Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Lắng Nghe và Chiêm Niệm
05 29 X Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên.
Gn 3,1-10; Lc 10,38-42.
Lắng Nghe và Chiêm Niệm
Ngày nay, những tiện nghi do tiến bộ kỹ thuật mang lại đang tạo ra một nền văn hóa mới đặt tính hiệu năng và khả năng tiêu thụ lên hàng đầu bậc thang giá trị: người được đánh giá cao là người tài giỏi, giầu có, làm ra tiền và có khả năng tiêu thụ cao. Trong một nền văn minh như thế, dĩ nhiên những giá trị luân lý, tôn giáo hoặc bị đưa xuống thành thứ yếu, hoặc bị quên lãng và ngay cả bị chà đạp. Ðây là một thách đố lớn lao đối với Giáo Hội. Giáo Hội qua các Kitô hữu hiện diện như một dấu chỉ của cuộc sống mai hậu và những giá trị siêu việt, nhưng liệu các Kitô hữu có còn đủ thức tỉnh và can đảm làm chứng cho những giá trị siêu việt ấy không hay chính họ cũng chiều theo cám dỗ chạy theo dòng đời, thỏa hiệp với những sức mạnh tăm tối đang xói mòn những giá trị luân lý đạo đức và loại bỏ chiều kích thiêng liêng ra khỏi cuộc sống con người?
Tin Mừng hôm nay có thể được lắng nghe và suy niệm với nỗi thao thức ấy. Chúa Giêsu hẳn không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Marta tất bật với việc tiếp đãi khách, và một của Maria ngồi bên chân khách để trò chuyện. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể và tích cực qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên ân cần. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Marta. Ngài chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria đang ngồi dưới chân Ngài để nói lên thái độ cơ bản mà con người phải có đối với Thiên Chúa, đó là thái độ lắng nghe và chiêm niệm.
Hơn bao giờ hết, sự hiện diện của những người hiến dâng cho việc cầu nguyện và chiêm niệm là một trong những kho tàng quí giá nhất của thời đại chúng ta, để nhắc nhở cho thế giới rằng cuộc sống con người không chỉ giản lược vào điều mà thánh Phaolô gọi là chuyện ăn, chuyện uống, tôn thờ cái bụng, và rằng cuộc sống chỉ có giá trị và đứng vững vì chính chiều kích siêu việt, thiêng liêng của nó.
Trong một bài nói chuyện với các nữ tu của một Dòng Kín tại Mêhicô năm 1979, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cao sự hy sinh của họ như sau:
“Cuộc sống của chị em quan trọng hơn bao giờ hết; sự hiến thân trọn vẹn của chị em đầy tính thời sự. Trong một thế giới đang đánh mất dần ý thức về thần linh, trong một thế giới đề cao quá mức những thực tại vật chất, hỡi các nữ tu thân mến, các chị lại dấn thân vào các tu viện Kín để làm chứng cho những giá trị mà các chị sống cho. Các chị là những chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay; với lời cầu nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo Hội và con người ngày nay”.
Những lời của Ðức Gioan Phaolô II không chỉ đề cao chứng từ của các Tu sĩ chiêm niệm, mà còn nhắc nhở cho các Kitô hữu về chính chứng từ của sự cầu nguyện của họ. Có những người hiến thân trọn vẹn cho sự cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không phải là độc quyền của một số người, mà phải là hơi thở cho tất cả những ai có niềm tin.
Có những giây phút dành cho việc cầu nguyện đã đành, nhưng người Kitô hữu phải sống thế nào để biến cả cuộc sống của họ thành lời cầu nguyện. Chiêm niệm không chỉ là hoạt động dành riêng cho một số người hay một số giờ hoặc một số nơi nhất định. Chiêm niệm chính là thái độ tìm kiếm, lắng nghe và suy niệm bao trùm mọi sinh hoạt của người Kitô hữu.
Ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe Lời Ngài, đây là thái độ của một người đồ đệ đón nhận và lắng nghe Lời Chúa. Chúa không cần những nhà chuyên nghiệp làm việc cho Chúa, nhưng cần những đồ đệ sống trong sự hiện diện của Ngài, đón nhận Ngài, lắng nghe Lời Ngài 100%.
Đây là điều mà tác giả tập sách Đừng Hy vọng đã gọi bằng thái độ phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa để rồi biết chọn Chúa trước hết, quan trọng hơn, tốt hơn. Chính nhờ những giây phút lắng nghe này, những giây phút sống với Chúa, nhưng giây phút chọn Chúa mà người đồ đệ có thể làm việc Chúa một cách tốt đẹp hữu hiệu hơn. Sau đó, người khách đến thăm cần tình yêu thương, sự chú tâm và tiếp chuyện trao đổi linh động giữa ta và khách hơn là cần những việc nấu nướng nhà cửa như Martha đã làm cho Chúa.
Làm những việc của Chúa, làm những việc cho Chúa là để hướng chúng ta đến một đích điểm quan trọng hơn là gặp được Chúa, sống trong sự hiện diện thân tình với Chúa. Chúng ta đừng bỏ quên những đích điểm này để rơi vào những tình trạng gọi là kiệt sức tình hần, kiệt sức tâm lý cũng như thể lý. Cần những giây phút thinh lặng làm người đò đệ thân yêu ngồi bên chân Chúa và lắng nghe Lời Ngài. Sự trưởng thành của đời sống Kitô tuỳ thuộc vào những giây phút lắng nghe này chứ không tuỳ thuộc vào những công việc ta làm cho Chúa hay những công việc của Chúa mà ta dấn thân làm với một tinh thần trần tục không có Chúa hay bỏ quên Chúa
Cuộc sống chúng ta ngay nay đang thiếu một điều vô cùng hệ trọng, đó là sự thinh lặng. Có thể nói, hằng ngày ta bị bao vây bởi đủ thứ âm thanh của xã hội công kỹ nghệ. Những tiếng còi inh ỏi của xe hơi, xe gắn máy trên đường phố, tiếng ầm ầm của động cơ, máy móc nơi công xưởng, hay những âm thanh hỗn loạn của máy vi tính, của chuông điện thoại, tiếng ồn ào với lời ra tiếng vào nơi các quán ăn, nhà hàng…đã chiếm hết tâm trí chúng ta đến nỗi chúng ta không còn biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu. Không những thế, đầu óc chúng ta còn bị chi phối bởi đủ thứ những lo toan về cuộc sống vật chất hằng ngày.
Và rồi chúng ta cứ loay hoay và quay cuồng trong cuộc sống ồn ào như thế từ ngày này qua ngày khác mà chẳng còn tha thiết đến con đường thiêng liêng dẫn về thiên giới nữa!
Qua hình ảnh bà Mác ta trong bài Tin mừng hôm nay, bạn và tôi được Chúa nhắc nhở rằng mọi sự đời này rồi sẽ qua đi hết, chỉ có một điều cần thiết không bao giờ tan biến mà ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, đó là Nước Trời! Để lắng nghe được sứ điệp Nước Trời, thì tôi và bạn phải ở trong sự tĩnh lặng của tâm hồn!
Lắng nghe Lời Chúa là điều cần thiết và tốt nhất. Dù sống trong hoàn cảnh nào hay làm việc gì, lắng nghe Lời Chúa vẫn là điều phải làm trước tiên.