skip to Main Content

ĐỨC MARIA TRONG MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

ĐỨC MARIA TRONG MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà – câu nói này báo trước cuộc khổ nạn của người Con, nhưng cũng sẽ trở thành cuộc thương khó của chính Đức Maria.

 

 

 

ĐỨC MARIA TRONG MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

 

 

 

 

Đây là khía cạnh thứ hai của hình ảnh Đức Maria mà tôi muốn đề cập. Ngợi khen Thiên Chúa: như chúng ta đã nói, có nghĩa là buông mình cho Ngài. Đó là cuộc xuất hành thực sự, một cuộc xuất hành của con người ra khỏi chính mình, mà Maximus Confessor đã mô tả một cách rất hoàn hảo khi giải thích cuộc khổ nạn của Đức Kitô là “sự chuyển đổi giữa hai ý muốn từ đối lập sang kết hợp”, một lối đi “ngang qua hy tế vâng phục”. Luca lần đầu tiên lướt qua Thập giá như một khía cạnh của ân sủng, của lời tiên báo và thần bí của Đức Maria nơi cuộc gặp gỡ giữa Mẹ với cụ già Simeon. Cụ đã nói với Mẹ bằng ngôn từ tiên tri: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng (và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà)” (Lc 2,34-35). Ở đây, những lời này nhắc nhớ tôi về lời tiên báo của ngôn sứ Nathan dành cho Đavít sau khi vua phạm tội: “Ngươi đã dùng gươm của con cái Ammon mà giết [Urigia, người Khết]. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi” (2Sm 12,9-10). Lưỡi gươm đeo đuổi nhà Đavít giờ đây đâm vào trái tim của Đức Maria. Nơi Đức Kitô, Đavít đích thực và nơi Mẹ Ngài, Đức Trinh nữ tinh tuyền, lời chúc dữ ấy được cảm nghiệm và vượt qua.

 

Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà – câu nói này báo trước cuộc khổ nạn của người Con, nhưng cũng sẽ trở thành cuộc thương khó của chính Đức Maria. Cuộc thương khó ấy đã bắt đầu nơi lần tiếp theo khi Mẹ lên Đền thờ [lúc Chúa Giêsu lên 12 tuổi]: Mẹ phải chấp nhận quyền ưu tiên của người Cha đích thật đối với Đức Giêsu và của Đền thờ, nhà của Ngài; Mẹ phải học cách để người Con mà mình sinh ra được tự do. Đức Maria phải hoàn tất tiếng xin vâng trước thánh ý Thiên Chúa là trở thành một người mẹ bằng cách rút lui vào hậu trường và để Đức Giêsu bước vào sứ vụ của mình. Những lời khước từ của Đức Giêsu trong suốt cuộc đời công khai của Ngài và sự rút lui của Mẹ là một bước quan trọng, và sẽ đạt đến mục tiêu trên thập giá với những lời này “đây là con Bà”. Chính người môn đệ là con của Mẹ, chứ Đức Giêsu không còn là con nữa. Bước đầu tiên cần thiết đối với Mẹ là đón nhận và sẵn sàng; bước thứ hai là thái độ buông bỏ và tự do. Chỉ bằng cách này, mẫu tính của Đức Maria mới trở nên trọn vẹn: “phúc thay người mẹ đã cưu mang [Ngài]” chỉ thành hiện thực khi mối phúc này bước vào mối phúc [thứ hai]: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28). Điều này có nghĩa là Đức Maria đã được chuẩn bị sẵn sàng cho mầu nhiệm thập giá, vốn không chỉ đơn thuần kết thúc nơi đồi Golgotha. Con của Mẹ vẫn là dấu chỉ của sự mâu thuẫn, và vì thế Mẹ phải chịu cho đến cùng nỗi đau của sự mâu thuẫn này, nỗi đau của tình mẫu tử Mẹ Chúa cứu chuộc.

 

Hình ảnh Mẹ sầu bi [leidend], đấng trong cơn đau khổ đã hoàn toàn xứng hợp với lòng thương xót [Mitleid], đấng giờ đây đang ôm Đức Kitô đã chết, đã trở nên đặc biệt thân thương đối với lòng đạo đức Kitô giáo. Nơi Mẹ hay thương xót, người đau khổ ở mọi thời đều tìm thấy sự phản chiếu thuần khiết nhất lòng thương xót của Thiên Chúa, là niềm an ủi đích thực duy nhất. Bởi vì, tự bản chất sâu thẳm nhất, tất cả mọi đớn đau, khổ sở đều là sự cô độc, đánh mất tình yêu, hạnh phúc tan nát của kẻ bị chối từ. Chỉ có thái độ “cùng, với” mới có thể chữa lành nỗi đau.

 

Nơi thánh Bernađô Clairvaux, chúng ta tìm thấy một khẳng định tuyệt vời rằng Thiên Chúa không thể đau khổ [leiden], nhưng Ngài có thể đau khổ “với” [=thương xót, mit-leiden]. Qua những lời này, thánh Bernađô đưa ra một kết luận chắc chắn về nỗ lực của các giáo phụ nhằm diễn tả tính mới mẻ của ý niệm Kitô giáo về Thiên Chúa. Tư tưởng cổ đại xem sự vô cảm [Leidenschafts-losigkeit] của lý trí thuần túy là một thuộc tính thiết yếu của thần linh. Các giáo phụ đã cho thấy sự khó khăn khi bác bỏ quan niệm này cũng như khi suy tư về “cảm xúc mạnh mẽ” [Leidenschaft] nơi Thiên Chúa. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của Kinh thánh, các ngài nhận thấy khá rõ ràng rằng “Mặc khải Kinh thánh. . . đã đảo lộn [mọi thứ] . . . ý nghĩ của thế giới về Thiên Chúa”. Thật vậy, các giáo phụ cho rằng Thiên Chúa có cảm xúc mật thiết, ngay cả nó tạo nên bản chất thực sự của Ngài: đó là tình yêu. Và bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, nên đau khổ [Leid] dưới hình thái của lòng thương xót [Mitleid] không xa lạ đối với Ngài. Về mối tương quan này, Origen viết rằng: “Trong tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, Đấng không thể cảm nhận đau khổ đã gánh chịu [erlitten] lòng trắc ẩn đầy thương xót.” Chúng ta có thể nói rằng thập giá của Đức Kitô là sự đau khổ đầy thương xót của Thiên Chúa đối với thế giới. Bản văn tiếng Hípri của Cựu ước không dựa trên tâm lý học để nói về sự đau khổ đầy thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Đúng hơn, phù hợp với tính cụ thể của tư tưởng Semit, bản văn [Cựu ước] định rõ sự đau khổ của Thiên Chúa bằng hạn từ rahamim, mà nghĩa cơ bản là một bộ phận của cơ thể. Khi dùng ở số ít, rahamim có nghĩa là cung lòng của người mẹ. Cũng giống như “trái tim” tượng trưng cho cảm xúc, “hông/phần thắt lưng” và “thận” ám chỉ ham muốn và đau đớn, hạn từ “cung lòng” trở thành thuật ngữ của sự hiện diện với kẻ khác; nó ám chỉ cách sâu sắc nhất khả năng của con người đứng về phía người khác, đưa người khác vào trong chính mình, chịu đựng họ [erleiden], và trong sự chịu đựng lâu dài này mang lại cho họ sự sống. Với hạn từ chỉ một cơ phận con người, Cựu ước cho chúng ta biết cách thức Thiên Chúa che chở, cưu mang chúng ta trong chính Ngài với tình yêu đầy thương xót.

 

Ngôn từ khi Tin Mừng du nhập vào thế giới ngoại giáo không có những phương thức diễn đạt như vậy. Nhưng hình, tượng Pieta, Đức Mẹ sầu bi [leidend] vì Con, đã trở thành lối chuyển ngữ sống động của từ này: Nơi Đức Maria, nỗi đau của người mẹ trong Thiên Chúa [Leiden] được tỏ bày. Ở nơi Mẹ, chúng ta có thể nhìn thấy và chạm đến nỗi đau ấy. Đức Maria là lòng thương xót (compassio) của Thiên Chúa, được biểu hiện nơi một con người đã để mình hoàn toàn bị lôi cuốn vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Chính vì cuộc sống con người lúc nào cũng đau khổ nên hình ảnh người Mẹ đau khổ, hình ảnh rahamim (cung lòng) của Thiên Chúa, có tầm quan trọng đối với Kitô giáo. Đức Mẹ sầu bi Pieta hoàn tất bức tranh thập giá, bởi vì Đức Maria là thập giá được đón nhận, thập giá tự thông ban chính mình trong tình yêu, thập giá giờ đây cho phép chúng ta cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa qua lòng thương xót của Mẹ. Theo đó, đau khổ của Mẹ là đau khổ phục sinh, đã khởi đầu việc biến đổi sự chết thành tình yêu ở cùng nhau để cứu độ. Rõ ràng là chỉ có chúng ta tự tách mình ra khỏi “sự vui mừng” bắt đầu nơi trình thuật về Đức Maria. Vì niềm vui được loan báo cho Mẹ không phải là niềm vui tầm thường lãng quên vực thẳm hữu thể chúng ta và như thế bị lên án là lao vào sự trống rỗng. Đó là niềm vui đích thực, cho chúng ta can đảm để mạo hiểm đưa cuộc xuất hành của tình yêu đi vào sự thánh thiện cháy bỏng của Thiên Chúa. Đó là niềm vui đích thực mà đau khổ không phá hủy được nhưng trước hết làm cho niềm vui ấy trưởng thành. Chỉ có niềm vui đứng vững trước thử thách của đau khổ và mạnh hơn đau khổ mới là niềm vui đích thực.

 

“Từ nay đến muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Chúng ta ngợi khen Đức Maria diễm phúc với những lời đan dệt từ lời chào của Thiên thần và của bà Êlisabeth – nghĩa là những lời không phải do sáng kiến của con người. Thật vậy, thánh sử Luca cho chúng ta biết là bà Êlisabeth đã thốt ra lời chào đầy Thánh Thần. “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”: đây là những lời của bà Êlisabeth, và chúng ta chỉ lặp lại. Em được chúc phúc – lời hứa của Thiên Chúa với Ábraham vang lên một lần nữa nơi khởi điểm của Giao ước mới: “Ngươi sẽ là một mối phúc lành. . . Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,2-3). Đức Maria, đã tóm lược và đưa đức tin của Ábraham đến đích điểm, giờ đây là đấng được chúc phúc. Đức Maria đã trở thành Mẹ của những kẻ tin, và nhờ Mẹ mà muôn thế hệ và mọi chủng tộc trên trái đất nhận được phúc lành. Chúng ta tự đặt mình trong lời chúc phúc này khi ngợi khen Mẹ. Chúng ta bước vào phúc lành này khi cùng Mẹ trở thành những tín hữu tôn vinh Thiên Chúa vì Ngài ngự giữa chúng ta với tư cách là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”: Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc đích thật và duy nhất của chúng ta.

 

 

Phêrô Bùi Đức Trịnh Chuyển ngữ từ Joseph Ratzinger and Hans Urs von Balthasar, Mary the Church at the Source, translated by Adrian Walker (San Francisco: Ignatius Press, 2005)

 

Back To Top