skip to Main Content

HOA TRÁI ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

13.4 Thứ Ba Tuần II Phục Sinh

– Thánh Martinô I, Giáo Hoàng, Tử đạo.

– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 4,32-37; Ga 3,7b-15.

 

HOA TRÁI ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

Thánh Martinô I là linh mục của thành phố Rôma. Ngài nổi tiếng là người thánh thiện và thông thái. Vào tháng Bảy năm 649, Martinô lên ngôi giáo hoàng. Khi người ta tranh cãi nhau về những chân lý buộc phải tin, giáo hoàng Martinô I liền triệu tập một hội nghị các giám mục.

Cuộc họp này là Công đồng Lateranô, có mục đích giải thích cách rõ ràng minh bạch các chân lý mạc khải, những điều mà chúng ta phải tin. Tuy thế, có một vài Kitô hữu đã không hài lòng về việc này. Giáo hoàng Martinô biết rằng sự giải thích cắt nghĩa của Công đồng là điều chân thật. Bổn phận của ngài với cương vị giáo hoàng là phải giảng dạy chân lý cho dân chúng.

Một số người có thế lực không hiểu rõ những việc làm của giáo hoàng Martinô. Một trong số họ là hoàng đế Constan II thành Constantinôpôli. Ông đã sai thuộc hạ của ông tới Rôma bắt giáo hoàng Martinô I và giải về Constantinôpôli. Những người thuộc hạ đã đến bắt cóc giáo hoàng. Lập tức họ đưa ngài ra khỏi đền thờ thánh Gioan Latran và đẩy ngài lên một chiếc tàu. Rồi, giáo hoàng Martinô lâm bệnh nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Vào tháng Mười năm 653, họ giam ngài tại Constantinôpôli độ ba tháng.

Trong thời gian này, mỗi ngày họ chỉ cho giáo hoàng Martinô chút ít thực phẩm và nước uống. Thậm chí ngài không được phép tự mình tắm rửa. Sau đó, giáo hoàng Martinô I bị đưa ra xét xử, bị công khai làm nhục và bị lên án tử. Nhưng sau đó, họ lại mang ngài trở về nhà tù và giam ngài thêm ba tháng nữa. Đức Thượng phụ Giáo chủ Phaolô của Constantinôpôli đã xin tha chết cho ngài. Vì vậy, Martinô I đã bị án lệnh trục xuất thay vì phải chết. Người ta đặt giáo hoàng Martinô I trên một chiếc tàu chở ngang qua Biển Đen. Vào tháng Tư năm 654, tàu đổ bộ trên bán đảo Nga gọi là “bán đảo Crinêa.”

Họ làm cho giáo hoàng Martinô I phải chú ý trước sự thờ ơ lãnh đạm của những người phụ trách việc giam giữ ngài. Giáo hoàng Martinô I đã viết một bài tường thuật về những ngày buồn thảm ấy. Ngài nói rằng mình cảm thấy rất đau buồn khi bị chính những người thân thuộc và các thành viên trong Giáo hội Rôma quên lãng. Ngài biết rằng họ sợ nhà vua. Nhưng ít ra, đức Martinô I nói, hẳn là họ cũng có thể gởi cho ngài những đồ tiếp tế như ngũ cốc, dầu mè và các nhu cầu thông thường khác. Nhưng họ đã không làm. Họ đã bỏ rơi giáo hoàng chỉ vì sợ hãi!

Thời gian lưu đầy của giáo hoàng Martinô I kéo dài hai năm. Ngài qua đời khoảng năm 656. Giáo hoàng Martinô I được tôn phong là thánh tử đạo vì những đau khổ khủng khiếp ngài đã chịu.

Hôm nay, tiếp tục cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Chúa Giêsu cho ông biết Ngài là Đấng Cứu Độ, Đấng đến từ Trời, ai tin vào Ngài thì được sống đời đời.

Nicôđêmô thắc mắc lắm khi nghe Chúa Giêsu nói về một sự sinh ra mới, sinh lại trong Thần Khí: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?”. Sự ‘không hiểu nổi’ của Nicôđêmô là điều hợp lý thôi! Vì ngoại trừ Chúa Giêsu, không ai có căn cớ để nói về sự sinh lại. Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, thân xác vinh hiển của Ngài trở thành bằng chứng cụ thể cho cuộc sinh ra mới mẻ này. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể đem lại cho chúng ta một kiến thức từ Trời. Chỉ một mình Chúa Giêsu Phục Sinh mới có thể tỏ lộ sự sống vĩnh cửu và chân thật. Sự sống mới mà Chúa Giêsu Phục Sinh đem lại cho những ai tin vào Ngài quả thực là một tri thức vượt xa luận lý và qui tắc suy lý của con người. Tri thức đó, thánh Gioan đã nói một cách đơn giản: “Chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi thấy,…”.

Điều mà Chúa Giêsu đã đem đến cho chúng ta, đó chính là Thiên Chúa trong thân phận phàm nhân, Emmanuel. Không tin vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không hiểu được sự sống đời đời là gì. Chỉ có Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã vượt qua cái chết, mới có toàn quyền mạc khải sự sống trường sinh. Ngài là trưởng tử trong cuộc tạo dựng, và đồng thời cũng là người đầu tiên từ cõi chết sống lại. Ngài là ánh sáng để cho chúng ta biết: không ai có thể ban cho chúng ta sự sống đời đời ngoại trừ Thiên Chúa. Không ngước nhìn lên Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, chúng ta sẽ không có sự sống đời làm gia nghiệp.

Chính Chúa Giêsu là Đầu đã khải hoàn trong vinh quang Phục Sinh, thì chúng ta là chi thể của Thân Mình Chúa Giêsu cũng sẽ theo Đầu đi vào trong vinh quang Phục Sinh với Người. Nhưng làm sao có Phục Sinh nếu không kinh qua thập giá? Đầu đã chịu giương cao trên thập giá nên cũng được giương cao trong vinh quang Phục Sinh. Tương tự như thế, chúng ta cũng đi theo con đường thập giá đến vinh quang.

Mỗi Kitô hữu đều đã được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần qua Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta hãy để ân sủng Chúa Thánh Thần làm cho đức tin và đời sống đạo đức của chúng ta lớn lên và trưởng thành. Hoa trái của ân sủng được thể hiện qua đức công bình, bác ái và niềm vui.

 

Back To Top