Tại sao Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện hoàn…
Cốt lõi của đạo
17.1.2022 Thứ Hai
Thánh Antôn – viện phụ
1 Sm 15:16-23; Tv 50:8-9,16-17,21,23; Mc 2:18-22
Cốt lõi của đạo
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Antôn. Thánh Antôn hôm nay Giáo Hội mừng kính không phải là thánh Antôn Padua quen thuộc mà mọi người chúng ta kính mến. Antôn thành Padua hoặc Antôn thành Lisboa, sinh ngày 15 tháng 8 năm 1195 và qua đời ngày 13 tháng 6 năm 1231, là một linh mục Công giáo người Bồ Đào Nha và là tu sĩ Dòng Phanxicô. Còn thánh Antôn chúng ta mừng kính hôm nay được gọi là thánh Antôn viện phụ sinh tại Cosma bên AiCập vào khoảng năm 250 và qua đời vào ngày 17/1/356.
Nhìn lại cuộc đời của Ngài, chúng ta phải nhận là Ngài có nhiều may mắn. Cha mẹ Ngài là người giầu có, quí phái. Ngài và cô em gái luôn được sống trong sự bao bọc ấm cúng của gia đình.
Lúc ngài được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài lần lượt ra đi để lại cho hai anh em một gia tài kếch xù. Hai anh em tiếp tục sống đùm bọc yêu thương nhau. Với số của cải cha mẹ để lại, hai anh em có thể sống một cuộc sống dư dật và thật thoải mái. Thế nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Người đã kêu gọi Antôn dâng hiến cuộc đời cho Người.
Hôm đó trong ngôi nhà nguyện nhỏ dâng cúng thánh Augustinô, Lời Chúa vang lên: “Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó” (Mt 19,21). Lời Tin Mừng đó đã làm cho Antôn suy nghĩ vì hai anh em đang có thật nhiều tiền của. Nghe những Lời đó Antôn tưởng như Chúa đang nói với chính mình nhưng chưa biết phải làm gì.
Và Chúa Nhật sau đó, Lời Chúa lại vang lên như một chỉ dẫn: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”(Mt 6,34). Thế là con đường đã quá rõ. Antôn nhất định áp dụng đến cùng Lời Chúa dạy, và nhất quyết theo Chúa đến cùng. Ngài về nhà, chia vườn đất cho người nghèo trong làng, bán đồ đạc lấy tiền bố thí cho người nghèo khó. Ban đầu ngài còn để lại chút ít để nuôi mình và cô em gái, nhưng khi suy nghĩ đến Lời Chúa: “Con đừng bận tâm đến ngày mai”, Ngài lại đem bán tất cả những cái còn lại lấy tiền cho người nghèo. Xong việc, ngài gởi cô em vào một cộng đoàn Trinh nữ, rồi quyết tâm bỏ thế gian.
Năm 35 tuổi, Antôn quyết tâm đi vào sa mạc để sống đời khổ tu và kết hợp hoàn toàn mật thiết với Thiên Chúa. Tiếng tăm nhân đức và sự khôn ngoan của Ngài lan tỏa rất xa. Nhiều khách thập phương đã kéo đến xin Ngài chỉ giáo.
Năm 327, khi được tin hoàng đế Maximinô Đaia ra chỉ bách hại công giáo, và tại Alexandria sắp có cuộc xử tử một số tín hữu trun g kiên, thánh nhân liền nhất định xuống khích lệ anh em đồng đạo và mong được cùng chết vì Chúa Kitô. Vì thế, Ngài cùng với một anh em khác xuôi dòng sông Nil, đáp thuyền vào tận thành phố, rồi Ngài ngang nhiên tiến thẳng vào tòa án, khuyến khích tín hữu giữ vững đức tin; không kể gì đến các quan và dân ngoại. Ngài can đảm sống gần các vị tử đạo cho đến giây phút cuối cùng trên đấu trường. Nhưng ý Chúa không muốn ban cho thánh Antôn triều thiên tử đạo. Chúa muốn Ngài thành một tấm gương can đảm chiến đấu và cầu nguyện, ăn chay cho đại gia đình trụ trì, tuy nhiên thánh nhân vẫn lưu lại đô thị Alexandria cho đến khi ngọn lửa bách hại tắt hẳn mới quay gót về cộng đồng của mình.
Và từ đây cho đến cuối đời, Ngài dựng lều trên sườn núi Gokzin, suốt ngày đón tiếp mọi người: các tu sĩ, các tín hữu và cả lương dân.
Sống được 105 tuổi, thánh Antôn biết mình kiệt sức và giờ về thiên quốc sắp tới, Ngài liền hội các tu sinh lại quanh giường khuyên bảo họ lần sau cùng. Ngài cũng dậy các môn đệ đừng ướp xác và làm ma chay theo kiểu người Ai Cập. Sau cùng thánh nhân giơ tay chúc lành cho tất cả các thày và phó linh hồn trong tình yêu vô biên của Chúa. Hôm ấy là ngày 17.1.365.
Năm 561, xác thánh nhân được cải táng trong nhà thờ kính thánh Gioan Tiền Hô tại Alexandria. Các Giáo Hội Trung Ðông đã sùng kính thánh Antôn đầu tiên, sau đó tràn qua Âu Châu và Giáo Hội đã chính thức tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.
Cuộc đời của thánh Antôn để lại cho chúng ta rất nhiều bài học. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là bài học về lòng yêu mến Lời Chúa. Đối với Antôn thì Lời Chúa chính là Kim Chỉ Nam, là lẽ sống cũng như là ánh sáng luôn hướng dẫn cuộc đời của mình. Ngài luôn đi tìm thánh ý của Thiên Chúa, can đảm đem những soi sáng của Chúa vào cuộc đời của mình.
Được cha mẹ để lại cho một gia tài kếch xù, Antôn đã không nghĩ như người phú hộ trong Tin Mừng Luca. Người phú hộ trong Tin Mừng Luca nhìn vào đống tài sản trời ban cho đã nghĩ ngay đến việc hưởng thụ. Ông đã vẽ ra cho mình một tương lai mà nhiều nhà chú giải Kinh Thánh gọi là bỉ ổi: “Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”(Lc 12,19).
Antôn đã không nghĩ như vậy. Ngài đã đi tìm ý Chúa và sau khi được Chúa soi sáng qua Lời Chúa trong Tin Mừng, Antôn đã bán tất cả và cho đi tất cả không giữ lại cho mình cái gì. Rồi sau khi được soi sáng cũng qua Lời Chúa trong Tin Mừng Antôn đã bỏ tất cả và sống đời phó thác cho Chúa.
Năm 35 tuổi thánh nhân muốn rút hẳn vào sa mạc. Với một số lương thực vừa đủ sáu tháng Ngài băng qua sông Nil, trèo lên một ngọn núi cao gần Atfite và ở đó suốt 20 năm, không tiếp đón ai, trừ mấy mấy người bạn hàng năm hai lần đem lương thực tới cho Ngài.
Ngài có ý tránh xa thế tục, nhưng hương thơm nhân đức lại lôi kéo nhiều người khách thập phương đến thăm. Ban đầu thánh nhân còn tìm lẽ nọ lẽ kia, bày ra kế nọ kế kia để thoái thác, nhưng được ít lâu vì số người đến mỗi ngày một đông, lại nhất định tìm mọi cách để gặp mặt đấng thánh nên thánh nhân buộc lòng phải ra đón tiếp họ.
Năm 305, ý Chúa là muốn Ngài bỏ đời ẩn tu để đi lập các tu viện. Vâng ý Chúa, Ngài lập nhiều tu viện các cộng đồng tu hành và huấn dụ về đời sống thiêng liêng. Theo kinh nghiệm bản thân, Ngài bày tỏ cho các tu sĩ những mưu mô xảo quyệt của satan, chỉ cho họ những khí giới chiến đấu hữu hiệu hơn cả là cầu nguyện, ăn chay, làm dấu thánh giá và thái độ coi khinh chúng.
Đó là cuộc đời của một vị thánh. Chúng ta cám ơn Chúa đã để lại cho chúng ta tấm gương của một con người đã cố gắng đi theo tiếng gọi của Chúa, sống một cuộc đời siêu thoát thánh thiện đễ nên gương sáng cho mọi người.
Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là sống đạo. Chúng ta hãy chiêm ngắm thái độ và lời dạy của Ngài trong Tin Mừng hôm nay. Vừa bắt đầu sứ mệnh rao giảng của Ngài, cũng như các kinh sư của thời đại Ngài, Chúa Giêsu cũng qui tụ một số môn đệ; và cũng như các môn đệ của các kinh sư khác, môn đệ của Ngài cũng theo một lối sống nào đó. Thế nhưng, điều khiến cho nhiều người ngạc nhiên và đặt vấn đề, đó là Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài không tuân giữ một số ngày chay tịnh như môn đệ của Gioan hay của những người Biệt phái. Không tuân giữ những ngày chay tịnh đã đành, sau này xem ra Chúa Giêsu càng thách thức hơn nữa, khi Ngài không tuân giữ cả ngày hưu lễ hay một số tập tục khác, như rửa tay trước khi ăn.
Suốt cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã tỏ ra rất độc lập đối với Do thái giáo. Ðây quả là cách sống đạo hoàn toàn mới mẻ mà Chúa Giêsu muốn đề ra cho con người. Ðối với Ngài, linh hồn và cốt lõi của đạo chính là tình thương; tình thương ấy đã thúc đẩy Ngài đi đến tận cùng bằng cái chết trên Thập giá, và cái chết của Ngài mãi mãi là lời tố cáo về thái độ bất khoan nhượng trong niềm tin tôn giáo của con người. Vụ án của Ngài được thi hành như một vụ án chính trị; mãi mãi tên tuổi của viên toàn quyền La mã là Philatô gắn liền với cái chết của Ngài. Tuy nhiên, vụ án của Chúa Giêsu vẫn là một vụ án tôn giáo: Ngài chết vì sự cuồng tín và thái độ bất khoan nhượng của các thủ lãnh Do thái giáo.
Chúa Giêsu muốn các môn đệ đi vào sự kết hợp thâm sâu thân tình với Thiên Chúa, thao thức kiếm tìm ý nghĩa đích thực của Tin Mừng giữa những điều luật buộc phải giữ. “Rượu mới, bầu cũng phải mới”, cái “mới” ở đây không phá bỏ cái “cũ” nhưng đã được chắt lọc từ sự tinh hoa của cái cũ. Tin Mừng của Chúa phải được đón nhận bằng tất cả lòng quảng đại và yêu mến. Nếu luật cũ là “mắt đền mắt, răng đềnrăng” thì luật mới phải vượt lên sự hiềm thù đền trả 1-1 mà là “nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn anh để lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5, 39-42).
Trong cuộc sống, không phải cái gì cũ cũng là xấu, trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ thì thân tình, đồ cổ thì quý. Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông…Đó là cái mới đáng trân trọng được xây nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ sự tinh túy của cái cũ. Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và khắc lên đó một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.
Đời sống xã hội hôm nay đang từng ngày đổi thay, vì thế Giáo Hội cũng luôn trăn trở đi tìm cách thế hữu hiệu nhất để loan báoTin Mừng hầu cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống “hời hợt, ào ào, vội vã” mà đánh mất căn tính của mình. Giáo hội Chúa Kitô phải là giáo hội của người nghèo, luôn lắng nghe và đồng cảm với người nghèo. Sở dĩ Tin Mừng chưa được nhiều người đón nhận vì cách rao giảng của chúng ta có phần chưa phù hợp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tâm linh nơi con người. Ước gì mỗi kitô hữu biết đến với mọi người bằng cung cách phục vụ khiêm tốn như Chúa Giêsu, bằng niềm hân hoan của thực khách trong đại tiệc hôn lễ, bằng nỗi khao khát hướng đến điều trọn lành.
Chúa Giêsu đã đến giải thoát chúng ta khỏi sự trói buộc cũ kỹ của mọi tính hư nết xấu và tội lỗi. Xin cho chúng ta được biến đổi nên những người biết sẵn sàng lắng nghe những gợi hứng của Chúa Thánh Thần mà có thái độ sống đạo linh hoạt, sống động phù hợp với chân lý đức tin và đạo hiếu con người.