skip to Main Content

TIN VÀO CHÚA

26  17  X  Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên.

(Tr) Lễ Đức Mẹ ngày thứ Bảy.

Thánh Đa-minh Minh (Dominicus Henarés), Giám mục (U1838); và Thánh Phan-xi-cô Đỗ Văn Chiểu, Thầy giảng (U1838), Tử đạo.

St 18,1-15; Mt 8,5-17.

TIN VÀO CHÚA

Cuộc đời Chúa Giêsu là biểu tượng của tình yêu và lòng thương xót, từ hành động đến lời nói, đều thể hiện lòng thương yêu, xót thương thế giới nhân loại tội lỗi.

Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ mình trở nên con người hèn mọn để gánh lấy những đớn đau, khổ cực của họ. Người không chỉ chữa lành cho những người như người đầy tớ của viên đại đội trưởng người La Mã, bà mẹ vợ ông Phêrô hay tất cả người người bị quỷ ám, bệnh tật được mang đến mà hơn thế nữa, Người đã chịu chết một cách tủi nhục trên thập tự giá để gánh lấy mọi tội lỗi, đau thương của nhân loại. Con người thật sự không thể tưởng tượng được Đấng Chí Thánh lại làm thế vì họ, nhưng Người đã làm như thế.

Chúa Giêsu mới chữa cho một người phong bằng một tiếp xúc gần, nay Ngài lại chữa lành cho một người bị đau liệt ở xa. Người được khỏi chính là đầy tớ thân tín của viên đại đội trưởng. Con người sống gắn bó với nhau bằng những mối dây. Viên đại đội trưởng là chủ, nhưng ông cảm được nỗi đau của anh đầy tớ: “Đầy tớ của tôi bị liệt nằm ở nhà, đau đớn kinh khủng” (c. 6). Người đầy tớ được khỏi là nhờ tình thương của chủ đối với anh, chính ông đã đi gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho anh đầy tớ (c. 5). Và chính lòng tin của ông đối với Đức Giêsu đã khiến anh được khỏi (c. 10).

Những điều tốt lành của Thiên Chúa vẫn đến với ta qua người khác. Khi Chúa Giêsu nghe lời kêu xin, thì Ngài sẵn sàng lên đường ngay (c. 7), dù biết rằng nhà của viên đại đội trưởng là nhà dân ngoại, bị coi là ô uế. Có thể vì sợ Ngài bị ô uế mà ông ta đã can ngăn bằng câu nói nổi tiếng: “Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời, đầy tớ tôi sẽ được khỏi bệnh” (c. 8). Ông ý thức về sự bất xứng của mình, của căn nhà mình ở. Và ông xác tín vào sức mạnh của việc “Ngài chỉ nói một lời.” Viên đại đội trưởng nhận mình là người có quyền. Uy quyền của ông nằm trong lời ông ra lệnh cho cấp dưới (c. 9). Ông tin lời của Chúa Giêsu cũng có uy quyền như vậy.

Chỉ một lời ra lệnh của Ngài cũng đủ đẩy lui bệnh tật và thần dữ. Đức Giêsu ngây ngất trước lòng tin của viên sĩ quan dân ngoại, một lòng tin vừa mạnh mẽ, vừa khiêm tốn. Một lòng tin như thế, Ngài chưa từng gặp nơi dân Ítraen (c. 10). Chúa Giêsu nghĩ đến ngày cánh chung, quanh bàn tiệc Nước Trời, có bao người đến từ muôn phương, những kẻ không phải là người Do thái. Họ làm nên một cộng đoàn mới gồm những kẻ tin vào Ngài. Họ vui sướng được ngồi bên các tổ phụ và những người Ítraen chân chính.

Chúa Giêsu cho thấy dòng lịch sử đang đi vào ngã rẽ quan trọng. Ơn cứu độ phổ quát do Ngài đem lại được mở ra cho mọi người. Chỉ ai cố tình chối từ Tin Mừng Nước Trời mới bị loại (c. 12). Chúa Giêsu không chỉ rao giảng Nước Trời bằng lời. Ngài còn chứng minh Nước Trời đã đến bằng bao việc tốt lành, kỳ diệu. Lời Ngài giảng cũng là lời chữa cho người phong, cho tên đầy tớ. “Ngài nói một lời là trừ được các thần dữ” (c. 16). Lời uy quyền khi giảng cũng là lời uy quyền khi chữa bệnh. Nhưng Chúa Giêsu cũng đụng chạm đến nỗi đau của con người. Ngài đụng đến người phong, và đụng đến bàn tay mẹ vợ ông Phêrô (c. 15).

Hôm nay ta có cơ hội để chúng ta nhìn lại đức tin của mình trong đời sống hằng ngày. Đôi khi chúng ta tự hào về đức tin của mình, của cộng đoàn, bằng những cuộc lễ rước long trọng, sôi động và đông đảo, và tốn kém. Thế nhưng chúng ta lại không thương xót anh em bị bỏ rơi bệnh tật, không dấn thân phục vụ công tác tông đồ, và không quảng đại với những người đang đói kém. Vì thế trong năm thánh Đức Tin này, người kitô hữu hãy chứng thực mình có đức tin tốt qua chính cái tâm tôt của mình trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Tin mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đã thể hiện rõ nét đời sống yêu thương, sự thương cảm nỗi đau khổ, vất vả của con người trước bệnh hoạn, tật nguyền. Chúa thông cảm với viên đại đội trưởng và ông Phêrô với nỗi khổ, về bệnh tật của người thân. Chính niềm tin của họ đã được Chúa chập nhận, và cứu chữa cho người thân của họ được khỏi bệnh.

Thế giới ngày nay vẫn còn nhiều người gặp phải đau khổ, bất hạnh, gian truân, sóng gió về cuộc sống.  Người ta cảm thấy mình bất lực, yếu đuối, muốn buông xuôi trước lối sống đầy bon chen, cạm bẫy, tham lam của người đời, khi chỉ biết đề cao cái tôi cá nhân, thờ ơ, lãnh đạm, chểnh mảng lòng yêu thương, thương xót dành cho nhau. người ta tìm mọi cách lừa dối người khác, để thu vén, trục lợi riêng, hạ bệ uy tín, nhân phẩm của nhau chỉ vì cái lợi trước mắt dành cho mình. Đó là những thứ bệnh làm dơ bẩn tâm hồn cần được chữa lành.

Vì thế, Chúa muốn mỗi người thể hiện niềm tin, với tâm hồn khiêm nhường, tin tưởng, phó thác cuộc đời mình vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài sẽ giúp chúng ta thoát khỏi bệnh tật của đời sống ích kỷ, thiếu lòng bác ái, bao dung, quảng đại với anh em. Từ đó, chúng ta sẽ được lành sạch với tâm hồn đạo đức, thánh thiện, biết hy sinh, chia sẻ lòng thương xót, tình thương của mình dành cho tha nhân qua những anh chị em đang nghèo khồ, bất hạnh, đói khát về tình thương trong xứ đạo và xã hội với một tình yêu vô vị lợi như Chúa đã yêu thương mỗi người.

 

 

 

Back To Top