Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
HAI THÁI ĐỘ
29THỨ HAI TUẦN THÁNH
– Kinh Tiền Tụng thương khó II.
– Không cử hành lễ nào khác, trừ lễ an táng.
– Các bài đọc Lời Chúa: Is 42,1-7; Ga 12,1-11.
HAI THÁI ĐỘ
Ngày Thứ Hai Tuần Thánh hôm nay, chúng ta được nghe lại đoạn trích Phúc Âm của Thánh sử Gioan với đầu đề: Xức dầu thơm tại Bêtania. Việc xức dầu cho khách là phong tục phổ thông của người Do Thái và thông thường là xức dầu trên đầu của vị khách ấy. Thế nhưng cô Maria trong bối cảnh của đoạn Tin Mừng này, cô đã dùng dầu thơm quý giá xức nơi bàn chân của Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Một hành động khác thường vì một lòng mến phi thường. Vì yêu mến người thầy Giêsu, Maria đã chẳng tiếc bất cứ thứ gì.
Trước đây, cô đã làm hài lòng thầy khi bỏ hết mọi sự bên ngoài mà ngồi bên chân Thầy và lắng nghe Lời Thầy. Giờ đây, cô từ bỏ kể cả chính mình, khiêm nhường và cung kính xức dầu thơm lên chân vị thượng khách mà cô yêu mến.
Chúng ta đang từng bước hiệp thông với Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn và Tuần Thánh cũng là cao điểm cho chúng ta chiêm ngắm Mầu nhiệm tự hiến của Chúa Giêsu. Chúng ta cảm suy điều gì về tình yêu lớn lao ấy? Một tình yêu cho đi nhưng không và một tình yêu cho đến tận cùng. Phải chăng cái chết của Chúa Giêsu chỉ đơn giản là một cái chết trên thập tự giá và là cái chết đầy sự nhục nhã? Hẳn là như thế nhưng cao sâu hơn thế đến vô tận. Vì Người là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, là Đấng vô tội, Người mang án tử là để đền tội loài người chúng ta, gánh thay tội lỗi của chúng ta bởi vì yêu thương chúng ta. “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào Thân Thể mà đưa lên cây thập giá” (1Pr 2, 2) . Người đã chết để cho thế gian được sống và sống dồi dào. Còn “Tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 14).
Giáo Hội cũng mời gọi mỗi người Kitô hữu, từng bước theo Chúa Giêsu đi trên con đường khổ nạn và Thập giá, từ bỏ mọi thế tục phù vân mà theo Chúa, chính là sống thoát khỏi u mê trong thế giới bạc tiền. Quả thật trong cuộc sống, có những người giống như Giuđa Ít-ca-ri-ốt, không chấp nhận hành động của cô Maria vì giá trị bình dầu thơm mà Cô đổ ra và xức chân Chúa Giêsu là 300 đồng, số tiền rất lớn tương đương với ba trăm ngày công (Ga 6, 7). Mà gia đình cô không khá giả cho lắm, nhưng với Cô Maria đã làm một việc này cho Chúa rất vui, với lòng kính trọng, đó là cử chỉ diễn tả lòng khiêm nhường và việc làm ấy xuất phát từ lòng yêu mến chúa bằng mọi giá, Maria không tiếc nơi Chúa dù tiền bạc hay thời gian hay không bằng lời nói suông, nhưng thể hiện bằng việc làm cụ thể, đồng thời những hành động của cô diễn tả nghi thức mai táng trước hạn. Như Chúa Giêsu nói: “ Hãy để cô ấy yên hầu giữ lại dầu thơm này cho đến ngày mai táng Thầy”.
Khi thấy cô Maria đổ dầu thơm xức chân Chúa, thì ngay lập tức đầu Giuđa Iscariốt nghĩ tới tiền bạc và cảm thấy tiếc tiền tiếc của, thay vì nghĩ đến cuộc thương khó của thầy mình. Tâm trí suốt ngày chăm chăm chú chú đến tiền bạc đã biến ông trở thành kẻ phản bội.
Ngược lại, Maria đã bày tỏ tình yêu trọn vẹn với Chúa mà không so đo tính toán đến giá trị của dầu thơm cô xức cho Chúa. Không những vậy, vì thương mến Chúa mà cô đã thực hiện một hành động mà dường như không người phụ nữ Do thái nào dám làm ở nơi công cộng, đó là cô lấy tóc mà lau chân Chúa. Vì thương mến Chúa mà cô không cần nghĩ đến bản thân mình. Chính tâm tình yêu mến này của cô đã giúp cô tham dự cách trọn vẹn vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa.
Cô Maria ngày nào đã không màng điều gì ngoài việc ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Lời Chúa nói, và xức dầu bày tỏ lòng yêu mến dành cho Chúa. Còn chúng ta? Lòng yêu mến nơi trái tim chúng ta có đủ mạnh để có thể vượt lên trên toàn bộ những thứ khác? Lòng mến nơi ta có đủ lớn để ta dám đánh đổi thời gian, có đủ trưởng thành để ta vượt thắng những dò xét của người đời?
Chỉ với một niềm tin yêu đơn sơ nhưng mạnh mẽ, ta đến với Đấng là Tình Yêu và chọn là Đối Tượng duy nhất của lòng ta yêu mến. Đấng tự hạ liên lỉ trong Nhà Tạm cũng là Đấng hằng luôn hiện hữu sống động vượt mọi không gian thời gian, trong từng con người, nơi mỗi người chị, người em hằng ngày sống bên ta, nơi tha nhân, nơi những tâm hồn cùng cực và tầm thường, nơi tất cả những gì gọi là cuộc sống. Điều đó mời gọi chúng ta mau mắn ra khỏi mình, bước đến với từng người mà “xức dầu thơm” cho họ với sự hy sinh trong sáng, lòng nhân ái tinh tuyền, chỉ vì một điều thôi đó là tình yêu chân thật dành cho Thiên Chúa.
Người ta chỉ nhỏ vài giọt dầu thơm lên người để “lấy hương lấy hoa;” chẳng có ai đổ nguyên cả bình dầu thơm, lại là dầu thơm cam tùng hảo hạng, lên chân người khác. Thế nhưng, đó là điều cô Maria đã làm để bày tỏ lòng trân trọng và quý mến của cô với Chúa Giêsu. Maria đổ nguyên cả bình dầu thơm mà không tính toán, cũng chẳng tiếc nuối, vì cô muốn dành cho Chúa Giêsu những gì quý giá nhất của gia đình mình. Lượng dầu thơm quý giá chảy trên chân Ngài chẳng thấm vào đâu so với ơn nghĩa, tình yêu quá lớn Ngài đã dành cho gia đình cô. Có lẽ điều duy nhất Maria hối tiếc là không có thể làm gì hơn nữa để dâng cho Ngài. Sự hào phóng, cho đi mà không tính toán, so đo là dấu hiệu của tình yêu thật sự.
Ngày nay bao người đang tự hỏi trọng tâm đời sống tôi quy hướng về đâu? Tiền bạc, giàu nghèo sang hèn, danh vọng, hạnh phúc ư? Mọi người vẫn mải mốt đi tìm, cái hay, cái đẹp, cái sang, cái hèn, người giầu có địa vị cố tìm cho mình thật hoàn hảo, người nghèo đi tìm manh cơm tấm áo cho bằng mọi người, nhưng Chúa vẫn nhắc nhở: “thật vậy, người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”.
Cuộc sống luôn là phù vân, phù vân nối tiếp phù vân nên dù chúng ta giàu hay nghèo, sang hay hèn hãy học mẫu gương cô Maria biết dùng tiền bạc diễn tả tình yêu, hay lời cầu nguyện liên lỷ kết hợp cùng Thiên Chúa. Chúng ta biết đặt Thiên Chúa với một vị trí cao trọng nhất. Mong sao mùa chay Thánh này giúp mỗi người biết sống hy sinh cầu nguyện, cảm nghiệm với lối sống quảng đại hy sinh quên mình, để chúng ta đón nhận Chúa Giêsu phục sinh hằng ban sự sống đời đời cho chúng ta.
Ngày hôm nay, hành động của cô Ma-ri-a lấy dầu thơm xức chân Chúa Giêsu, được chính Ngài công nhận là một hành động mang tính ngôn sứ: “Dầu thơm này có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” Dù trước mặt mọi người, hành động của Maria có vẻ khó hiểu, nhưng đối với cô điều đó không quan trọng, bởi vì cô đã hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu dành cho Đức Kitô. Chính tình yêu giúp cô đồng cảm sâu xa với Ngài; và ngay từ lúc này, cô đã cùng Đức Kitô đi vào cuộc khổ nạn với Ngài.