skip to Main Content

THA THỨ LUÔN LUÔN – LUÔN LUÔN THA THỨ

12  05  X  Thứ Năm Tuần XIX Thường Niên.

Gs 3,7-10a.11.13-17; Mt 18,21-19,1

THA THỨ LUÔN LUÔN – LUÔN LUÔN THA THỨ

Gioana Phanxica Fremyet chào đời ngày 23.01.1572 ở Dijon, là con của vị chủ tịch nghị viện. Thuộc một gia đình Công giáo đạo đức, ông đã đào tạo con gái của mình nên một đứa trẻ có đời sống tín hữu mạnh mẽ. Học tập như các trẻ em khác, thánh nữ có một tinh thần sống động và tỏ ra vừa vui tươi vừa đứng đắn. Dầu còn nhỏ, Gioana Phanxica quyết xa rời những người lạc đạo, ngài la hét khi có ai trong số họ chạm tới ngài. Khi đến tuổi hòa mình với đời sống đài các, sự dè giữ của thánh nữ chứng tỏ ngài đã không ao ước một cuộc sống dễ dãi trống rỗng.

Gioana tự lo cho mình, phục vụ người nghèo, lau rửa những người khốn khổ đầy chấy rận. Mặc đồ sạch sẽ cho họ rồi nấu giặt và may vá áo quần cho họ. Thánh Phaxicô Salesiô dẫn ngài tới sự thánh thiện bằng đời sống ngày càng kết hiệp sâu xa hơn với Chúa. Thánh nhân cũng quả quyết rằng: thời giờ đã đến để thánh nữ từ bỏ thế gian. Đường chân thực của thánh nữ là trở nên tu sĩ và thiết lập dòng Thăm Viếng.

Gioana đã anh hùng từ giã gia đình, ngài dẫn người con gái không lập gia đình là Fracoise để bổ túc việc giáo dục bên cạnh ngài. Người con trai ở lại với ông nội đã chống lại việc ngài ra đi và nằm ngang cửa ngăn cản. Cử chỉ của thánh nữ không theo tầm mức của chúng ta: Gioana lau nước mắt bước qua mình con. Ngài biết rằng: con mình sẽ không bị bỏ rơi, vì ngài đã trao phó cho người cậu là Tổng Giám mục Bourges. Và mỗi khi cần đến, ngài sẽ đi thăm để lo cho lợi ích của các con.

Tháng 6 năm 1610, thánh nữ đã thiết lập tu viện dầu tiên ở Annecy và khẩn nguyện luôn thực hiện điều gì xem ra hoàn hảo hơn. Danh tiếng của các nữ tu dòng Thăm Viếng tận tâm phục vụ người nghèo, bệnh nhân và giáo dục các thiếu nữ lan rộng mau chóng. Suốt 30 năm, mẹ de Chanltal đã thiết lập nhiều tu viện, hiến mình làm nọi việc. Vào cuối đời, ngài kể lại:

“Tôi như những nữ tá thô kệch thời thu hoạch. Người cha gia đình nói với họ: hãy đến chỗ này, hãy đi chỗ nọ, hãy trở lại cánh đồng này, hãy đi tới chỗ khác. Chẳng hạn người cha diễm phúc của chúng tôi đã nói: hãy đi thiết lập ở Lyon , ở Grenoble, hãy trở lại để đi Bourges, hãy đi Paris, hãy từ giã Paris và trở lại Dijon. Chẳng hạn nhiều năm tôi chỉ đi và đến, khi thì ở một trong những cánh đồng, khi thì ở một nơi khác của cha thân yêu”.

Nơi nào thánh nữ đi qua, ngài đều để lại sự êm dịu, sự phấn khởi và niềm tin tưởng. Người ta thấy ngài chống lại sự nhọc mệt bằng niềm vui và can đảm. Linh động trong công việc, ngài nấu ăn và coi bò, giờ giải trí, ngài vui vẻ với các nữ tu… khiến họ nói: “Khi Mẹ chúng ta không giải trí được là thiếu một phần vui tươi êm ái”. Bệnh tật không ngăn cản ngài săn sóc và nghĩ tới mọi sự. Với một trí khôn nhanh nhẹn và chính xác, một lúc, ngài đọc cho 3 nữ tu.

Mười chín năm trước khi qua đời, Gioana de Chantal mất người bạn, người cha, người nâng đỡ là thánh Phanxicô Salesio. Sự đau đớn của ngài thực sự lớn lao. Rồi đến cái chết của người con trai để lại một cháu gái sẽ là nữ nam tước de Sévigné. Các tang lễ liên tiếp nơi các người thân. Nhưng thử thách lớn lao nhất của thánh nữ là những chán nản nội tâm, những cám dỗ kinh khủng nghịch lại đức tin. Ngài không hể tỏ lộ những đau đớn của mình và lấy sự bình thản để phủ lấp những lo âu. Mẹ de Claugy đã nói về những khô khan liên tục của ngài:

– “Chỉ trong cõi đời đời, người ta mới biết hết được”.

Khi ngài qua đời, cha giải tội nói:

– “Suốt 23 năm, tôi đã thán phục nơi thánh nữ một lương tâm tinh ròng trong suốt và rõ rệt hơn cả pha lê”.

Trong những hành trình cuối cùng mẹ de Chantal được reo mừng khắp nơi. Khi có dịch hạch ở Annecy, ngài đã không từ chối bỏ nơi này và tăng gấp các việc bố thí và lời cầu nguyện. Ở St.Germain, hoàng hậu đưa hai người con tới gặp và xin ngài chúc lành. Ngài hân hạnh được gặp thánh Vinh Sơn Phaolô, dân Paris chen lấn để mong chạm tới ngài và nghe ngài nói. Trở về, ngài ngã bệnh ở Monlins. Tới phút cuối ngài vẫn còn lo lắng đến mọi việc. Và sau 3 lần kêu danh Chúa Giêsu, ngài tắt thở năm 1641, năm 1767 ngài được Đức Thánh Cha Clêmentê XIII phong thánh.

Khi Phê-rô hỏi Chúa Giê-su : “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (c. 21.22) Đồng thời Đức Giê-su nêu lên một dụ ngôn để cho chúng ta hiểu nguyên do: Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, dù chúng ta là những con nợ ‘khủng’ của Người; nhưng Người đã tha nợ cho chúng ta chỉ duy với một điều kiện duy nhất là chúng ta cũng phải biết tha nợ cho người anh em mình. Người đòi chúng ta một sự tha thứ không giới hạn – không phải tha bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy –  Sự tha thứ không giới hạn mặc nhiên biểu lộ tấm lòng bao dung của trái tim yêu thương không giới hạn – một tình yêu chân thực sẵn sàng hiến mạng cho người anh em: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hiến mạng sống vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13) Đức Ki-tô khi hiến mình, chịu chết treo thập tự bởi sự ghét ghen, bất trung, phản bội của con người, vẫn thốt lên: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ lầm không biết.” (x. Lc 23,34)

Ngày nay do ảnh hưởng văn hóa xấu của phim ảnh, game nặng mùi tính dục hay bạo lực mà đã có biết bao thảm họa của tội ác; Cộng thêm do ảnh hưởng bởi môi trường giáo dục không lành mạnh của gia đình, xã hội: người ta chỉ có một đến hai con nên nhiều bậc phụ huynh đã biến những đứa con trở thành ‘ông vua’ hoặc ‘nữ hoàng’ trong gia đình, quen thói được nuông chiều chỉ biết lãnh nhận mà không biết cho đi nên đã trở thành những con người dị dạng, mất quân bình trong cuộc sống xã hội; đó là những con người ích kỷ, không có khả năng yêu thương chân thực; họ chỉ quen được cung phụng mà không được dạy cho biết phục vụ; chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân mà không quan tâm đến lợi ích tha nhân.

Vì thế, nếu không được cảm hóa, biến đổi từ Tin mừng, họ dễ thối chí, gãy đổ khi phải đương đầu với những thử thách, hay khi gặp thất bại trong công danh, sự nghiệp, tình duyên, hoặc sẽ là những con người chai lỳ, độc ác khi mọi điều không như sở nguyện. Vì vậy mà hàng ngày báo, mạng loan tin cho chúng ta biết bao vụ án đã xảy ra: con giết cha, trò giết thầy và người ta thanh toán nhau một cách vô nhân tính, kể cả những đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết; hay có những trường hợp con cái mắng chửi cha mẹ, làm hại cha mẹ khi chúng không được đáp ứng như ý muốn, hoặc có những trường hợp tự tử vì thất bại, thất vọng…. Ích kỷ không thể bao dung tha thứ cho người khác, họ cũng không bao dung tha thứ cho chính bản thân mình.

Trước một Thiên Chúa – Đấng giàu sang vô cùng, tốt lành vô cùng và yêu thương vô cùng, tôi ý thức bản thân mình bất toàn, yếu đuối và vô cùng nhỏ bé. Chiêm ngưỡng, nhận thức được vô vàng ân huệ, điều kỳ diệu Chúa đã làm, tôi như một người đầy tớ mắc nợ cả trăm vạn lượng. Ngay từ khi được dệt thành bào thai trong dạ mẹ tôi đã là người mắc nợ, cho đến khi mở mắt chào đời, được hít thở dưỡng khí, được chăm chút nâng niu từng miếng ăn, giấc ngủ, rồi tập lẫy, tập bò, tập đi, tập nói cùng với sự săn sóc của mẹ cha, người thân… đồng thời vũ trụ, thiên nhiên như bữa tiệc phong phú, tràn trề Thiên Chúa dọn sẵn cho tôi thưởng thức để tôi được phát triển, được lớn lên, được mở mang trí não, thành nhân nhờ kho tàng khôn ngoan của nhân loại.

Như thế tôi chẳng phải là một con nợ ư? Tất cả Chúa ban cho tôi để tôi hoàn thiện con người mình, hoàn thiện sứ mệnh của mình ở trần gian, để tôi sinh lợi; nhưng lắm khi tôi phung phí, tôi sử dụng không đúng….Tôi đã phạm muôn lầm lỗi, tôi mắc nợ Thiên Chúa, mắc nợ con người – mắc nợ chồng chất – món nợ tình yêu. Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương tôi, vẫn tha thứ cho tôi hết lần này đến lần khác. Còn tôi, tại sao tôi lại khắt khe với người anh em? Tại sao tôi không thể tha thứ cho người anh em? Tại sao tôi cứ mãi ôm mối hận trong lòng và bắt người anh em phải trả giá những lỗi lầm của họ vì họ đã ‘gây nên tội’ có khi là cố ý, nhưng lắm khi chỉ vì vô tình. “Ôi lạy Chúa! Nếu như Chúa cứ chấp tội nào ai chịu nổi được ư.” Con không muốn Chúa chấp tội con bởi vì ‘con mỏng dòn, yếu đuối’ và có rất nhiều lý do để biện minh cho mình; nhưng con không muốn tìm lý do để biện minh cho người anh em. Con xin Chúa thương con, nhưng con không thể yêu thương người anh em mà Chúa đã muốn con phải yêu thương như chính mình.

“Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết” Lời cầu nguyện của Đức Giê-su phải là gương mẫu cho lời cầu nguyện của con khi con phải đối diện với người anh em đã xúc phạm, gây thương tích cho con.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô I trong tông thư Misericordiae Vultus nói rằng: “Dụ ngôn này chất chứa một giáo lý sâu sắc cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài.

Chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước. Tha thứ cho các sai phạm trở thành diễn đạt rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với Ki-tô hữu chúng ta đó là một mệnh lệnh mà chúng ta không thể toái thác cho chính mình…lướt thắng được cơn giận, thịnh nộ, bạo lực và trả thù là điều kiện cần thiết để vui sống”

 

Back To Top