Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Tinh Thần Trẻ Thơ
Tháng Mân Côi
01 25 Tr Thứ Sáu Tuần XXVI Thường niên.
THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH, QUAN THẦY CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO, lễ kính.
Thứ Sáu đầu tháng. Ngày đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.
Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.
Kinh thần vụ: Thánh Trinh nữ.
Is 66,10-14c; Mt 18,1-5.
Tinh Thần Trẻ Thơ
Ngày 19 tháng 10 năm 1997, thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu được ĐGH Gioan Phaolô II trao tặng danh hiệu Tiến sĩ Hội thánh. Ngài là người trẻ nhất (24 tuổi) trong 3 vị nữ thánh được trao tặng danh hiệu này.
Nhìn vào cuộc đời của chị Têrêsa chúng ta chắc không khỏi ngạc nhiên thắc mắc: “Đâu là điều khiến chị có được danh hiệu ấy ?”; bởi cuộc đời chị quá đơn giản và bình thường, chẳng có chi là nổi trội. Thậm chí có người còn nhận xét: “Có lẽ với cuộc đời ấy chị đã chìm vào quên lãng, nếu không để lại cuốn tự thuật ‘Truyện một tâm hồn’ mà chị viết vì vâng phục.”
Bạn đã bao giờ nghe về Thánh Thérèse hay Thánh Têrêsa Hài Đồng và những bí mật về thánh nữ ? Bạn có biết tại sao có rất nhiều người chọn ngài làm thánh quan thầy, và là người bạn gần gũi nhất của mình không ?
Thérèse Martin sinh ra trong một thị trấn thuộc Alencon, Pháp vào ngày mùng 2 tháng 1 năm 1873. Chị ấy là con gái út trong gia đình gồm 5 chị em gái. Khi chị ấy còn rất nhỏ, mẹ của chị ấy mắc căn bệnh ung thư. Vào thời đó, họ không có thuốc và sự điều trị tốt như ngày nay. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng căn bệnh của bà Martin vẫn ngày càng nặng thêm. Bà ấy đã mất khi Thérèse mới chỉ 4 tuổi.
Đó là khi bố của Thérèse quyết định tốt hơn nên chuyển nhà đến Lisieux, một thị trấn khác, nơi có nhiều người thân sinh sống. Ở đó có tu viện Carmelite, một tu hội dòng kín, nơi mà các thiếu nữ làm một công viêc đặc biệt đó là cầu nguyện cho toàn thế giới. Khi Thérèse được 10 tuổi, một chị gái của chị là Pauline đã xin nhập dòng Carmelite ở Lisieux. Điều đó thật khó khăn cho Thérèse vì chị Pauline giống như người mẹ thứ hai của Thérèse, chăm sóc và dạy dỗ chị ân cần như mẹ chị đã từng làm. Thérèse nhớ chị Pauline đến phát ốm. Suốt cả tuần sau đó chị vẫn chưa khỏi, các bác sĩ không biết chị ấy đã gặp vấn đề gì. Bố và 4 chị gái của Thérèse đã cầu xin Thiên Chúa giúp. Một ngày sau, tượng Đức Mẹ trong phòng ngủ của Thérèse bỗng dưng mỉm cười với Thérèse và chị ấy hoàn toàn bình phục!
Một lần khác, Thérèse nghe tin về một người đàn ông đã gây ra ba vụ giết người và thậm chí còn không biêt hối lỗi. Chị ấy quyết định cầu nguyện và làm một việc hy sinh để cầu nguyện cho ông ấy (như từ bỏ một cái gì đó mình thích hay làm một việc nào đó mà mình không thích). Chị ấy cầu xin Chúa thay đổi tâm hồn người đàn ông ấy. Trước khi người đàn ông đó chết, ông ta hỏi về cây thánh giá và hôn lên hình Chúa Giêsu. Thérèse cảm thấy rất hạnh phúc, chị biết rằng ông ta đã tin vào Chúa và nhân đón nhân ơn sám hối.
Thérèse rất yêu mến Chúa Giêsu. Chị muốn dâng hết cả con người mình cho Chúa. Chị muốn gia nhập dòng Camelô để có thể dâng hiến đời mình để làm việc và cầu nguyện cho mọi người, nhất là những người còn chưa biết đến lòng thương xót Chúa. Nhưng Thérèse gặp một trắc trở. Chị ấy còn quá trẻ, chị cần phải cầu nguyện và chờ đợi thêm. Cuối cùng thì chị cũng được 15 tuổi, được phép gia nhập vào tu viện.
Chị Thérèse đã làm gì trong thời gian ở tu viện ? Không gì đặc biệt cả. Bí mật của chị ấy là: Yêu mến. Có một lần Thérèse nói rằng: “Thiên Chúa không muốn chúng ta phải làm điều này điều kia cho Ngài, mà Ngài muốn chúng ta yêu Ngài là đủ”. Vì thế, Thérèse đã ước muốn và thực hành đời sống yêu mến Chúa. Chị tập kiên nhẫn và ân cần với mọi người, điều đó thật không dễ chút nào. Trong thời ấy, lúc các chị đang giặt quần áo bằng tay (lúc đó máy giặt chưa được phát minh!). Có một chị luôn làm bắn tóe nước bẩn vào mặt chị Thérèse. Nhưng Thérèse chẳng bao giờ tỏ ra bực bội. Thérèse thường hay giúp đỡ một chị lớn tuổi có tính cáu gắt và luôn phàn nàn về mọi thứ, bởi vì chị Thérèse không cảm thấy thích việc đó. Thérèse muốn đối xử với chị ấy như với chính Chúa Giêsu. Chị biết rằng khi mình yêu những người khác tức là mình đang yêu chính Chúa Giêsu. Tình yêu khiến Thérèse trở nên hạnh phúc.
Thérèse chỉ sống đời tu 9 năm. Căn bệnh lao đã xảy đến với chị, nó khiến chị phải chịu rất nhiều đau đớn. Không có sự điều trị đối với căn bệnh ấy, các bác sĩ cũng không thể giúp được nhiều cho chị. Thérèse qua đời khi mới chỉ 24 tuổi. Nhưng trước khi chết, chị đã hứa sẽ không từ bỏ điều bí mật của mình. Chị hứa sẽ luôn yêu thương và giúp đỡ mọi người khi về quê trời. Trước khi mất, Thérèse đã nói: “Tôi sẽ gửi mưa ơn lành từ trời xuống mặt đất”. Và chị ấy đã làm được điều đó! Tất cả mọi người trên thế giới, những người đã nhờ thánh Thérèse Lisieux cầu xin đến Thiên Chúa đều nhận được sự đáp trả qua lời cầu nguyện của họ.
Thérèse đã khám phá ra “con đường nhỏ” để đến với Thiên Chúa: Thérèse muốn nên Thánh. Ngài biết Thiên Chúa rất muốn giúp đỡ mình và đặt hết mọi tin tưởng nơi Thiên Chúa và yêu Chúa hết cả tấm lòng, sau đó ngài quan tâm, đối xử tốt với mọi người xung quanh, từ những việc đơn giản nhất. “Con đường nhỏ” của Thérèse là làm mọi việc bạn có thể làm cho người khác vì yêu mến Chúa. Đó chắc chắn là cách để bạn có thể nên thánh.
Tin Mừng Mátthêu được cấu trúc xoay quanh năm diễn từ dài của Chúa Giêsu, và diễn từ thứ tư bắt đầu với chương 18 nói về nếp sống của người môn đệ trong cộng đoàn. Tin Mừng hôm nay nhắc đến hai đặc điểm của nếp sống người môn đệ trong cộng đoàn.
Trước hết là thái độ sống trẻ thơ. Một tiểu thuyết gia nọ đã đưa ra nhận định: “Khi người lớn chúng ta không còn giữ liên hệ nào với các trẻ nhỏ, thì chúng ta không còn giữ được tính người nữa, mà đã trở thành như những chiếc máy chỉ biết ăn uống và kiếm tiền”. Lòng tin tưởng của trẻ thơ gợi lên cho chúng ta về sự tin tưởng mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải có đối với Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời. Thái độ trẻ thơ khâm phục trước vũ trụ và thiên nhiên nhắc nhớ sự khâm phục mà chúng ta cần có đối với vũ trụ do Thiên Chúa Cha chúng ta dựng nên. Thái độ đáp trả của trẻ nhỏ trước tình yêu thương nhắc chúng ta phải đáp trả đối với tình yêu thương của Thiên Chúa.
Nhận định trên đây giúp chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu muốn các môn đệ trong cộng đoàn mà Ngài thiết lập phải trở nên như những trẻ nhỏ: đơn sơ, tin tưởng phó thác, không có thái độ kẻ cả.
Chúa Giêsu gọi em nhỏ đến ngay lập tức. Ngài đặt em đứng giữa các ông . Trẻ nhỏ thời bấy giờ được xem là người yếu thế, không thể tự quyết, có bổn phận phải phục tùng, không được ý kiến và phải vâng lời người lớn trong mọi sự cách tuyệt đối, như trong thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ga-lát “Bao lâu người thừa tự còn là một đứa con nít, nó chẳng khác gì một kẻ nô lệ” (Gl 4, 1).
Trẻ nhỏ là một kẻ nô lệ. Chúng ta nghe Chúa Giêsu trả lời: “Thày bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Một chân lý sống. Một lời khẳng định mang tính quả quyết. một câu điều kiện để được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Thật vậy, để đạt được Nước Trời, phải thay đổi và trở nên trẻ nhỏ, nghĩa là phải tập cho mình tinh thần phó thác, khiêm nhu của con trẻ. Và Chúa Giêsu kết luận: “vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”. Kẻ nào tự cho mình là bé mọn, là thấp kém, không là “cái rốn vũ trụ”, thì trước mắt Thiên Chúa, kẻ ấy có tầm quan trọng trong vương quốc của Ngài.
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn đẩy xa hơn tinh thần trẻ thơ đến độ “Ai tiếp đón em nhỏ vì danh Thày là tiếp đón chính Thầy”. Ngài đồng hóa mình với em nhỏ, vì Ngài đã vâng lời Thiên Chúa đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thánh giá “Xin cho ý Cha được thể hiện”. Ngài tín thác vào tình yêu Thiên Chúa ngay cả trong lúc cảm thấy đau đớn nhất, cô đơn nhất “Con phó hồn con trong tay Cha”.
Những đức tính tốt của tuổi thơ sẽ giúp cho các thành phần trong cộng đoàn chấp nhận và phục vụ nhau, không kỳ thị phân biệt. Cộng đoàn những con người cụ thể dĩ nhiên có những khuyết điểm, những bất toàn, tội lỗi. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài không muốn môn đệ Ngài có thái độ sống kỳ thị tách biệt khỏi những người khác, nhất là những người tội lỗi. Trái lại, Chúa Giêsu đã mở ra một viễn tượng mới, Ngài mạc khải thái độ nhân từ thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi, đến nỗi đã bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và vui mừng khi tìm được nó. Chúa Giêsu mời gọi con người ăn năn sám hối trở về với sự thật, với tình thương và với người anh em.
Xin Chúa cho chúng ta sống tinh thần trẻ thơ trước mặt Chúa và trong tương quan với người khác. Xin cho chúng ta sống tin tưởng, yêu thương phục vụ mọi người vì tình yêu Chúa.