Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội…
Bác ái – Ấm áp tình người!
Bác ái – Ấm áp tình người!
Từ bao đời nay, xã hội loài người, trong đạo cũng như ngoài đời, đã nói nhiều đến công bằng và bác ái. Lịch sử các dân tộc đã chứng kiến biết bao cuộc cách mạng dành lại công bằng cho đất nước, cho dân tộc, và cho con người…
Và rồi, xã hội loài người dù có tiến bộ vượt bậc, khi trải qua các thời kỳ của những cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ I, lần thứ II, lần thứ III, và tiến tới như ngày nay, thời kỳ cách mạng 4.0, thì bác ái vẫn còn đó, vẫn cần thiết cho con người. Chính vì thế, Đức cố Hồng Y, Đấng đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Tôi không làm việc bác ái được vì tôi không có tiền! Chỉ có tiền mới bác ái sao? Bác ái của nụ cười, bác ái của bắt tay, bác ái của thông cảm, bác ái của thăm viếng, bác ái của cầu nguyên” (số 741 Đường Hy Vọng).
Quả thật, bác ái làm ấm áp tình người, sẽ cần tồn tại mãi mãi trong thế giới loài người!
Vậy bác ái là gì, mà xem ra hệ trọng đến thế?
Theo tự điển Hán Việt từ nguyên của tác giả Bửu Kế thì: bác là rộng rãi; ái là yêu. Bác ái là tình yêu rộng rãi không những đối với bà con thân thích mà tất cả mọi người. Còn theo WikipediA thì bác ái (tiếng Latin: caritas, nghĩa là “tình yêu cao cả, rộng khắp”, đôi khi cũng được gọi là đức mến). Mà theo thánh Phaolo thì đức mến là: “Đức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả. Đức Mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi….” (1 Cr 13,4-10).
Như thế, ta thấy bác ái nơi mỗi người cần thể hiện ngay trong tư tưởng, rồi phát xuất ra lời nói, và cụ thể trong việc làm. Ý tưởng đó, đã được ông cha ta bóng gió nói: “Trông mặt mà bắt hình dong/ Con lợn có béo thì lòng mới ngon”.
Gia đình rất cần bác ái (đức ái). Các thành viên trong gia đình từ vợ chồng, ông bà con cháu muốn có một gia đình ấm êm hạnh phúc thực sự, thì không thể chỉ đối xử với nhau hoàn toàn theo sự công bằng. Ngược lại các thành viên trong gia đình phải sống bác ái với nhau chân thành. Có người mẹ nào trên thế gian này, nuôi con lại tính toán đòi hỏi công bằng đâu! Mẹ quên hết đau đớn trong chín tháng mang nặng đẻ đau, khi vừa nghe được tiếng khóc oe, óe chào đời của đứa con thân yêu. Những giọt nước mắt nầng ấm của sung sướng, của hạnh phúc, của mãn nguyện đã trào ra đôi khóe mắt trong niềm vui tột cùng khi nhìn thấy mặt con! Còn người cha thì sao? Hình ảnh người cha bao dung, nhân từ đầy yêu thương trong dụ ngôn: “Đứa con hoang đàng hay người cha nhân hậu” (Lc 15, 11-32) đã nói nên lòng bao dung lớn lao của người cha với người con thứ hư hỏng khi biết ăn năn hối cải, trở về cùng cha, trở về đường ngay nẻo chính. Hạnh phúc gia đình chỉ thật vỡ òa khi luôn có sự hiện diện bác ái chân chính trong tổ ấm! Tình yêu thương của cha mẹ ông bà dành cho con cháu cũng đã được ca dao tục ngữ Việt Nam đúc kết bằng một câu ngắn gọn nhưng thật sâu sắc, thâm thúy, ai có trải qua mới cảm nghiệm được: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”.
Ngoài xã hội cũng thế, trải qua bao đời nay, bao sự thay đổi, con người đi tìm sự công bằng, song bác ái luôn hiện diện trong mọi thời, mọi nơi trên trái đất này.
Trong tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-11), Đức Mẹ thấy đang bữa tiệc, mà lại hết rượu, Mẹ quan tâm lo lắng cho gia chủ, nên đã ngỏ lời để Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu. Theo sự công bằng, thì Đức Mẹ đâu có trách nhiệm phải tìm rượu cho tiệc cưới, Đức Mẹ chỉ là một thực khách mà thôi. Nhưng Đức mẹ đã thực hiện vì lòng bác ái, vì sự yêu thương. Đức Mẹ không muốn cho điều không tốt xẩy ra trong tiệc cưới.
Ngoài xã hội thì đã có biết bao điều đau lòng đã xẩy ra ngay trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta. Hàng năm, không biết bao thiên tai từ: giông bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá… tại một số tỉnh miền Trung đã xẩy ra. Điều đó, đã khiến cho hàng ngàn gia đình, hàng vạn người lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, không còn cơm ăn áo mặc, không thuốc thang, không nơi nương tựa… Đứng trước những hoàn cảnh, những mảng đời bi thảm đó, thì đã có biết bao đoàn cứu trợ gởi đến, hoặc trực tiếp đến miền Trung để chia sẻ “nắm cơm manh áo” với đồng bào miền Trung ruột thịt. Đó là do lòng yêu thương của biết bao người, bao gia đình, bao đoàn hội cùng một tiếng lòng, cùng một nhịp đập, cùng một tiếng nói là bác ái yêu thương, như đáp lại lời mời gọi của chính lương tâm chân chính của mình, và sự chỉ dạy của ông cha ta: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn” và “ Lá lành đùm lá rách”…Bác ái, đúng là đã làm ấm tình người!
Hoạt động bác ái trên thế giới ngày càng lớn mạnh: quĩ Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) được thành lập năm 2000 bởi Bill Gates và Melinda Gates. Năm 2016 quĩ có 31, 8 tỉ USA, thì đến năm 2018 có tới 46,8 tỉ USA. BMGF hoạt động về các lãnh vực: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đẩy lùi nghèo đói (Wikipedia)
Caritas Internationlis (Caritas quốc tế) thành lập năm 1897, đến nay đã có 164 tổ chức hoạt động trên 200 quốc gia…là một tổ chức quốc tế cứu trợ nhân đạo và phục vụ phát triển xã hội của Giáo hội Công giáo Rôma…
Bác ái, đúng là mênh mông như biển trời, biết làm sao mà nói hết trong khuôn khổ một vài một vài trang giấy. Tôi xin kết bằng một câu chuyện nhỏ sau đây.
Bác ái chạm tới trái tim con người!
Trong tác phẩm văn học mang tính sử thi của đại văn hào Victor Hugo (1802-1885), tác phẩm “Chín Mươi Ba”, tác phẩm vĩ đại cuối cùng ông được viết vào năm 1874. Tác phẩm đã dựng lại cuộc cách mạng tư sản đẫm máu đầu tiên của loài người đã xẩy ra tại Pháp năm 1793, giữa chế độ quân chủ và cách mạng cộng hòa Pháp. Sau khi vua Loui XVI bị chính quyền cộng hòa chém đầu. Châu Âu liên kết chống lại nền cộng hòa non trẻ của Pháp, đứng đầu là hầu tước sắt đá Lantenac mới từ biển đổ bộ vào. Từ Paris, chính quyền cộng hòa cử Cimourdain, một lão thành cách mạng vốn từng là một linh mục, cùng vị chỉ huy truỏng đoàn quân là Gauvain, một người cách mạng trẻ đầy nhiệt huyết. Một bi kịch đã xẩy ra là Gauvain vừa là học trò của Cimourdain, lại vừa là cháu ruột của hầu tước Lantenac. Quân cộng hòa bủa vây, Lantenac rút lui, rồi cố thủ trong một tòa nhà kiên cố giữa khu rừng hoang vắng. Lantenac đã tìm được một đường hầm bí ẩn để trốn thoát từ lâu đài ra khu rừng. Giữa lúc đó, thì tiếng khóc kêu thất thanh của một bà mẹ khi thấy ba đứa con của mình sắp bị thiêu sống trong đám lửa vừa cháy trên tầng cao của tòa nhà. Thay bằng bỏ trốn cùng đám thuộc hạ, thì hầu tước, vị chỉ huy Lantenac đã tìm cách cứu sống được ba cháu bé.
Một chiếc thang cứu sống ba cháu bé, thì cũng chiếc thang đó dẫn Lantenac đến nộp cho quân cách mạng cộng hòa, và chờ 24 giờ sau lên máy chém. Gauvain đã bị khuất phục trước nghĩa cử vô cùng nhân đạo, bác ái của người ông, đang là kẻ thù số một, không đội trời chung của mình. Việc làm của Lantenac đã chạm đến trái tim của Gauvain, vì thế, ông đã có một quyết định rất táo bạo!… Đổi mạng sống…
Bác ái – làm ấm áp tình người, và bác ái cũng chạm tới trái tim con người. Đúng là: “Lời nói thì lung lay, gương lành thì lôi kéo” .,.
Inhaxio Đặng Phúc Minh