skip to Main Content

SỐNG BÍ TÍCH THANH TẨY

9.1.2022

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Is 55:1-11; Is 12:2-3,4,5-6; 1 Ga 5:1-9; Mc 1:7-11

SỐNG BÍ TÍCH THANH TẨY

Lễ nghi của phép rửa tội là một lễ nghi tuyệt đẹp. Khi lãnh nhận phép rửa tội, chúng ta được chính thức nhận một tên, và được đón tiếp vào gia đình của dân Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện thật đáng yêu được đọc lên cho chúng ta. Thân thể chúng ta được ghi dấu thánh giá, dấu hiệu tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta. Nước được đổ xuống trên chúng ta. Nước là biểu tượng của sự tẩy rửa, chúng ta được tẩy rửa khỏi tội lỗi. Nhưng đặc biệt hơn, nước còn là biểu tượng của sự sống. Trong phép rửa tội, chúng ta được chia sẻ sự sống không thể chết được của Thiên Chúa.

Gioan xuất hiện, dân chúng kéo đến nghe ông giảng và chịu phép rửa. Trong cả xứ nổi lên một cuộc phục hưng chưa từng có, một phong trào quay về với Thiên Chúa. Khi thấy điều đó, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã điểm. Không phải Ngài cảm biết tội lỗi và ăn năn, Ngài biết rằng hiện giờ Ngài phải đồng hoá mình với phong trào quay về với Thiên Chúa này. Đổi với Chúa Giêsu, sự xuất hiện của Gioan là một tiếng kêu gọi của Thiên Chúa và hành động, và hành động thứ nhất của Ngài là đồng hoá mình với dân chúng trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Nhưng trong lễ rửa của Chúa Giêsu có một sự kiện xảy ra.

Trước khi Ngài có thể quyết định về bước quan trọng này, Ngài phải biết chắc mình làm việc phải lẽ; và trong lúc Ngài chịu phép rửa, Thiên Chúa đã phán với Ngài. Xin đừng lầm sự việc xảy ra tại lễ rửa là một kinh nghiệm riêng tư cho Chúa Giêsu. Tiếng nói của Thiên Chúa đã đến với Ngài và tiếng đó xác định rằng Ngài đã có một quyết định đúng. Nhưng hơn thế nữa, chính tiếng đó chỉ cho Ngài thấy tất cả con đường của Ngài. Thiên Chúa đã phán với Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta.” Câu này gồm hai phần “Con là Con yêu quý của Cha” là câu trích từ Thánh vịnh 2,17 được coi là lời diễn tả về Đấng Cứu Thế hứa ban. Còn câu “Ta hài lòng về con” là một phần của Isaia 42,1, diễn tả người Đầy tớ Đau khổ của Chúa Gia-vê có hình ảnh trọn vẹn trong Isaia 53.

Cho nên trong lễ rửa của Chúa Giêsu có rất nhiều ý nghĩa: có ý nghĩa về Nước Trời đã đến vì lúc đó là lúc Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Nước Trời. Cũng có nghĩa là lúc Đức Giêsu được xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần để thi hành một sứ mạng trọng đại. Cũng có nghĩa là Ngài đồng hoá với loài người tội lỗi, dầu “vốn không biết tội lỗi nhưng trở nên tội lỗi vì cớ chúng ta” và hạ mình nhận lấy phép rửa của Gioan.

Tiếng từ trời “Con là con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về con “là tiếng nói của ân phúc. Đó là tiếng nói thừa nhận. Còn ân phúc nào lớn hơn là được Thiên Chúa thừa nhận. Aben dâng lễ tế được Thiên Chúa thừa nhận, đó là ân phúc đối với Aben. Ngược lại, sự từ khước tế lễ của Cain là một lời nguyền rủa. Còn ân phúc nào lớn hơn là khi được Thánh Thần đáp đậu và nhận lấy quyền phép từ trên cao.

Chúa Giêsu đã đến với ông Gioan để lãnh nhận phép rửa, nhưng chính ông Gioan đã khẳng định ông chỉ làm phép rửa bằng nước, còn Chúa Giêsu mới là Đấng làm phép rửa bằng Thánh Thần. Chúa Giêsu đã khai mở bí tích Thánh Tẩy cho những kẻ theo Ngài bằng việc đích thân Ngài xin lãnh phép rửa từ Gioan. Chúa Giêsu muốn chúng ta có sự tiếp nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới, tiếp nối giữa lời rao giảng của vị ngôn sứ cuối cùng –cao đẹp hơn tất cả các vị trước– với lời rao giảng của chính Ngài để thiết lập Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, lễ rửa này Ngài đã biến đổi để có thể thực sự khai mào cho bí tích Thánh Tẩy.

Như thánh Luca kể lại cho chúng ta. Ngài kéo dài nghi thức bằng lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện này mang lại hiệu quả là trời mở ra. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa trời mở ra như sau này trời cũng mở ra mỗi khi bí tích Thánh Tẩy được cử hành, vì bí tích Thánh Tẩy không những chứng tỏ việc được tẩy sạch tội lỗi mà còn cho thấy ơn phúc dư đầy trời tuôn đổ xuống cho. Hơn thế nữa, qua việc cầu nguyện, Chúa Thánh Thần đến với Chúa Giêsu. Chính Thánh Linh này cũng hướng dẫn Chúa Giêsu trong tất cả các hoạt động của Ngài, trong tất cả các công việc giáo huấn và chữa lành bệnh tật… tượng trưng cho ơn cứu độ từ nay được ban cho nhân loại hầu giải thoát khỏi mọi nỗi khổ đau. Việc đến của Chúa Thánh Thần tiên báo ơn Chúa Thánh Thần sẽ được ban xuống cho mỗi thụ nhân để nâng lên hàng nghĩa tử của Thiên Chúa.

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc lại cho con người nhớ rằng, con người khao khát cần đến Thiên Chúa, khao khát được cứu rỗi và Thiên Chúa đáp lại khao khát này trong Chúa Giêsu Kitô Con Ngài, nơi một con người không phải là con người tầm thường đã đến nhận phép rửa của Gioan nơi sông Giócđan, mà nơi một con người vừa là Con Thiên Chúa: “Đây là Con Ta yêu dấu, Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.

Yếu tố thứ hai của biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, đó là Chúa Thánh Thần ngự xuống cũng mang một ý nghĩa sâu xa. Khởi đầu sách Sáng Thế khi bắt đầu công cuộc tạo dựng, Thánh Thần Chúa đã bay lượn là là trên mặt nước, và trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu. Dĩ nhiên, bay lượn xuống trên Chúa Giêsu, chi tiết này nói lên sự tạo dựng mới mà Chúa Giêsu thực hiện và phép rửa là điểm khởi đầu của công cuộc tái tạo nên mới trong Chúa Thánh Thần.

Phép rửa của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về phép rửa tội của chính chúng ta. Có nhiều lễ nghi mà người ta có thể giữ trong Giáo Hội. Nhưng tất cả những lễ nghi này đều trở nên mờ nhạt, khi so sánh với ân sủng cơ bản đối với tất cả: Phép Rửa rội. Khi chúng ta đứng trước ngai tòa Thiên Chúa, thì những lễ nghi khác không còn quan trọng nữa. Phẩm giá của chúng ta sẽ chỉ tùy thuộc vào một điều mà thôi – mức độ chúng ta sống ơn phép rửa tội của chúng ta.

Back To Top