Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
TÌNH YÊU TỰ HIẾN
LỄ TIỆC LY (Ga 13, 1 – 15)
TÌNH YÊU TỰ HIẾN
Tình yêu không chỉ bằng lời nói mà tình yêu còn phải thể hiện bằng việc làm cụ thể. Hôm nay, trong bữa ăn Chúa Giêsu đã làm một việc khiến các môn đệ hết sức ngạc nhiên. Người “đứng dậy,rời bàn ăn, cởi áo, lấy khăn, đổ nước vào chậu đi đến từng người rửa chân cho các môn đệ” (x. Ga 13, 4-5). Người đã làm công việc của một đầy tớ đối với ông chủ, của một đệ tử đồi với một người thầy. Tình yêu của Người không còn khoảng cách, Người đã đi ra khỏi vị trí của một vị Thiên Chúa để trở thành người phục vụ mọi người. Một tình yêu khiêm hạ mà Chúa Giêsu đã dành cho từng người chúng ta.
Hôm nay, Chúa Giêsu quy tụ các Tông đồ là những người thân tín với Ngài trong suốt chặng đường rong ruổi loan báo Tin Mừng. Ngài quy tụ họ, để trao lại cho họ một tặng phẩm thần linh là Bí tích Thánh Thể và truyền cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Ngài. Qua đó, như một sự hiện hữu sau khi chết, để khi còn sống, Đức Giêsu ở cùng với các ông thế nào, thì ít ngày nữa thôi, Ngài cũng hiện diện và ở lại với các ông cách vô hình nhưng trọn vẹn nơi Bí tích cao trọng là chính Thánh Thể Ngài. Mặt khác, qua bữa tiệc này, phần cuối cùng của bữa tiệc, Đức Giêsu hành động và trăn trối những lời tâm huyết để xây dựng cộng đoàn Giáo Hội đó là: “Luật yêu thương”.
Chúa Giêsu đã yêu thương họ đến cùng”, nên làm môn đệ Chúa, chúng ta không thể đi ngược lại. Thứ Năm Tuần Thánh không phải là dịp diễn lại cho vui,mà là dịp để suy niệm, để sống “ mầu nhiệm yêu thương”. Chúng ta không phải sống để yêu thương cụ thể một cá nhân nào đó, mà là vì “ Ai “ mà chúng ta yêu thương họ, như Người đã yêu thương chúng ta đến cùng.
Ta không có dịp áp dụng nghĩa cử “rửa chân “ theo nghĩa đen, nhưng, ta luôn áp dụng theo nghĩa bóng đối với tất cả những người chúng ta gặp, từ trong gia đình ra đến xã hội. Vì, nghĩa cử Chúa dạy áp dụng theo tình thần thì hạnh phúc hơn. Nếu chúng ta chỉ “ rửa chân “ cho nhau theo nghĩa đen , có nghĩa là theo hình thức, thì điều ấy chỉ có tác dụng nhất thời, nhưng, nếu chúng ta thực thi theo ý nghĩa tình thần thì tuyệt vời !
Lễ Tiệc Ly hôm nay, mỗi người chúng ta được một lần nữa đón nhận chính “quà tặng tuyệt vời nhất”( ) để nhờ đó kết hợp với đời mình và toàn thể dân Chúa làm nên “Lễ Tạ Ơn” trọn hảo như đúng tên gọi của bí tích Thánh Thể : EUCHARISTIA : Lễ tạ ơn ; và một lần nữa được gọi mời sống chính cái “Giờ” đặc biệt của Chúa Giêsu, Giờ yêu thương tự hiến.
Trong bữa ăn cuối cùng này, Chúa Giêsu thiết lập mối tương giao của tình yêu Thiên Chúa với con người. Người đã lập Bí Tích Thánh Thể để chúng ta được Người nuôi dưỡng bằng chính Mình và Máu Thánh của Người. Người cũng lập Bí Tích Truyền Chức Linh Mục để Linh Mục là hiện thân của Người phục vụ anh em. Tình yêu của Thiên Chúa là thế đó. Người chấp nhận làm Tấm Bánh nhỏ được bẻ ra nuôi sống chúng ta, chấp nhận là một con người sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, chấp nhận trở thành tôi tớ phục vụ tất cả chỉ vì yêu chúng ta.
Chúa Giêsu đã làm một việc, mà các tông đồ không thể chấp nhận được. Simon Phêrô đã phản ứng quyết liệt: Thưa Thầy, không thể như thế được, Thầy không thể rửa chân cho con như thế được. Thánh Gioan kể lại: Chúa Giêsu chỗi dậy, rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Từng động tác của Chúa Giêsu được tác giả Tin Mừng cảm nhận và ghi lại chi tiết. Ngài đã chỗi dậy, không chỉ rời khỏi bàn ăn, mà còn rời bỏ địa vì là Thầy, là chủ và là Chúa, để bước đến với những con người thấp hèn bé nhỏ. Ngài cởi áo choàng ra, lấy khăn thắt lưng: Đây là một sự cởi bỏ khỏi sự tự ái khỏi cái tôi, giũ bỏ cả địa vị cao trọng để lấy khăn thắt lưng, chấp nhận biến mình trở thành một người hầu, người phục vụ, kẻ nô lệ cho học trò của mình.
Hành động rửa chân mà Chúa Giêsu đã làm trước khi thiết lập Thiên Chức Linh Mục, mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt nói lên mục đích cao cả của Bí Tích. Không ai xứng đáng với chức linh mục, nhưng linh mục lại chính là người phục vụ, người phải quí gối xuống để rửa chân cho anh chị em mình. Với Phêrô cũng như tất cả các linh mục sau này, rửa chân còn là một dấu chỉ tích cực của đức ái mà Chúa Giêsu mong muốn các linh mục phải thực hành mỗi ngày khi nhân danh Chúa để đem Ngài đến cho mọi người: “Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Gioan 13, 15).
Ðối với Chúa vì yêu thương nhân loại, Ngài đã xuống thế, chịu khổ nhục và chịu chết. Ngài đã để lại Thánh Thể và Thiên Chức Linh Mục. Ðối với các linh mục, như Chúa Giêsu đã nói với Phêrô, là nếu không thông hiệp với Ðức Ái tức là Tình Yêu của Ngài, và riêng ông, nếu không sống đức ái ấy, thì “không được dự phần với Ngài”. Có thể nói, bí tích truyền chức gắn bó với bí tích Thánh Thể qua Ðức Ái trọn hảo.
Sau khi bài học về phục được được dạy bằng việc làm cụ thể cho các môn đệ, Chúa Giêsu trở về với vị trí của một người thầy, Ngài mặc áo lại, trở về chỗ và giải thích cho các môn đệ: Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa. Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau… Anh em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em. Trăm nghe không bằng một thấy; Lời nói mau qua, gương lành lôi kéo. Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ bài học yêu thương phục vụ một cách hết sức cụ thể. Để có thể phục vụ anh em giống như Chúa, đòi mỗi người cũng phải dám từ bỏ địa vị hiện tại của mình là ông nọ bà kia, dù mình là ai…, để có thể cúi xuống rửa chân cho anh em. Rửa chân cho anh em, là dám chấp nhận gạt bỏ mọi sự tự ái, cái tôi, kể cả danh dự, để cúi xuống phục vụ, không so bì tính toán thiệt hơn và không vì một mục đích nào khác là yêu thương và muốn người mình yêu được hạnh phúc.
Qua Bí tích này, mỗi người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua bản thể Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, đồng thời cũng được liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một thân thể. Vậy tình yêu của mỗi người chúng ta dành cho Chúa, cho tha nhân như thế nào? Nếu tình yêu của ta đang nồng nàn thì hãy làm cho nó được tỏa hương. Còn nếu tình yêu của chúng ta đã nhạt phai thì hãy mau hâm nóng lại bằng cách kết hiệp mật thiết với Chúa và anh chị em chúng ta hơn.