Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Vào sa mạc
26.2. Chúa Nhật Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay
St 2:7-9; Tv 51:3-4,5-6,12-13,14-17; Rm 5:12-19; Rm 5:12,17-19; Mt 4:1-11
Vào sa mạc
Hôm nay là Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay. Tất cả lời Chúa hôm nay gồm tóm trong câu Chúa tuyên bố trong bài Phúc âm: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Trước hết, thời giờ đã mãn, Nước Trời sắp đến. Mùa Chay là mùa hy vọng, mùa tình thương. Thánh Phaolô, trong Thư gửi Giáo đoàn Roma, đã nói lên một câu khiến cho chúng ta tràn đầy hy vọng: “Ở đâu tội lỗi tràn ngập thì ơn Chúa đã dồn mọi người hết thảy vào đàng bất tuân (tội lỗi), ngõ hầu Người dủ lòng thương hết mọi người” (Rom 11, 32).
Thánh Phêrô nói như một bài giáo huấn cho tân tòng sắp chịu phép rửa tội, cũng nói lên ơn cứu chuộc tràn đầy rằng: “Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta… thay cho chúng ta là kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa.” Ám chỉ phép rửa tội, Thánh Tông đồ nhắc lại sự tích ông Noe xưa, vâng lời Chúa đóng một chiếc tàu giữa tiếng bàn tán, dị nghị, chế riễu, nhưng nhờ đó mà gia đình ông được cứu sống. Thì ngày nay, nhờ phép rửa tội chúng ta cũng được cứu thoát, nhờ công nghiệp Chúa Kitô phục sinh. Ngài đã thắng sự chết và tội lỗi để ban cho chúng ta sự sống của chính Thiên Chúa. Ở đâu tội lỗi tràn ngập thì ơn Chúa cũng tràn đầy.
Trong ba tường thuật của Phúc Âm nhất lãm về việc Chúa bị ma quỉ cám dỗ, Phúc Âm của Marcô ngắn gọn và chỉ có ý đưa dẫn đến sứ vụ Tông đồ của Chúa. Ngài chỉ viết: “Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Ngài ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu sata cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Ngài”.
Hoang địa hay sa mạc là chốn thinh không, là nơi không có tiếng nói ngoài tiếng gió vi vu hay tiếng kêu cầm thú. Một nơi im lặng nhưng không phải là không có tiếng kêu cầm thú. Một nơi im lặng nhưng không phải là không có tiếng nói và có nhiều thứ tiếng nói sẽ vọng lên. Tiếng nói của chính lương tâm mình, tiếng nói của dĩ vãng, của một đoạn đời đã qua, một khoảng đời sắp tới. Nhất là tiếng nói của Chúa, vì “Người thích nói trong im lặng”. Vì thế, ngày xưa bao nhiêu vị Thánh đã vào trong hoang địa Thebes bên Ai cập để sống đời khổ tu, hoặc như Thánh Hiêrônimô xa lánh sự ồn ào thành phố Lamã để vào trong sa mạc gần Nagiarét suy niệm Thánh Kinh.
Nhưng hoang địa cũng là nơi thần bí, như lời Chúa phán: “Khi tà thần ra khỏi người nào, thì nó đi dong dài những nơi khô cháy tìm chỗ nghỉ ngơi…”. Trong chốn thinh không im lặng, ma quỉ thường hay hoạt động, quấy phá. Ma quỉ đã hiện ra nhiều lần dưới nhiều hình quái ghê sợ để buộc Thánh Antôn bỏ cuộc nhưng ngài đã xua đuổi và trở nên tổ phụ đời sống tu trì. Về đêm, trong im lặng, ma quỉ quấy phá Thánh Vianney trong 35 năm.
Sở dĩ như vậy vì trước đây, Marcô nói, “Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Ngài ở đó bốn mươi đêm ngày, chịu satan cám dỗ”. Vị Thánh Sử không nói đến diễn tiến của cuộc cám dỗ nhưng chúng ta cũng hiểu được qua các cuộc đương đầu với ma quỉ trong khi Ngài ra giảng đạo. Marcô còn thêm một chi tiết: Ngài sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Ngài. Phải chăng Marcô muốn ám chỉ quang cảnh an bình mà Chúa Giêsu, vị Adam mới, đã sống. Ngài đã toàn thắng con rắn hoả ngục dữ tợn muốn cám dỗ Ngài bỏ cuộc, và mở cửa trời cho chúng ta vào hưởng hạnh phúc với các Thiên Thần.
Hôm nay cùng với Chúa Giêsu, chúng ta đi vào sa mạc của chúng ta. Không phải sa mạc của muôn thú và quỷ ma, nhưng là sa mạc của tâm hồn chúng ta. Theo Kinh Thánh, sa mạc là nơi thoát tục để con người gặp gỡ và sống thân mật với Thiên Chúa tình yêu. Ngôn sứ Hôsê đã diễn tả ý nghĩa của sa mạc rất đúng khi ông viết: “Thiên Chúa phán: Ta sẽ dẫn người yêu của Ta vào sa mạc, để ở đó Ta thủ thỉ với nàng” (Hs 2,16). Sa mạc là nơi sống gần gũi với Thiên Chúa, sống trong tình thân mật của Ngài. Vì thế, chúng ta hãy bịt tai trước những tiếng ồn ào bên ngoài, những lời xúi giục, dụ dỗ của Satan.
Ngày nay và hằng ngày vẫn luôn có những tiếng xúi giục như vậy. Đừng tưởng chỉ có tiếng nói bên ngoài, tiếng của Satan có thể nói lên ngay trong tâm hồn chúng ta. Nó xúi giục chúng ta đừng sống theo Lời Chúa. Sống theo Tin Mừng sẽ thiệt thòi lắm! Sống như người ta, làm như người đời, dễ biết bao, lợi biết mấy! Nhưng nghe theo những tiếng xúi giục ấy là phản bội Chúa, là từ bỏ Chúa, là lựa chọn không đi theo Chúa nữa. Như thế là lại rơi vào số phận khốn khổ của Ađam khi xưa, của dân Do Thái ngày trước. Tất cả đã sa ngã trước thử thách. Chúng ta hãy theo gương Chúa Giêsu, chọn tình Chúa làm hạnh phúc, lấy Lời Chúa làm lẽ sống, làm sức mạnh, để chiến thắng tội lỗi và sống gắn bó với Thiên Chúa.
Bắt đầu Mùa Chay thánh, chúng ta cũng đang được Thần Khí đẩy vào “hoang địa” để thực hiện cuộc xuất hành của chính mình và của cộng đoàn mình. Đối với tuyệt đại đa số chúng ta, đây sẽ không phải là một hoang địa theo nghĩa nơi chốn địa dư, mà là theo nghĩa biểu tượng – thần học. Đó là nơi chúng ta thực hiện cuộc hành trình đời mình như dân Israel xưa thực hiện cuộc hành trình đi từ cõi nô lệ Ai Cập về miền đất hứa “chảy tràn sữa và mật”. Đó là nơi xảy đến cuộc xuất hành của chúng ta, cuộc xuất hành đưa chúng ta vào trong đất hứa là Nước Thiên Chúa. Hoang địa, theo nghĩa đó, là chính môi trường sống và làm việc cụ thể của chúng ta trong hiện tại.
Sau cùng, lời rao giảng của Chúa Giêsu gồm tóm trong hai điểm: Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Ta phải ăn năn sám hối tội lỗi. Đó là phần tiêu cực của mọi cuộc trở lại. Nhưng không phải chỉ có thế, có biết bao nhiêu đạo giáo còn đòi hỏi sự hảm mình phạt xác hơn chúng ta. Nhưng điều tích cực là TIN vào Chúa Kitô, chỉ có Chúa mới có thể cứu vãn chúng ta. Đức tin và sám hối là hai yếu tố của mọi cuộc trở lại.