skip to Main Content

TÌNH YÊU “MẤT TRÍ”

23.1

Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mùa Quanh Năm

Dt 9:2-3,11-14; Tv 47:2-3,6-7,8-9; Mc 3:20-21

TÌNH YÊU “MẤT TRÍ”

Trải qua hơn hai ngàn năm, tình yêu Giêsu vẫn còn mãi tiếp tục trải rộng nơi những con người biết đón nhận và tin tưởng vào tình yêu của Người. Tình yêu đó ngời sáng trong đêm tối của nhân loại như tình của các bậc quân vương (vua Luy), nữ hoàng (Elisabeth) đã không kể danh vọng địa vị để phục vụ người nghèo, hoặc tình của một Mac-ti-nô vị tông đồ bác ái không mệt mỏi, hay gần chúng ta nhất –  tình của Tê-rê-sa Cancutta mẹ của những người hấp hối cùng khổ và được cả thế giới gọi là mẹ…. và còn rất nhiều nữa những con người mang trong mình tình yêu Giê-su, sẵn sàng hiến cả cuộc đời để phục vụ và mang hạnh phúc cho tha nhân, cho thế giới đang quay quắt trong đau khổ, hận thù, ích kỷ và bị chìm đắm trong những đam mê dục vọng và giả dối sai lầm.

Tin mừng hôm nay dù vỏn vẹn có hai câu, nhưng lại phản ánh cách rõ ràng mầu nhiệm hủy mình ra không của Chúa Giêsu vì ơn cứu chuộc con người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ.

Cụ thể, Chúa vừa cùng với các môn đệ trở về sau chuyến đi rao giảng Tin mừng cho đám dân chúng bơ vơ, vất vướng, chưa kịp ăn uống, nghỉ ngơi gì, thì những người họ hàng tới để bắt Ngài đưa về nhà vì nghĩ rằng Ngài bị mất trí.

Nếu ta nhìn vào công việc của Chúa Giêsu chỉ bằng con mắt trần gian, xác thịt thôi, thì chắc chắn ta cũng giống như những người họ hàng của Ngài, nghĩa là ta cũng dễ dàng cho rằng Ngài đã mất trí. Thật vậy, theo lẽ tự nhiên, chắc chắn chẳng ai dại gì mà lại từ bỏ cuộc sống an toàn, thoải mái với công việc ổn định của mình để chọn cho mình một cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó và gặp đủ thứ khó khăn, chống đối bởi người đời.

Nhưng nếu nhìn bằng con mắt đức tin, ta thấy mọi việc Chúa làm sẽ khác. Chúa đã chấp nhận một cuộc sống bấp bênh đến nỗi “con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” là vì phần rỗi của bao lớp dân nghèo. Vì họ mà Ngài chấp nhận sự chống đối của giới lãnh đạo tôn giáo Do thái và sự hiểu lầm của những người thân trong họ hàng, gia tộc. Ngài đã hy sinh tất cả – từ sự yên ổn của cuộc sống với miếng ăn, giấc ngủ đến sự an toàn về tính mạng – để dấn thân vì sứ vụ loan báo Tin mừng Nước Trời cho những người nghèo khó, tất bạt.

Ta thấy chính vì tình yêu cuồng si đối với con người đã khiến Chúa Giêsu – một vị Thiên Chúa –  từ bỏ trời cao để trở thành một con người bình thường, thậm chí là tầm thường, cúi mình trước những tạo vật thấp hèn để cứu vớt, xoa dịu và nâng họ lên hàng con cái Thiên Chúa.

Chúa Giêsu có bị mất trí như người ta nghĩ? Chắc chắn là không. Nhưng nếu nói yêu là điên dại, theo nghĩa vì yêu thương mà trao trọn bản thân mình cho người khác, thì trong số những người điên dại này, người điên dại nhất chính là Chúa Giêsu. Cả cuộc đời Người sống nghèo khó, lang thang đó đây để rao giảng và bị bách hại để rồi cuối cùng chết nhục nhã trên thập giá vì yêu thương con người, cả những người không đáng được yêu, Người càng yêu thương họ hơn.

Thật thế, chính những gì người thân nói Chúa Giêsu bị mất trí hay “lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đường hư mất” (1Cr 1, 18) thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa và là ơn cứu độ cho con người. Sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Thiên Chúa ẩn sau sự mất trí và điên dại của Đức Giêsu trên thập giá.

Chúa Giêsu – ‘Kẻ mất trí’, khi Người quá say mê miệt mài để chăm sóc đoàn chiên không người chăn dắt, chạnh lòng thương đám dân khốn khổ, nghèo hèn, những kẻ bị gạt ra lề xã hội, cho dẫu lắm phen họ phản bội Người; Người lang thang trên mọi đường phố, làng mạc Palestina để mang Tin mừng cứu độ không giờ ăn ngủ nhất định, không cả hòn đá tựa đầu.

Chúa Giêsu – ‘Kẻ mất trí’, cúi xuống rửa chân cho môn đệ như một người nô lệ và bày tỏ tâm tình yêu thương cho dẫu biết rằng chỉ một lát nữa thôi họ sẽ bỏ Người mà trốn chạy trong cơn quẫn bách; Người tha thiết cầu xin ơn tha thứ cho kẻ vu cáo, lên án, hành hạ, cười nhạo và giết chết Người trên cây thập giá.

Là những tín hữu của Chúa, nếu vì biểu lộ đức tin của mình qua những chọn lựa cụ thể trong cuộc sống mà ta bị người đời, thậm chí cả những người nhà chống đối, thì ta biết rằng ta đang được rập đời mình theo khuôn mẫu mầu nhiệm thánh giá cứu chuộc của Chúa. Con đường thênh thang chiều theo những sở thích, dục vọng xác thịt, thế gian là con đường dẫn đến sự hư mất đời đời. Còn con đường hẹp với những khốn khó, thử thách tư bề, thậm chí là khổ đau và nước mắt vì niềm tin vào Chúa, thì ta biết rằng con đường đó là con đường dẫn tới sự sống muôn đời.

Mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi trở thành những người “điên dại vì tình yêu” theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu. Trở thành chứng nhân của Chúa qua đời sống khiêm nhường và yêu thương, quảng đại dâng hiến đời mình, hăng say nhiệt thành đem Tin Mừng đến những vùng ven của cuộc đời, của xã hội, vv. để mọi người được đón nhận tình yêu và ơn cứu độ của Chúa.

 

Back To Top