skip to Main Content

Chu toàn bổn phận

14.8
Thánh Maximilian Kolbe, Lmtđ

St 10:12-22; Tv 147:12-13,14-15,19-20; Mt 17:22-27

Chu toàn bổn phận

Ngài gia nhập tiểu chủng viện của các cha Phanxicô ở Lwow, Ba Lan, gần nơi sinh trưởng, và lúc ấy mới 16 tuổi. Mặc dù sau này ngài đậu bằng tiến sĩ về triết học và thần học, nhưng ngài rất yêu thích khoa học, có lần ngài phác họa cả một phi thuyền không gian.

Sau khi thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, ngài nhận thấy sự thờ ơ tôn giáo là căn bệnh nguy hiểm vào thời ấy. Nhiệm vụ của ngài là phải chiến đấu chống với căn bệnh này. Ngài sáng lập tổ chức Đạo Binh của Đức Vô Nhiễm mà mục đích là chống lại sự dữ qua đời sống tốt lành, siêng năng cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Đức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Đức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Để thực hiện công việc ấn loát, ngài thành lập “Thành Phố của Đức Vô Nhiễm” – Niepolalanow — mà trong đó có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc. Sau này, ngài thành lập một thành phố khác ở Nagasaki, Nhật Bản. Cả tổ chức Đạo Binh và tờ nguyệt san có đến 1 triệu hội viên cũng như độc giả. Tình yêu Thiên Chúa của ngài được thể hiện hằng ngày qua sự sùng kính Đức Maria.

Năm 1939, Đức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Đức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.

Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. “Tên này.” “Tên kia.” Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.

Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng.

“Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con.”

Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.

“Mày là ai?”

“Là một linh mục.” Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.

Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.

Trong “hầm tử thần” tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng Tám) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác.

Cha được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1981.

Tin Mừng thuật lại, Chúa Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai (x. Mt 17,22-23) và việc Chúa Giêsu cùng ông Phêrô nộp thuế (Mt 17,24-27).

Theo luật Cựu Ước: “Tất cả đàn ông Do Thái 20 tuổi trở lên, phải có nhiệm vụ đóng góp tiền cho đền thờ” (Xh 30,13), hay còn gọi là thuế “đền thờ”. Việc làm này được xem như là một nhiệm vụ cao quý của người nam Do Thái giáo và Chúa Giêsu cũng ý thức việc ấy.

Tuy nhiên, xét cho cùng thì trường hợp của Chúa Giêsu là ngoại lệ, bởi hai lý do: vì Người là Con Thiên Chúa, và vì đền thờ là nhà của Thiên Chúa, nên cũng là nhà của Người (Lc 2,49). Cho nên, nếu dựa trên nguyên tắc “vua chúa trần gian chỉ thu thuế má hạng người ngoài”, còn “con cái được miễn”, thì Chúa Giêsu được miễn.

Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không làm cớ cho người Do Thái vấp phạm, nên Người đã nhờ ông Phêrô ra biển thả câu và dặn rằng: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, trị giá vừa đủ để nộp hai phần thuế cho Người và cho Phêrô, và sự việc đã diễn ra đúng như vậy. Qua đó, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta ý thức chu toàn luật Giáo Hội cũng như luật xã hội.

Xin Chúa thêm ơn giúp chúng ta luôn ý thức chu toàn thật tốt bổn phận tôn thờ và yêu mến Chúa; đồng thời, chúng ta cũng nhiệt tình chu toàn nhiệm vụ đối với Giáo Hội và xã hội trần thế theo tinh thần Tin Mừng.

 

Back To Top