Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Chuẩn bị ngày cánh chung
28.11
Thứ Ba trong tuần thứ Ba Mươi-Tư Mùa Quanh Năm
St 2:31-453; Lc 21:5-11
Chuẩn bị ngày cánh chung
Ðối với người Do thái, Ðền thờ Giêrusalem là biểu tượng cho niềm vui và hãnh diện, và là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, là nơi hằng năm muôn dân tuôn về đó để mừng lễ. Ðền thờ được xây bằng đá quí, sừng sững trên ngọn đồi này vẫn được xem là nơi nương tựa vững chắc có thể đương đầu với thời gian. Thế mà Chúa Giêsu lại tuyên bố sẽ có ngày nó bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.
Về thời điểm các sự việc đó xảy ra, dưới ngòi bút của thánh Luca, câu trả lời của Chúa Giêsu không chỉ riêng cho Giêrusalem mà còn bao gồm cả chiều kích lịch sử cứu độ: cũng như Ðền thờ Giêrusalem, thế giới này dù có vững vàng đến đâu, thì một ngày nào đó cũng sẽ tàn lụi. Trong khoảng thời gian trước ngày Chúa trở lại sẽ có nhiều tai ương khốn khó.
Lời Chúa hôm nay trong tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ nhắc nhở chúng ta suy nghĩ về những vấn đề cuối cùng của đời người : chết, phán xét, số phận đời đời trong ngày Đức Kitô quang lâm.
Mọi công trình con người xây dựng, dù cho có kiên cố và quí giá đến đâu đi nữa, kể cả đền thờ Giêrusalem tất cả sẽ có ngày sụp đổ tan tành.
Thật vậy, đối với người Do Thái đền thờ Giêrusalem là biểu tượng cho niềm vui và hãnh diện, một công trình mất đến 40 năm mới hoàn tất.
Đền thờ Giêrusalem còn là nơi Thiên Chúa ngự và là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, là nơi hàng năm muôn dân tuôn về đó để mừng lễ. Đền thờ được xây dựng bằng đá quí, sừng sững trên ngọn đồi này, vẫn được xem là nơi nương tựa vững chắc có thể đương đầu với thời gian.
Thế mà Chúa Giêsu lại tuyên bố sẽ có ngày nó bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.
Về thời điểm các sự việc đó xảy ra, dưới ngòi bút của Thánh Luca, câu trả lời của Chúa Giêsu không chỉ riêng cho Giêrusalem mà còn bao gồm cả chiều kích lịch sử cứu độ. Cũng như đền thờ Giêrusalem, thế giới này dù có vững vàng đến đâu, thì một ngày nào đó cũng sẽ tàn lụi.
Nói đến ngày tận thế, xem ra là vấn đề mơ hồ và xa xôi, đưa đến bi quan, nhưng lại là điều có thật. Tuy nhiên, khi nói đến ngày kết thúc cuộc đời mình thì đó là điều chắc chắn và thiết thân. Mỗi người phải lo cho số phận mình, không ai có thể thay thế được. Một lúc nào đó, ngay cả con người chúng ta dù muốn hay không, cái chết cũng đến với chúng ta. Chúng ta sẽ ra đi như chúng ta đã vào đời. Từ trong bóng tối đi ra, chúng ta cũng trở về với bóng tối. Đã một thời không có chúng ta, và cũng sẽ đến thời không ai còn nhắc đến chúng ta nữa. Mỗi ngày có trên 200.000 người chết, mỗi giờ có 10.000 người chết. Hôm nay, ngày mai hay bất cứ lúc nào, tôi cũng sẽ được đếm trong số những người phải ra đi ấy.
Hình ảnh các biến cố thiên nhiên, như động đất, hạn hán, mất mùa, ôn dịch; những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ trên trời, hay hình ảnh chiến tranh, loạn lạc, là những yếu tố trong lối hành văn được các Tiên tri sử dụng để báo trước về ngày chung thẩm của Thiên Chúa. Tuy nhiên, các biến cố đó không phải chỉ là những hình ảnh, mà là sự thật; chúng cũng tác dụng như một nhắc nhở con người ý thức bản chất thụ tạo yếu đuối và mỏng dòn của mình, đồng thời soi sáng cho con người biết chiều kích về ơn gọi siêu việt của mình là sống như con cái Thiên Chúa và trung thành thực hiện ơn gọi đó, trong khi chờ đợi ngày Chúa lại đến.
Sống trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội nhắc nhớ chúng ta về ngày chung cục bằng những bài đọc nói đến sự tận cùng của thế giới – Không phải để làm cho chúng ta lo âu, nhưng là để chúng ta ý thức sự chóng qua của vũ trụ vật chất mà biết xây dựng cho mình một đền thờ tâm linh vững chắc trường tồn trong Đức Ki-tô Giê-su.
Mặt khác, đoạn Tin mừng cũng nhắc nhớ chúng ta về ngày chung cục của đời mình. Thế giới qua đi! Cuộc đời của chúng ta cũng sẽ qua đi! Sự khôn ngoan mách bảo chúng ta phải biết tìm cho mình những giá trị vĩnh cửu hơn là bám vào đời sống tạm bợ này; phải biết dùng những phương tiện chóng hư nát để tích lũy những giá trị, của cải không bao giờ hư nát là sự sống hạnh phúc bất diệt đời sau.
Hơn bao giờ hết, chúng ta đang chứng kiến về sự rữa nát của thế giới, của con người: Cuộc chạy đua vào nhà Trắng đã khiến đông đảo quần chúng thế giới lo lắng không ít; những tranh chấp ở Biển đông cũng đe dọa bùng phát một cuộc chiến đáng sợ; các tai ương lụt lội, đói kém; ngày càng xuất hiện nhiều những căn bệnh lạ… đã gây nên những căng thẳng và hoang mang cho con người.
Ý thức được bổn phận của mình, người Ki-tô hữu phải là chứng nhân sống động của Đức Ki-tô trong cuộc sống xây dựng một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn trong những nghĩa cử yêu thương hằng ngày, trong những bổn phận và trách nhiệm cùng chung tay cộng tác xây dựng Giáo hội và xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp và thăng tiến con người trong phẩm giá của mình, trong những ước vọng và hành động đóng góp xây dựng hòa bình và công lý….
Vững tin vào tình thương và lòng thương xót Chúa, chúng ta hãy khẩn nài trong lời cầu nguyện tha thiết xin cho ‘Nước Cha trị đến’ để bóng tối được đẩy lui và vương quốc tình yêu của Cha được xây dựng.