skip to Main Content

Cộng tác và tiếp nối công trình cứu độ của Đức Kitô 

28/10 Thứ Sáu

Thánh Simon và Jude, Tông Đồ

Pl 1:1-11; Tv 111:1-2,3-4,5-6; Lc 14:1-6

Cộng tác và tiếp nối công trình cứu độ của Đức Kitô

“Simon biệt danh là quá khích; Giuđa con ông Giacôbê” ( Lc 6,15-19).

Hai vị thánh này luôn đứng bên nhau trong danh sách 12 Tông Đồ. Simon là một con người nhiệt thành, không quãng sự khó nhọc và hăng say. Chúa Giêsu đã biến đổi ông từ một người nhiệt thành với nước Israel trần thế, thành một vị Tông Đồ nhiệt thành với Nước Trời. Giuđa còn gọi là Tađêô. Ông được gọi là Giuđa trung kiên, vì ông đã trung kiên với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Noi gương hai vị thánh Tông đồ, chúng ta cũng phải trở nên những dụng cụ đắc lực cho Hội Thánh và tích cực siêng năng trong bổn phận của người tín hữu.

Thánh Matthêu và Thánh Máccô gọi Thánh Giuđa là Tađêô – vì trùng tên với Giuđa ở Iscariốt, nên Thánh Giuđa được gọi là Tađêô cho khỏi lộn. Phúc âm không đề cập riêng mà chỉ đề cập chung hai vị này trong 4 danh sách các tông đồ. Các học giả cho rằng Thánh Giuđa không là tác giả của Thư Giuđa.

Thánh Giuđa có biệt danh là “nhiệt thành” (Zealot). Thực ra Zealot là một nhóm quá khích, đó là một giáo phái Do Thái đại diện cho chủ nghĩa ái quốc cuồng nhiệt của người Do Thái. Với họ, lời hứa trong Cựu ước nghĩa là người Do Thái sẽ được giải phóng và độc lập.

Thiên Chúa là Vua của họ, và việc nộp thuế cho đế quốc La Mã là điều phỉ báng Thiên Chúa. Chắc chắn một số người quá khích là những người thừa kế của Macabê, thực hiện lý tưởng tôn giáo và độc lập. Nhưng nhiều người là bản sao của những kẻ khủng bố thời hiện đại. Họ tấn công và giết người, tấn công cả người hợp tác là ngoại bang. Trách nhiệm của họ là nổi loạn chống đế quốc La Mã, kết thúc bằng việc phá hủy Đền thờ Giêrusalem vào năm 70.

Có thể hai Thánh Simon và Giuđa đã rao giảng Tin Mừng ở Mesopotamia và Persia (Ba Tư), thực sự chúng ta không có gì chắc chắn hơn ngoài thông tin từ Tân ước cho biết nhị vị này là Tông đồ của Chúa Giêsu.

Tin Mừng hôm nay tường thuật chuyện Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện suốt đêm với Chúa Cha , sau đó Ngài  xuống núi chọn gọi mười hai vị Tông Đồ cùng đi theo để loan báo Tin Mừng Nước Trời. Có đông đảo dân chúng đến nghe Ngài giảng dạy và nhiều bệnh nhân được ơn chữa lành.

Ngài không tuyển những người có thế giá, nổi nang, học thức, mà lại gọi những ngư phủ tầm thường ít học, tính khí khác nhau. Hầu hết họ là những người nhút nhát, sau này chạy bỏ Thầy trong cuộc thương khó. Matthêu là hàng thu thuế tội lỗi công khai. Có những người nóng tính được mệnh danh là “con của thiên lôi”. Phêrô chối Thầy, người thì ngày sau bán Thầy như Giuđa Iscariô. Nhưng họ lại là “những kẻ Người muốn.” Đường lối của Chúa thì khác xa với đường lối của con người. Cách huấn luyện của Đức Giêsu là cho họ được ở với Thầy, tập suy nghĩ, ăn nói, cư xử, hành động như Thầy trực tiếp trong cuộc sống. Ở với Thầy có cơ hội để Thầy quan sát, nhắc nhở, sửa sai, tập tành, rèn luyện thành người môn đệ đích thực, làm nền tảng lưu truyền Tin Mừng cho khắp thế gian sau này.

Mở đầu cho sứ mạng đặc biệt ấy, “Chúa Giêsu, Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. Rồi Người “kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”. Ở đây Chúa dạy ta “cầu nguyện” là việc cần trước hết. Từ khi xuất thân giảng đạo đã có nhiều người theo Chúa. Tin Mừng nhắc đến “bảy mươi hai môn đệ” (Lc10,17).

Trong số nhiệt thành ấy, hôm nay Chúa chọn mười hai ông. Các ông đi bên Chúa mà học hỏi, chia sẻ vui buồn, trợ giúp Chúa, được sai đi để tiếp nối sứ mạng của Người.

12 Tông Đồ đại diện cho 12 tổ phụ  Israel. Các sách đều viết: Đứng đầu là Phêrô, cuối cùng là Giuđa phản bội.

– Lớp 1: Bốn vị tiên khởi: Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan.

– Lớp 2: Đứng đầu Philipphê, Batôlômêô, Matthêu, Tôma.

– Lớp 3: Giacôbê hậu, Simon, Giuđa, Giuđa phản bội.

Các vị hôm nay được “Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông”. Chúa như tập duyệt, cho các ông chứng kiến và hiệp thông vào quyền năng của Người: “Tại đó đông đảo môn đệ của Người và đoàn lũ khắp nơi… đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật”.

Ba năm bên Chúa, được hưởng sung mãn tình yêu của Người rồi trở nên yêu Chúa hết tình, yêu người tha thiết. Các ông, con người hiền lành, chất phác, mỗi người một tính, một nết, một khả năng riêng. Nhưng cùng một niềm tin, hết lòng hết sức với sứ mệnh Chúa trao cho đến chết, hầu làm chứng Chúa Giêsu đã chết và sống lại mà cứu chuộc nhân loại.

Và khi chọn các ông, Chúa Giê-su muốn họ chu toàn một cuộc sống gồm hai nhịp: ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng. Các động từ “ở lại”, “ở trong,” “đi theo” được các thánh sử dùng nhiều lần để diễn tả mối hiệp thông phải có của các Tông Đồ đối với Chúa Giê-su như mối thông hiệp Ngài có với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài, sự hiệp thông cần thiết đến mức trở nên ưu tiên trong các hoạt động của Ngài. Mặt khác, “tông đồ” nghĩa là “người được sai đi”, tham dự vào sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su. Ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng là hai nhịp của trái tim Tông Đồ, cần thiết và không thể tách rời nhau.

Sau ngày Chúa về trời, mỗi ông một phương, âm thầm mà quyết liệt loan báo Lời Chúa. Các ông vui tươi, hăng say, chẳng có gì làm các ông chùn bước vì có Chúa trong lòng. Các ông rao giảng, lam lũ, viết sách, viết thư nài nỉ mọi người hãy yêu mến Thiên Chúa và thực thi lời Người.

Back To Top