Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Cuộc Sống Chứng Tá
19.10 Thánh Isaac Jogues và Gioan de Brebeuf và các bạn tử đạo
Ep 1:15-23; Tv 8:2-3,4-5,6-7; Lc 12:8-12
Cuộc Sống Chứng Tá
Sau khi khiển trách các người pharisiêu và những nhà thông luật, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có lòng can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, ngay cả trước những kẻ dữ mà không sợ bị bách hại. Bài trình thuật Phúc Âm hôm nay vì thế mời gọi tất cả chúng ta hướng về một đức tin xác quyết và một niềm hy vọng bất diệt vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu dạy bảo các môn đệ hãy can đảm làm chứng tá cho Thiên Chúa giữa lòng thế gian, bất chấp những sự bách hại của các quyền lực trần thế, đó là điều kiện để các ông được Chúa Cha trên trời đón nhận như Ngài nói: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”.
Tất cả cuộc sống của người Kitô không nằm ở thái độ biểu dương đức tin để trở nên xứng đáng với trước mặt Thiên Chúa, nhưng là thái độ khiêm tốn và xác tín trong việc sống thực hành những lời răn của Thiên Chúa mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào. Khi Chúa Giêsu nói: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người thì còn được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha”, Người ngụ ý dạy rằng tội lỗi thực sự của loài người là sự ngoan cố đối nghịch với Thiên Chúa và từ khước tình yêu thương và sự tha thứ của Người.
Chúa Thánh Thần là Ðấng của tình yêu thương và sự tha thứ. Ai khước từ Chúa Thánh Thần là hoàn toàn từ chối sự cứu rỗi mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Hồng ân và sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần làm cho đức tin của chúng ta được tăng trưởng và đức tin đó được đun nóng từ Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta đến những hành động anh hùng bằng gương tử đạo. Gương tử đạo không xuất phát từ các yếu tố con người mà là kết quả đến từ những ai để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong tâm hồn mình đó là hồng ân của Chúa Thánh Thần ban cho những ai biết mở rộng con tim để đón nhận Người.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ sẽ chịu nhiều thử thách, thế nên Người đã cảnh giác rằng các ông có thể sẽ mất đi những hồng ân của Thiên Chúa và rơi vào tình trạng nghi ngờ hay từ bỏ đức tin. Mặt khác, Người cũng bảo đảm rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho các ông sự khôn ngoan và lòng can đảm để đối diện với những kẻ dữ trong giờ phút bị bách hại. Ðồng thời, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ nói phạm đến Thánh Thần. Sự phạm thánh đó bao gồm những hành động hay những tư tưởng chống đối Thiên Chúa tiềm ẩn trong con tim hay biểu lộ ra bên ngoài. Tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần là thái độ của những kẻ cứng lòng từ chối tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa mà không thực lòng muốn sám hối.
Chúa Giêsu còn dạy chúng ta rằng: kẻ nào nói phạm đến Con Người thì sẽ được tha, nhưng kẻ nào phạm thượng đến Thánh Thần thì sẽ không được tha. Vậy phải chăng Chúa Thánh Thần không có Lòng thương xót? Thưa không. Người là Ngôi Ba Thiên Chúa, người vẫn là Đấng giàu lòng thương xót. Vậy tại sao chúng ta sẽ không được tha nếu phạm thượng đến Thánh Thần? Có lẽ, khi nói phạm đến Chúa Giêsu, Người sẽ cho chúng ta cơ hội sửa đổi, chính Chúa Thánh Thần sẽ lôi kéo chúng ta trở về từ tội lỗi, sẽ hướng dẫn chúng ta làm lành cùng Thiên Chúa. Thế nhưng, nếu Người đã lôi kéo chúng ta ra khỏi vực sâu tội lỗi mà chúng ta vẫn không chịu rời bỏ nó, cố tình chối bỏ sự hướng dẫn của Người, cố tình chống đối lại Người… chúng ta sẽ phải trả giá cho sự ngoan cố đó.
Qua đó, ta có thể nhận thấy được sự quan trọng của Chúa Thánh Thần, để từ đó, ta biết ý thức hơn về tội lỗi của mình. Mỗi khi nắm bắt được cơ hội sám hối, ta hãy nhớ rằng đó là khi Chúa Thánh Thần chìa tay kéo chúng ta lên và hãy ăn năn thống hối, chớ chối bỏ cơ hội đó vì có thể chúng ta đã chối bỏ sự trợ giúp của Người, đó cũng là một hành vi phạm thượng. Và như Chúa Giêsu đã nói: phạm thượng đến Chúa Thánh Thần sẽ không được tha.
Ý thức được điều đó, mỗi người chúng ta phải biết xem xét lại mọi hành động của mình, chớ nên vì sự ngoan cố mà khiến mình lỗi phạm đến Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng thương xót, Người sẽ tha thứ lỗi lầm ta phạm nếu ta biết thật lòng ăn năn sám hối. Vì thế, mỗi khi có cơ hội, hãy trở về hòa giải với Người và không quên đó là hồng ân mà Chúa Thánh Thần đã trao cho mỗi người chúng ta.
Lòng nhân ái của Thiên Chúa thì vô bờ bến nhưng nếu một ai từ chối lòng thương xót của Người thì sẽ tự mình kết án chính mình. Hồng ân đến từ Chúa Thánh Thần sẵn sàng ban xuống cho những ai tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Ðấng Cứu Thế.