Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Chúa Giêsu lên Giêrusalem
Hành trình cứu độ của Đức Giêsu là một hành trình tiến về Giêrusalem để chịu chết trong chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn. Trên hành trình ấy, Đức Giêsu đã tìm dịp thuận tiện để Thầy trò tâm tư về sứ mạng!
Thật vậy, một trong những điều mà Đức Giêsu quan tâm, đó là làm sao để cho các môn đệ có được tinh thần hy sinh, thái độ kiên trì trước nghịch cảnh và thử thách, cần khiêm tốn và phải có tấm lòng bao dung, vị tha.
Nếu đã đón nhận cái chết như tột đỉnh của cuộc hành trình, thì dĩ nhiên điều kiện tiên quyết của người ra đi là phải kiên nhẫn trước thất bại. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài bài học về sự kiên nhẫn trước thất bại ấy khi các ông bị những người Samari khước từ. Giacôbê và Gioan trưởng có thể sai khiến lửa từ trời xuống để tiêu diệt những kẻ chống các ông: tuy nhiên, trung thành với giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu nhắc nhở cho các ông bài học về yêu thương nhẫn nại mà họ phải có ngay cả với kẻ thù của mình.
Ra đi, hay nói theo ngôn ngữ của Văn Cao “đi qua khỏi mình” chính là biết thắng vượt những chướng ngại do lòng ích kỷ và hận thù có thể giăng mắc trên lối đi. Cái chết chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị khi nó là một cái chết vì yêu thương; cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu như vậy cũng là một cuộc hành trình của yêu thương. Chỉ có yêu thương mới giúp con người thắng vượt được chính mình, chỉ có yêu thương mới giúp con người nhìn xuyên suốt qua bên kia thất bại, khổ đau.
Đức Giêsu cương quyết lên Giêrusalem qua xứ Samaria cho gần, nhưng dân làng không chấp nhận, vì họ thù nghịch với dân Do thái mà Đức Giêsu là người Do thái. Thấy vậy, hai ông Giacôbê và Gioan nổi giận xin Chúa cho phép lấy lửa trên trời xuống đốt cháy tụi này. Nhưng Đức Giêsu quở trách tính hung hãn của hai ông và nói cho hai ông biết: “Con Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống”. Thật vậy, bài học này đã làm cho các môn đệ và mỗi người chúng ta phải xét lại thái độ của chúng ta đối với anh em.
Nên biết, giữa người Do thái và Samaria có một sự xung khắc về quốc gia và tôn giáo. Người Samaria bị những người Do thái giáo coi như những kẻ ly giáo, từ khi họ đã xây dựng một ngôi đền thờ trên đỉnh núi Garizim để cạnh tranh với đền thờ Giêrusalem. Phải tránh tiếp xúc với những kẻ “lầm lạc” (Ga 4,9-20). Bị những người Do thái khinh bỉ, họ trả đũa lại bằng cách gây ra mọi phiền nhiễu cho các đoàn hành hương mượn con đường ngắn nhất để đi từ Galilêa về Giêrusalem.
Trước thái độ từ chối của dân làng Samaria, hai ông Giacôbê và Gioan, với biệt hiệu “Con trai Thiên lôi”: muốn xin lửa từ trời xuống thiêu đốt những kẻ nghịch này. Hai ông có thái độ như thế vì nhớ lại trường hợp tiên tri Êlia xưa (2V1,10) và nghĩ rằng dân làng Samaria làm như thế là đã làm nhục cho Chúa. Đây là thái độ còn nhiều tinh thần Cựu ước, tinh thần báo thù.
Nhưng ở đây, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ một hình ảnh đích thực về Thiên Chúa, Ngài vốn là Đấng toàn năng, nhưng không can thiệp như một ông vua chuyên chế bắt các bề tôi và kẻ thù phải quỳ mọp dưới chân, nhưng Ngài chờ đợi họ hoán cải như người cha, người mẹ đối với con cái: “Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa”.
Các môn đệ được hiểu rằng việc báo thù là việc của tà thần chứ không phải là việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa báo oán, mà là Thiên Chúa tình thương. Đức Giêsu muốn dạy cho các ông con đường đi theo Chúa không luôn thẳng tắp, không gặp trắc trở. Vậy những ai muốn theo Chúa phải nhẫn nại hiền lành để đối xử lại, để chinh phục lại các linh hồn. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Một thìa mật lôi kéo nhiều ruồi hơn một thùng giấm”.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy lối suy nghĩ của các môn đệ khi chưa hiểu và thấm nhuần giáo huấn của Chúa. Lối suy nghĩ và lối thích sử dụng quyền lực để răn đe hay trấn áp người khác là cách hành xử hoàn toàn trái với tinh thần Tin mừng. Nên Chúa Giêsu đã cảnh cáo các ông. Thái độ của các môn đệ ngày xưa cũng chính là thái độ của chúng ta ngày hôm nay. Tôi tôn thờ một Thiên Chúa nào? Phải chăng là một Thiên Chúa tình yêu, nhân từ, quảng đại hay tha thứ… hay là một Thiên Chúa mà chúng ta cố giải thích méo mó để phục vụ cho ý muốn của riêng ta? (5 phút Lời Chúa)
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ cảm thông cho những nghi kỵ, khinh khi và cự tuyệt của người đời, ngay cả những sự vu khống, bắt bớ vì Đạo. Noi gương Đức Giêsu, sẵn sàng đón nhận đau khổ vì sứ vụ: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12).
Biết chấp nhận những sự giới hạn của con người, và ý thức rằng: chúng ta đi đến đâu cũng có một số người sống chết với ta, một số người quyết loại bỏ ta và số còn lại thì chẳng cần quan tâm đến chúng ta cũng như công việc của ta. Đây cũng chính là thân phận của Thầy chí thánh Giêsu đã trải qua trong cuộc đời của Ngài.
Đọc lại Tân ước, chúng ta thấy ngoài người Do thái ra, người La mã, người Hy lạp cũng từ chối không đón nhận đạo thánh Chúa. Đã hơn hai ngàn năm Tin Mừng được rao giảng, nhưng số người tin theo vẫn rất ít. Bởi vì Phúc âm chỉ trở nên hấp dẫn cho những người thiện chí, có lòng ngay và con số nầy lại rất ít, ngày xưa cũng như ngày nay.
Và chúng ta cũng không lấy làm lạ ngước ta từ chối Chúa, không chấp nhận Phúc âm, vì xét cho cùng, chính mỗi người chúng ta, ít nhiều cũng đã tử chối Chúa bằng cách từ chối những đòi hỏi của Phúc âm.
Trước sự tử chối của dân làng, thái độ của Giacôbê và Gioan đã bộc lộ nguyên hình con người của các ông: Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? Họ đúng là con của thiên lôi nóng nảy, bốc đồng. Phản ứng của hai ông đúng là phản ứng đầy tinh thần thế tục, nên Chúa Giêsu đã quở mắng hai ông. Mới bị từ chối mà đã tức giận như thế, sau này Thầy sẽ bị người ta hành hạ và giết chết, họ sẽ nghĩ sao?
Ngày nay cũng không thiếu người tỏ ra bực bội, tức giận vì đạo Chúa bị khinh chê hay từ chối đó đây. Những người như thế cũng tỏ ra không hiểu được mầu nhiệm cuộc tử nạn cũng như mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô. Bước theo Chúa Kitô là chấp nhận bị người đời không hiểu, bị khinh chê, cả bị bắt bớ nứa. Khi ấy mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Kitô đang được thể hiện nơi mỗi người chúng ta
Cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu là một cuộc hành trình không ngừng. Cùng với Ngài, chúng ta luôn được mời gọi từ giã con người cũ tội lỗi và ích kỷ để tiến về con người mới của ân sủng và yêu thương. Chông gai thử thách vẫn luôn có đó, nhưng chúng ta tin rằng có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta và phần thưởng đang chờ đợi chúng ta chính là niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày một cách sung mãn hơn.