). Ông kêu gọi mọi người sửa sang đường sá. Nhưng con đường quan trọng chính là đường vào cõi lòng.
Ăn năn hối cải là ý thức rằng chúng ta đang sống trước mặt Thiên Chúa, đêm cũng như ngày, và chúng ta chịu trách nhiệm về tất cả những gì thuộc bản thân ta, cũng như những gì thuộc quyền sở hữu của ta. Mẹ đã đến kêu gọi mọi người thế hãy nghe theo các sứ điệp của Mẹ mà ăn năn hối cải. Sống trong tội quả là điều nguy hiểm! Những tai hoạ ghê gớm đang chờ đợi những kẻ không quay trở về cùng Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa luôn tha thứ cho ta, dầu tội lỗi đến như thế nào đi nữa. Không có tội nào quá lớn đến nỗi Thiên Chúa không tha thứ được. Tình yêu Thiên Chúa luôn mãi lớn hơn tội lỗi chúng ta.
Tất cả những gì ta có thể làm là nài xin. Đức Mẹ đến để bảo ta nài xin Chúa tha thứ ngay bây giờ. Mẹ nhắc lại cho ta rằng Thiên Chúa không bao giờ từ chối tha thứ cho bất cứ ai xin Người.
Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi.
Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, tính toán lệch lạc.
Phải san cho phẳng những núi đồi ngạo nghễ của tự mãn, tự kiêu.
Phải bạt cho thấp những gồ ghề lồi lõm của bất công, bất chính.
Nếu sám hối là dọn đường của lòng mình, thì chúng ta hãy dẹp bỏ những chướng ngại của tâm hồn, để Chúa có thể đến và ngự lại trong đó.
Nếu Gioan là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần đầu, thì chúng ta sẽ là sứ giả chuẩn bị cho Người đến từng ngày trong cuộc sống của anh em.
Thiên Chúa chỉ có thể đến gặp con người trên những con đường ngay thẳng, phẳng phiu. Và ơn cứu độ của Người cũng chỉ ban cho những ai rộng tay đón nhận.
Tất cả mọi kitô hữu đều có trách nhiệm biến cải giáo hội và xã hội nên tốt hơn, nghĩa là phải sửa sai, phải thay đổi những gì chưa đúng, hoặc có hại trong giáo hội và xã hội. Trong dân gian có câu: «Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh», hay «quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách» (kẻ kém cỏi nhất trong đất nước cũng có trách nhiệm về sự thịnh suy của đất nước).
Cũng thế, mọi kitô hữu dù là giáo dân hay linh mục tu sĩ, là người thất học hay trí thức đều có trách nhiệm đối với sự phát triển hay suy thoái của giáo hội và xã hội. Những kitô hữu tỏ ra vô tâm, vô tình, vô trách nhiệm đối với tha nhân, với xã hội, đất nước, thế giới, với giáo hội địa phương, cũng như với giáo hội hoàn vũ, cần phải suy xét lại thái độ vô tình ấy của mình. Rất có thể ta chưa phải là kitô hữu đích thực, chưa có đủ tình yêu đối với tha nhân, một phẩm tính căn bản của người kitô hữu.
Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa đích thực nào cũng kêu mời con người phải ăn năn, phải thống hối, có nghĩa là kêu mời con người trở về với Thiên Chúa. Vì thế, sau thời gian vào hoang địa để gặp gỡ Thiên Chúa, để biết rõ con người và nếp sống thật của mình, thánh Gioan tẩy giả hướng dẫn chúng ta trở về cuộc sống hằng ngày, xuyên qua dòng sông Jordan để lãnh nhận phép rửa thống hối là dấu chỉ bên ngoài của một quyết định nội tâm dứt khoát trở về với Chúa. Một Thiên Chúa từ thuở tạo thiên lập địa đã luôn gắn liền lời nói với hành động.
Vì thế, công cuộc thống hối đúng nghĩa của con người không thể chỉ diễn ra bằng lời nói: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói và việc làm…”, nhưng phải kèm theo những hành động cụ thể, những hành động cụ thể này đã được thánh Gioan loan báo hôm nay: “Hãy dọn đường Chúa đến”. Hãy sửa đường cong queo của tinh thần vô trách nhiệm, của lòng ích kỷ, của tính hay mánh mung lừa đảo bằng những con đường ngay thẳng của tinh thần liên đới, chia sẻ, thật thà, biết tôn trọng sự thật. Hãy lấp mọi hố sâu của chia rẽ hận thù, của thiên kiến nghi kỵ bằng sự khoan dung tha thứ, bằng sự tin tưởng thiện chí và tin tưởng vào khả năng của nhau. Hãy bạt mọi núi đồi của lòng kiêu hãnh, của óc địa phương bằng tinh thần khiêm nhu, và biết đặt công ích lên trên quyền lợi của cá nhân, quyền lợi của đảng phái. Hãy san bằng những con đường bi quan yếm thế của những thất vọng, của những ngày đen tối, của những lỗi lầm trong quá khứ bằng những cái nhìn tích cực, lạc quan tràn đầy hy vọng nơi chính mình, nơi kẻ khác và nơi cuộc sống.
Đó là những hành động cụ thể, những điều kiện cần phải thực hiện trong ngày Chúa đến, thực hiện trong ngày giải phóng và cứu rỗi của Người, xây dựng trên công lý, hiệp nhất hòa bình và tình thương giữa lòng xã hội của ngày hôm nay.
Thật thế, điều quan trọng để đón Chúa đến là phải có tinh thần sám hối. Nhưng tinh thần sám hối đích thực thì luôn phải được thể hiện thành hành động, nghĩa là nó phải dẫn đến sự chừa cải, tu sửa, cải thiện… Nói khác đi, có gì sai thì phải sửa cho đúng, xấu thì sửa cho tốt, cho đẹp, cong thì thành thẳng, gồ ghề thành phẳng, cao thì bạt xuống, thấp phải đôn lên… Việc sám hối và tu sửa phải được thực hiện không chỉ nơi cá nhân mà còn trong giáo hội và xã hội.