skip to Main Content

Dụ ngôn những yến bạc

27.8 Thánh Monica

1 Cr 1:26-31; Tv 33:12-13,18-19,20-21; Mt 25:14-30

Dụ ngôn những yến bạc

Hoàn cảnh cuộc đời thánh Monica đã có thể biến ngài thành một người vợ hay cằn nhằn, một nàng dâu chua chát và một người mẹ tuyệt vọng, tuy nhiên ngài đã không chịu thua bất cứ cám dỗ nào. Khi còn nhỏ, bé Monica đã có lần lẻn vào hầm rượu uống lén rượu. Người  đầy tớ gái trong cơn bực bội đã gọi cô là “đồ say rượu”. Từ đó cô quyết sống tự trọng và bền tâm tập luyện nhân đức.

Mặc dù cô là một Kitô hữu, cha mẹ cô đã gả cô cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi châu. Patricius là người tốt nhưng ông vô cùng nóng nảy và phóng túng. Ngoài ra thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng. Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người và đạo đức. Thế nhưng ông Patricius, chồng bà, cũng hết sức cộng tác cùng bà trong việc dạy dỗ các con cái. Sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo. Bà cũng thường khuyên bảo các phụ nữ hai điều cần thiết để giữ gìn bình an trong gia đình: Một là luôn nhớ đến lời giao ước hôn nhân mình đã đảm nhận, hai là biết thinh lặng khi chồng nổi nóng. Ông Patricius chết năm 371, sau khi chịu rửa tội được một năm.

Thánh nữ Monica là một phụ nữ giàu những năng lực nội tâm, được khơi dậy một cách mãnh liệt bởi một đức tin sâu xa, nhưng không phải không kinh qua những thử luyện. Bà ít nhất có ba người con  vượt qua được ngưỡng cửa ấu nhi. Người con cả, Augustinô Hippo, nổi tiếng nhất (sau này là thánh). Cha và Mẹ Augustinô đều nhất trí cho con học lớp tòng đạo. Nhưng có lẽ các ngài còn chưa dứt khoát lo cho con được rửa tội ngay.

Vào lúc cha chết, Augustinô mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage. Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình trong thời học đạo, đã đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng, dan díu với một cô gái và không trung thành với thời kỳ học tòng đạo của mình. Bà đã mạnh mẽ từ chối không cho con được tiếp tục sống trong nhà mình vì sự phản bội đó. Cho tới khi, trong một đêm kia, ngài được thị kiến và được đảm bảo là Augustinô sẽ trở về với đức tin. Từ đó trở đi ngài quyết sống gần con, ăn chay và cầu nguyện cho con.

Khi 29 tuổi, Augustinô quyết định đi Rôma để dạy văn chương và thuật hùng biện. Một tối kia, Augustinô nói với mẹ là anh ra bến tàu để từ giã bạn bè. Nhưng, anh lại lên tàu đi Rôma. Thánh Monica thật đau lòng khi biết mình bị lừa, nhưng ngài nhất định đi theo. Vừa đến Rôma thì ngài lại biết là Augustinô đã đi Milan. Mặc dù việc di chuyển khó khăn, thánh Monica vẫn nhất định bám sát con tới tận Milan.

Ở đây, Augustinô chịu ảnh hưởng bởi một Giám mục, Ðức cánh Monica. Bà Monica chấp nhận lời hướng dẫn của Đức Giám mục trong mọi chuyện và có lòng khiêm nhường từ bỏ các thực hành đạo đức thân quen đã trở thành bản tính thứ hai của bà. Bà trở thành người lãnh đạo của nhóm phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi ở Tagaste.

Bà tiếp tục cầu nguyện cho Augustinô trong những năm anh dạy học. Vào lễ Phục sinh năm 387, Ðức cha Ambrôsiô rửa tội cho Augustinô và một vài người bạn của anh. Tất cả bọn họ họp thành một nhóm bạn hữu hết sức yêu thương giúp đỡ nhau để sống đạo. Thánh nữ Monica cũng tỏ ra là một người mẹ khôn ngoan, có một ảnh hưởng tốt đối với nhóm. Kinh qua nhóm đó, Augustinô đã có được một kinh nghiệm sống cộng đoàn mà ngài thật sự quí chuộng.

Augustinô và các bạn mình một hôm thảo luận với nhau xem điều gì đem lại cho con người hạnh phúc. Thình lình mẹ Monica tới và tham gia vào cuộc thảo luận. Mẹ đã bộc lộ rõ tất cả chiều sâu tâm linh của mình. Khi cả nhóm nhất trí rằng để được hạnh phúc, thì con người buộc phải có được điều mình ước muốn. Mẹ Monica liền nêu lên một sự phân biệt quan trọng: “Nếu người ấy ước ao có được những điều tốt lành, thì người ấy mới hạnh phúc; còn nếu người ấy chỉ ước ao điều xấu, thì dù họ có được bất cứ điều gì họ ước muốn, nhưng họ vẫn chỉ là con người khốn khổ, đáng thương. Augustinô lập tức công nhận mẹ mình là một triết gia  bậc thầy, và ví mẹ với triết gia Cicerô! Không lâu sau đó, cả nhóm đi Phi châu. Dù không ai để ý tới, nhưng thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, ngài nói với Augustinô, “Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả. Mẹ không biết còn có gì mẹ phải làm tại đây không hay tại sao mẹ còn phải ở lại đây nữa, vì mọi điều mẹ trông đợi ở trần gian này đều đã được hoàn tất?” Sau đó không lâu ngài bị bệnh và chịu đau đớn ghê gớm trong chín ngày trước khi từ trần.

Ngoài thánh Augustinô ra, chúng ta thấy bà còn một người con trai tên là Navigius, đôi khi xuất hiện trong bút tích của thánh Augustinô. Bà còn một người con gái là Perpetua, sau này trở thành bề trên của một tu viện các nữ tu.

Tất cả những gì chúng ta biết về thánh Monica đều được tìm thấy  trong tác phẩm Tự thú của thánh Augustinô.

Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta một dụ ngôn về kết qủa tính sổ của các đầy tớ. Câu truyện rất ý nghĩa, trước đi trẩy đi miền xa, ông chủ đã trao cho các đầy tớ những nén bạc để làm vốn sinh lời: Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi (Mt 25, 15). Trao nén bạc cho các đầy tớ xong, ông ra đi. Họ phải tự mình lo chu toàn bổn phận và trách nhiệm đã được trao. Người nhận nhiều, kẻ nhận ít. Ông chủ chỉ muốn mỗi đầy tớ hãy cố công lao động sinh lời từ số vốn liếng mà mình đã nhận được.

Do đó, Thánh Phaolô nhắc nhớ mọi người về ngày giờ sau hết. Ngày đó, chúng ta phải chuẩn bị để tính sổ. Xét nhìn lại những những thành qủa mà chúng ta đã gặt hái được trên đường lữ thứ trần gian.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để áp dụng cho mọi người ở mọi thời. Đã  hơn hai ngàn năm trôi qua, dụ ngôn tính sổ đời là một lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và tự xét mình.

Ông chủ trao các nén bạc cho mỗi người đầy tớ tùy theo khả năng của họ. Ai trong chúng ta cũng đã lãnh nhận những nén bạc quí báu. Nén bạc là khả năng, thời giờ, của cải và tài đức. Ngoại trừ những người bị bệnh tật, khiếm khuyết, dị tật và bất thường, đa số chúng ta là những người bình thường có thể lao động sinh lời. Mỗi cá nhân đã nhận được biết bao nhiêu vốn liếng hồng ân của Thiên Chúa ban cho mỗi người một khả năng để chúng ta làm lời thêm cho gia đình, tha nhân và xã hội.

Nhìn quanh, chúng ta đang được thừa hưởng nhiều thành qủa do công khó của biết bao người cống hiến. Họ đã hy sinh thời giờ, khả năng và sức lực để xây dựng một xã hội kỹ thuật văn minh giầu đẹp. Tự hỏi, mỗi người chúng ta đã đóng góp được gì vào kho tàng cuộc sống của xã hội và Giáo Hội hay chưa? Và hãy tận dụng những khả năng sẵn có để phục vụ anh em đồng loại như lòng Chúa mong ước.

 

Back To Top