Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
ĐỒNG HÀNH VỚI MẸ ĐI THĂM VIẾNG
LỄ ĐỨC MA-RI-A THĂM VIẾNG BÀ Ê-LI-SA-BÉT, lễ kính.
Hôm nay kỷ niệm ngày Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng 2/7/1627 Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes, S.J.) lần đầu tiên đến giảng đạo tại thành phố Hà Nội (Kẻ Chợ). Các nhà thờ trong thành phố Hà Nội cử hành lễ trọng.
Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.
Xp 3,14-18 (hoặc Rm 12,9-16b); Lc 1,39-56.
ĐỒNG HÀNH VỚI MẸ ĐI THĂM VIẾNG
Ngày lễ này đã được Đức Urban VI thiết lập vào năm 1389, vào khoảng thời gian giữa lễ Truyền Tin và lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, phù hợp với những chi tiết Phúc Âm. Ngày lễ hôm nay ghi nhớ việc Đức Mẹ đi thăm bà chị họ Elizabeth, lúc ấy đã cao niên và đang có thai. Mẹ đến để chia sẻ niềm vui về những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai chị em. Ngày lễ này – nhằm ngày kết thúc tháng Năm kính Mẹ – cho chúng ta thấy tinh thần chiêm niệm, sự phục vụ, và đức khiêm nhượng thẳm sâu của Mẹ, dạy chúng ta biết mỗi khi đi đâu, chúng ta cũng phải theo gương Mẹ Maria, trở nên một nguồn vui cho toàn thể nhân loại.
Cuộc thăm viếng của Đức Maria dành cho người chị họ Elisabeth đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ tin tưởng vào lời Chúa dành cho hai vị đó và cho con người. Họ đã hợp tác với kế hoạch của Thiên Chúa trong công trình cứu rỗi con người được báo trước qua việc nhập thể và sinh ra của Đức Kitô. Cuộc thăm viếng còn mang một ý nghiã sâu xa hơn một cuộc hội ngộ của hai tín hữu công chính; nó được coi như sự chiếu sáng toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa để cứu độ con người.
Đức Maria là một con người, nên khi đối diện với những biến cố bất ngờ đến với Mẹ và người bà con Elisabeth, hẳn Mẹ cảm nhận một nỗi lo âu và bất định. Nhưng sự chung thuỷ của niềm tin đã lướt thắng những gì ngăn cản Mẹ trên con đường tín thác vào Thiên Chúa.
Đức Maria vội vã đến thăm Elisabeth và Elisabeth lớn tiếng biểu lộ niềm vui khi đón tiếp Maria, được nhìn dưới ánh sáng cao cả mà Yahweh Thiên Chúa đã làm cho con người. Giao ước đầu tiên Thiên Chúa làm cho con cái Israel qua Abraham, tiếp theo là giao ước thứ hai Thiên Chúa làm qua Con Ngài là Đức Giêsu dành cho mọi người. Đức Maria nối kết hai giao ước lại với nhau. Cuộc thăm viếng còn tỏ cho ta thấy một cảnh tượng đầy hạnh phúc, lòng tràn ngập niềm vui của Đức Maria để chia sẻ ơn viên mãn với người chị họ.
Cuộc thăm viếng chỉ dậy chúng ta một sự thật quan trọng mà ta có thể áp dụng vào cuộc sống cá nhân đối với Thiên Chúa. Đức Maria, Đấng đầy ơn phúc (Lc 1:28), đã tìm kiếm mọi sự trên hết để sống cho Chúa và làm mọi sự theo thánh ý (Lc 1:38). Kết quả là cuộc đời của Mẹ với Thiên Chúa phản ảnh hai điều song hành là mến Chúa và yêu người (Lc 10:27-28), và việc thăm viếng Elisabeth trong khi bà cần tới sự giúp đỡ của Mẹ phản ánh tình yêu dành cho Chúa và ước muốn thực hành theo thánh ý Chúa. Cuộc thăm viếng của Mẹ làm tràn ngập niềm vui trong tâm hồn ta bởi đó là dấu chứng Thiên Chúa hoạt động trong con dân Ngài.
Ta thấy lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội để an ủi,nâng đỡ, bênh vực Giáo Hội, chở che Hội Thánh .Mẹ luôn âm thầm hiện diện trong cuộc sống của từng người một để can thiệp, ủng cố đức tin cho con người an tâm vững bước trên cuộc hành trình lữ hành trần thế. Mẹ luôn yêu thương con người vì Mẹ yêu thương Chúa Giêsu. Suốt cuộc đời dưới thế của Chúa Giêsu , Mẹ luôn ở gần kề Chúa để Mẹ con chia sẻ vui buồn và nhất là chia sẻ sứ mệnh truyền giáo . Giáo Hội của Chúa Kitô hơn bao giờ hết luôn tin tưởng, cậy trông vào Mẹ vì chính Mẹ lúc nào cũng hiện diện trong cuộc sống Giáo Hội từng giây từng phút , như Mẹ đã luôn có mặt trong Giáo Hội sơ khai để qua lời cầu nguyện Mẹ củng cố niềm tin cho mọi người và dẫn mọi người tới với Chúa Giêsu Kitô con Mẹ.
Ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng hôm nay cho chúng ta nhìn thấy một khía cạnh trong đời sống nội tâm của Đức Maria, đó là tinh thần khiêm nhượng phục vụ và tình yêu vô vị kỷ dành cho những ai cần đến sự trợ giúp của Mẹ. Biến cố trong mầu nhiệm thứ hai Mùa Vui của chuỗi Mân Côi mời gọi chúng ta hãy hiến thân mau mắn, vui tươi, và chân thành cho người chung quanh. Nhiều khi sự phục vụ tốt nhất chúng ta có thể thực hiện là chia sẻ với họ niềm hạnh phúc trào dâng trong tâm hồn chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều này khi chúng ta sống thân mật với Chúa, qua việc trung thành giữ trọn những giờ cầu nguyện trong ngày sống. Việc kết hợp với Thiên Chúa và thực hành các nhân đức siêu nhiên luôn luôn kéo theo niềm hứng thú thực hành các nhân đức nhân bản: Đức Maria đem niềm vui đến cho gia đình bà chị họ, bởi vì Mẹ ‘mang’ Chúa Kitô.
Phụng vụ nhắc nhở ta “hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được cùng Đức Maria ngợi khen Cha muôn đời” và “ án lệnh phạt ngươi Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lui.”
Chúng ta đồng hành với Đức Maria trong lời cầu nguyện, và thân thưa với Mẹ bằng những lời trong bài đọc Một hôm nay: Reo vui lên! Nữ Tử Sion! Hãy hò la, hỡi Israel! Hãy vui mừng, hãy hoan hỉ hết lòng, nữ tử Jerusalem!… Có ở giữa ngươi, Giavê Thiên Chúa của ngươi. Anh hùng vạn thắng! Vì ngươi, Người hân hoan vui sướng. Với ngươi, Người làm mới lại Tình Yêu của Người. Vì ngươi, Người nhảy mừng trong tiếng reo vui.
Chúng ta đồng hành với Mẹ Maria trên những nẻo đường tình yêu, theo gót Elisabeth là hiện thân của những chị em, những anh em trần gian, và cùng họ thiết lập một mối dây đức tin và ca ngợi. Lúc đó bài Magnificat trở thành bài ca tuyệt hảo cảm tạ Thiên Chúa, không những của cuộc thăm viếng của Đức Maria, mà cả cuộc hành hương của chúng ta trong hi vọng. Hành hương tượng trưng niềm hi vọng của con người trên đường dương thế, con người lữ hành.