Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Dứt Khoát Tận Căn
03 27 Tr Thứ Sáu Tuần XXII Thường Niên.
Thánh Grê-gô-ri-ô Cả, Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ.
Thứ Sáu đầu tháng. Ngày đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.
Cl 1,15-20; Lc 5,33-39.
Dứt Khoát Tận Căn
Trong cuộc đời Thánh Grêgôriô Cả, sự nghiệp sau nổi tiếng hơn sự nghiệp trước. Ngài là trưởng thánh bộ Rôma trước khi 30 tuổi. Năm năm sau đó, ngài từ chức, sáng lập sáu đan viện trên các phần đất của ngài ở Sicilia và chính ngài là một tu sĩ dòng Biển Ðức (Benedictine) ở Rôma.
Sau khi thụ phong linh mục, ngài là một trong bảy phó tế của đức giáo hoàng, và ngài còn giữ chức vụ sứ thần tòa thánh ở Constantinople, Ðông Phương. Sau đó ngài được gọi về làm đan viện trưởng, và vào lúc 50 tuổi, ngài được chọn làm giáo hoàng bởi hàng giáo sĩ và giáo dân Rôma.
Ngài thẳng tính và kiên quyết. Ngài cách chức các linh mục bất xứng, cấm không được lấy tiền khi phục vụ, và ngài lấy tất cả quỹ riêng của đức giáo hoàng để chuộc các tù nhân bị phe Lombard bắt, săn sóc những người Do Thái bị bách hại và các nạn nhân của nạn dịch tễ cũng như nạn đói kém. Ngài rất lưu tâm đến việc trở lại của nước Anh nên đã sai 40 đan sĩ của ngài đến hoạt động ở đây. Ngài nổi tiếng vì những cải cách phụng vụ, và củng cố sự tôn trọng học thuyết. Người ta đang tranh luận xem có phải chính ngài là người chịu trách nhiệm phần lớn nhạc bình ca (Gregorian) hay không.
Thánh Grêgôriô sống trong giai đoạn luôn luôn có bất hòa vì sự xâm lăng của phe Lombard và vì những tương giao khó khăn với Giáo Hội Ðông Phương. Khi Rôma bị tấn công, chính ngài là người đến chất vấn vua Lombard.
Một sử gia Anh Giáo đã viết: “Không thể nào tưởng tượng được những gì sẽ xảy ra trong thời Trung Cổ – thật lộn xộn, vô trật tự – nếu không có triều đại giáo hoàng; và nói về giáo hoàng của thời trung cổ, vị cha chung đích thực là Ðức Grêgôriô Cả”.
Cuốn sách của ngài, Cách Chăm Sóc Mục Vụ, nói về nhiệm vụ và đặc tính của một giám mục, đã được đọc trong bao thế kỷ sau khi ngài chết. Ngài diễn tả vị giám mục chính yếu như một y sĩ mà nhiệm vụ chính là rao giảng và duy trì kỷ luật. Trong các bài giảng thực tế của ngài, Thánh Grêgôriô có tài áp dụng phúc âm hàng ngày vào nhu cầu đời sống của giáo dân. Ðược gọi là “Cả”, Thánh Grêgôriô được nâng lên một vị trí ngang hàng với Thánh Augustine, Thánh Ambrôsiô và Thánh Giêrôme như một trong bốn vị tiến sĩ nòng cốt của Giáo Hội Tây Phương.
Thánh Grêgôriô thích là một đan sĩ, nhưng ngài sẵn sàng phục vụ Giáo Hội trong các phương cách khác khi được yêu cầu. Ngài đã hy sinh những sở thích của ngài trong nhiều phương cách, nhất là khi làm Giám Mục Rôma (Giáo Hoàng). Một khi được kêu gọi để phục vụ công ích, Thánh Grêgôriô đã dùng hết khả năng để chu toàn nhiệm vụ.
Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa; thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ.
Dụ ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời: “Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta”, “Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa”, “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”. Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Trình thuật Tin mừng hôm nay cho thấy hai hình ảnh cụ thể là sự hiện diện của Tân lang và rượu mới trong bầu da mới nhằm giải thích cho các biệt phái và luật sĩ hiểu rõ việc làm của các môn đệ và những đòi hỏi của Tin mừng. Hình ảnh đầu tiên mà Chúa Giêsu nói đến là sự hiện diện của Tân Lang: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?”. Khi con người sống trong niềm vui vì có Tân Lang hiện diện thì mọi người có thể sống niềm vui đó một cách trọn vẹn khi chia sẻ với nhau những bữa tiệc mà không phải sống nhiệm nhặt, chay tịnh và người ta có thể vui mừng hoan hỷ cách trọn vẹn. Cũng vậy, các môn đệ của Ngài lúc này không phải ăn chay, cầu nguyện vì họ đang có Thiên Chúa hiện diện cùng họ, chia sẻ cuộc sống với họ.
Kế đến, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh thứ hai là áo mới và rượu mới: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai”. Hình ảnh này giải thích cho các biệt phái và luật sĩ thấy việc các môn đệ của Chúa Giêsu không phải giữ chay. Như vậy Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải lựa chọn giữa cái cũ là lối sống đạo, những lề thói xưa cũ của người Do thái và những cái mới là những đòi hỏi của Tin Mừng. Khi chúng ta mang đầy những ích kỷ, gian tham vào trong cuộc sống hiện tại của mình thì như chúng ta xé miếng vải mới vá vào áo cũ. Sự không tương thích đó làm cho cuộc sống của ta thêm khập khiễng. Trái lại, chúng ta được mời gọi từ bỏ lối sống cũ đó là những gian tham, ích kỷ để đi trên một con đường mới là canh tân theo các giá trị của Tin Mừng, sống theo Lời Chúa dạy và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Để tránh việc phải đổ rượu mới vào bầu da cũ cũng như việc lấy vải mới mà vá vào áo cũ, mỗi người Kitô hữu chúng ta cần từ bỏ lối sống cũ, vụ hình thức bên ngoài để có thể đón nhận những mạc khải của Tin Mừng và lời mời gọi sống theo gương của Chúa Giêsu, luôn sống cho và sống vì người khác. Chúng ta cũng cần thay đổi cách sống đạo và giữ đạo của chính mình hôm nay. Giữ đạo không chỉ là việc chăm chỉ đến nhà thờ mỗi ngày mà còn phải là việc không ngừng học hỏi và trau dồi giáo lý, tránh các lạc thuyết sai lạc đức tin làm lung lay đời sống đức tin của mình; đồng thời giúp cho người khác hiểu rõ hơn về giáo lý, giáo dục đức tin cho những người chúng ta có trách nhiệm và loan báo Tin mừng của Chúa cho tha nhân. Chúng ta cũng được mời gọi sống đạo qua việc làm bằng cách sống ngay thẳng, chân chính trong mọi hoàn cảnh, biết mở lòng đón nhận anh chị em mình, chia sẻ giúp đỡ những người đang gặp khó khăn về tinh thần hay vật chất.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.