skip to Main Content

Các Quan niệm về trẻ em

Các Quan niệm về trẻ em

1. Các tư tưởng cổ xưa và phong kiến về trẻ em

Từ xa xưa, cả ở phương Đông và phương Tây, vấn đề bản tính trẻ em và giáo dục trẻ em đã được xã hội đặt ra và tìm cách giải quyết. Tuy đã có nhiều quan niệm khác nhau nhưng đại đa số đều cho rằng, bản tính (tốt hay xấu) của trẻ em từ khi mới sinh ra đã có sẵn, trẻ em và người lớn chỉ khác nhau về lượng chứ không khác nhau về chất. Do quan niệm như vậy nên trong suốt thời kỳ phong kiến, trẻ em được đối xừ như một “người lớn thu nhỏ”, mọi sinh hoạt và phương tiện sinh hoạt đều rập theo khuôn mẫu người lớn (nhưng có kích cỡ nhỏ hơn). Trẻ em cùng được lao động, sản xuất, ăn uống, vui chơi, hội hè bên cạnh người lớn mà không được quan tâm chăm sóc và giáo dục riêng.

2. Các quan niệm và nghiên cứu về trẻ em từ thế kỷ XVII

Bước sang thế kỷ XVII, ở phương Tây xuất hiện hai khuynh hướng giải quyết vấn đề về bản tính trẻ em và giáo dục trẻ em:

Khuynh hướng thứ nhất là quan điểm của các nhà triết học duy cảm Anh thế kỷ XVII – XVIII, họ cho rằng trẻ em thụ động trước tác động của môi trường vì thế họ đề cao quá mức vai trò của môi trường xã hội đối với sự phát triển tâm lý của trẻ em.

Khuynh hướng thứ hai quan niệm ngược lại rằng, trẻ em tích cực trước tác động của môi trường. Đại biểu của khuynh hướng này là nhà văn, nhà triết học lớn người Pháp J.J. Rousseau (1712 -1778). ông quan niệm rằng trẻ em và người lớn khác nhau không chỉ về lượng mà còn về chất, “trẻ em có những cách nhìn, cách suy nghĩ và cảm nhận riêng của nó. Ông cho rằng trẻ em từ khi mới sinh ra đã có những khuynh hướng tự nhiên và tích cực, chúng tham gia tích cực vào việc hình thành trí tuệ và nhân cách của mình như một nhà thám hiểm bận rộn, biết phân tích và có chủ định. Mọi sự can thiệp của người lớn vào sự phát triển tự nhiên của trẻ đều có hại. Vì vậy ông đề nghị nên có một nền giáo dục xã hội theo nguyên tắc tự nhiên và tự do cho trẻ. Tuy nhiên, ông chưa đi sâu vào nghiên cứu về trẻ em, chưa cho chúng ta hiểu biết nhiều về trẻ em.

3 Quan niệm duy vật biện chứng về trẻ em

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX Tâm lý học lứa tuổi ra đời và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt dòng Tâm lý học hoạt động ra đời đã giúp ta nhìn nhận rõ hơn về bản tính trẻ em và cách thức giáo dục trẻ em. Những nhà Tâm lý học hoạt động khẳng định rằng:

Trẻ em và người lớn khác nhau cả về lượng và chất (khác nhau cả về mặt hình thức lẫn nội dung). Trẻ em có đặc điểm tâm lý riêng của trẻ em, những đặc điểm tâm lý này vận động và phát triển theo quy luật riêng của trẻ em, cũng như người lớn vận động và phát triển riêng theo quy luật của người lớn. Vì thế người lớn không phải lúc nào cũng có thể hiểu được suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm,… của trẻ mặc dù người lớn cũng đã trải qua thời thơ ấu và thời niên thiếu như trẻ em. Người lớn muốn dạy học và giáo dục trẻ em thì cần phải có ngôn ngữ và cách thức riêng để giao tiếp với trẻ.

Trẻ em là con đẻ của thời đại. Thời đại nào thì sẽ sản sinh ra trẻ em của thời đại đó. Những thành tựu trong tâm lý học đại cương đã khẳng định, tâm lý người có nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội. Con người sống trong thời đại nào thì tâm lý sẽ chịu sự chế ước của các điều kiện xã hội (kinh tế, chính trị, pháp quyền…) của thời đại đó, vì vậy trẻ em thế hệ ngày hôm ngy sẽ khác với trẻ em thế hệ trước. Vì vậy, muốn nghiên cứu trẻ em không được nghiên cứu trẻ em một cách chung chung trừu tượng, mà phải nghiên cứu trẻ em trong những điều kiện xã hội cụ thể.

Trẻ em là một thực thể đang phát triển. Trẻ em là những con người đang trường thành, tâm sinh lý đang phát triển mạnh mẽ. Tốc độ và cường độ phát triển về tâm sinh lý ở trẻ em mạnh hơn tất cả các giai đoạn lứa tuổi khác. Do các em chưa trưởng thành về tinh thần và thể lực nên cần phải có người bảo hộ và chăm sóc đặc biệt, các em cần phải được dạy học và giáo dục để trưởng thành.

Trẻ em là một thực thể tích cực trước tác động của môi trường. Trẻ em không thụ động trước tác động của người lớn mà trẻ em luôn tích cực, chủ động trong mọi hành vi và hoạt động, vì vậy người lớn phải có những phương pháp giáo dục phù hợp nhằm phát huy tính tích cực của trẻ em.

 

Back To Top