Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Tỉnh Thức Chờ Chúa
17 13 Tr Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên.
Thánh nữ Ê-li-sa-bet nước Hung-ga-ri, lễ nhớ.
2Mcb 7,1.20-31; Lc 19,11-28.
Tỉnh Thức Chờ Chúa
Thánh Ê-li-sa-bết sinh năm 1207, là con của vua An-rê thứ 2, nước Hun-ga-ri. Ngài đã được hưởng giàu sang chức tước ở đời, nhưng cũng phải gặp nhiều gian nan thử thách.
Lên 4 tuổi, theo phong tục thời đó, thánh nữ đã được cha mẹ đính hôn với hoàng tử Lu-y miền Tu-rin-gen, và năm 14 tuổi, ngài đã thành hôn với Lu-y, lúc đó đã lên ngôi vua.
Hai vợ chồng chung sống thật hạnh phúc, và cùng nhân đức sốt sắng, cùng chung lý tưởng bác ái yêu người.
Đặc biệt thánh nữ rất thương người nghèo khổ bệnh tật. Ngài thương yêu chăm sóc họ như lo cho Chúa. Có thể nói ngài coi họ như Chúa Giê-su. Chính Linh mục Con-ra-đô là cha linh hướng của ngài đã minh chứng: “Ê-li-sa-bết bắt đầu nổi tiếng nhân đức. Suốt đời bà đã là người an ủi những người nghèo khó; nhưng bây giờ bà hoàn toàn bắt đầu trở thành vị cứu tinh của kẻ đói ăn. Bà ra lệnh xây cất một bệnh viện gần một lâu đài của mình; và tại đó, bà đã đón nhận nhiều người đau đớn và tàn tật; bà đã làm các việc từ thiện một cách quảng đại, đối với tất cả mọi người đến xin của bố thí ở đây cũng như trong toàn lãnh thổ thuộcquyền cai trị của chồng bà; bà đã phát hết hoa lợi do bốn hầu quốc của chồng bà cống hiến, đến nỗi sau cùng phải bán cả trang sức và y phục quý giá để giúp người nghèo”.
“Bà có thói quen mỗi ngày 2 lần, sáng và chiều đích thân đến thăm hỏi tất cả những bệnh nhân của bà, cũng như đích thân săn sóc những kẻ ghê tởm nhất trong bọn họ, cho họ ăn, giúp họ ngủ, cõng họ đi, cùng làm nhiều việc nhân đạo khác. Tất cảnhững việc nầy không làm phật ý chồng bà chút nào. Ông cũng là người đáng ghi nhớ…”
Trong số những người bệnh tật, thánh nữ thương mến các kẻ bị bệnh phong cùi hơn hết. Hằng ngày thánh nữ chăm sóc họ, lau rửa các vết lở loét cho họ. Ngài săn sóc cách riêng một trẻ nhỏ bị cùi trong nhà, đặt nằm ngay trên giường của Ngài…
Nhưng Chúa thường cho những kẻ Người thương được vác khổ giá với Người, để họ nên giống Người hơn, nhất là để cho họ được xứng đáng thông phần vinh hiển với Người. Năm 1227, chồng ngài đi chiến đấu bảo vệ Thánh Địa với Đạo Binh Thánh giá đã bị tử trận. Nghe tin như sét đánh!… Ngài đau khổ như muốn điên lên!… Nhưng rồi thánh nữ cũng chấp nhận hy sinh, sẵn lòng vâng theo Thánh ý.
Đau khổ mất chồng chưa kịp nguôi, thì gian nan khác dồn dập trút xuống thánh nữ ! Người em trai của chồng ngài lên chiếm ngôi vua, đuổi ngài và các con ra khỏi hoàng cung, lại cấm dân chúng không cho ngài trú ngụ. Ngài phải dẫn con đi lang thang rày đây mai đó, tá túc trong chuồng nuôi súc vật, hằng ngày đi ăn xin để nuôi con…
Khốn khổ tột cùng, nhưng thánh nữ cũng một lòng tin tưởng phó thác.
Song Chúa không bỏ kẻ kiên tâm vững dạ trông cậy Người. Khi đoàn Thập Tự Chinh trở về, họ bắt buộc em chồng ngài phải trả ngôi vua lại cho cháu là con của ngài. Thế là thánh nữ được khải hoàn trở lại hoàng cung, triều thần đón rước long trọng, dân chúng nhiệt liệt hoan nghênh…
Nhưng ngài không màng tới những bả danh vọng phù hoa đó. Ngài từ bỏ tất cả, đến sống trong một căn nhà lụp xụp gần tu viện thánh Phan-xi-cô, và xin nhập Dòng Ba, sống trọn đời hy sinh vì Chúa vì người nghèo, như lời Cha linh hướng của ngài nói: “Trước lúc bà chết, tôi đã giải tội cho bà. Tôi hỏi bà định thế nào về tài sản và động sản của bà, bà trả lời rằng tất cả những gì bà có thì thuộc về người nghèo và bà xin tôi phân phát tất cả cho họ, trừ chiếc áo dài tồi tàn mà bà vẫn mặc, và bà muốn được khâm liệm với chiếc áo dài đó. Sắp đặt xong mọi việc, bà đã rước Mình Thánh Chúa; và cho đến giờ kinh chiều, bà năng nói về những điều hay nhất mà bà đã nghe được trong các bài giảng, rồi rất sốt sắng, bà phó mọi người xung quanh cho Chúa và trút hơi thở cuối cùng một cách êm ái như ngủ đi vậy…”
Đó là ngày 17 tháng 11 năm 1231. Và năm 1235, Đức Thánh Cha Ghê-gô-ri-ô thứ 9 đã tôn phong thánh nữ lên hàng Hiển thánh.
Dụ ngôn nén bạc mời gọi mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm với tư cách là người có niềm tin. Ðức tin không là nén bạc để được cất giữ, nhưng phải được đầu tư để phát triển, sinh lợi. “Một đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Nếu chúng ta chỉ đóng khung cuộc sống đạo trong bốn bức tường nhà thờ, nếu chúng ta chỉ giản lược đức tin vào những biểu dương bên ngoài, nếu đức tin chỉ là một mớ những giáo điều phải tin, những điều răn phải giữ, thì quả thực chúng ta đang chôn chặt đức tin như gia nhân đã chôn nén bạc mà chủ đã trao: chúng ta có giữ đạo, nhưng chưa thực sự sống đạo.
Cuộc đầu tư nào cũng bao hàm những bất tất, rủi ro; một đức tin sống động cũng hàm chứa nhiều hy sinh, mất mát. Nhưng chúng ta tin rằng chính lúc chúng ta mất mát là lúc chúng ta được lợi lộc, chính lúc chúng ta quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi được vui sống. Ðó phải là bài trường ca trong cuộc sống của chúng ta.
Đừng để cho những đam mê lạc thú bất chính, những nhu cầu của thể xác như cơm, áo, gạo, tiền… chi phối chúng ta, làm cho chúng ta quên đi cùng đích cuộc đời của mình là về Nhà Cha trên trời. Trong khi chờ đợi ngày ấy, chúng ta cần phó thác cuộc sống trong tay Chúa Quan Phòng và ưu tiên tìm kiếm Nước Trời như Lời Chúa phán: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?” (Mt 6,31). Vậy “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33)
Tỉnh thức là không “chè chén say sưa”,nghĩa là không quá mê đắm hưởng thụ các đam mê vật chất đời này. Tỉnh thức là không “lo lắng sự đời”, nghĩa là không mê say tìm kiếm những giá trị tạm bợ ở đời này là danh, lợi, thú. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Tỉnh thức là tuy đang còn sống trong thế giới vật chất hiện nay nhưng tâm hồn phải hướng về những giá trị thiêng liêng vĩnh cửu đời sau.