skip to Main Content

Chơi nhạc khí hoặc hát trong khi truyền phép được không?

Chơi nhạc khí hoặc hát trong khi truyền phép được không?


“Trong các lễ hát hoặc lễ đọc, có thể dùng đại quản cầm hoặc một nhạc khí nào khác đã được chính thức thừa nhận để đệm theo tiếng hát của ca đoàn và giáo dân. Có thể độc tấu nhạc trước khi linh mục tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ”.

CHƠI NHẠC KHÍ HOẶC HÁT TRONG KHI TRUYỀN PHÉP ĐƯỢC KHÔNG?
Hỏi: Chơi nhạc khí hoặc hát trong khi truyền phép bánh và rượu trong Thánh Lễ được không?
Trả lời của Cha Edward McNamara thuộc Hội dòng Đạo binh Chúa Kitô, giáo sư thần học phụng vụ và bí tích.

Câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này là không. Huấn thị “Musicam Sacram” năm 1967 nói khá rõ ràng về điểm này:

Số 64: “Việc sử dụng các nhạc khí để đệm theo tiếng hát đóng vai trò hỗ trợ các giọng ca và giúp cộng đoàn tham dự dễ dàng hơn, cũng như đạt đến sự kết hiệp mật thiết với nhau hơn. Nhưng âm thanh của các nhạc khí không bao giờ được lấn tiếng hát, và làm cho bản văn trở nên khó hiểu. Mọi nhạc khí đều phải im tiếng khi linh mục hay thừa tác viên đọc cao giọng một bản văn được dành riêng cho các vị ấy”.

Số 65: “Trong các lễ hát hoặc lễ đọc, có thể dùng đại quản cầm hoặc một nhạc khí nào khác đã được chính thức thừa nhận để đệm theo tiếng hát của ca đoàn và giáo dân. Có thể độc tấu nhạc trước khi linh mục tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ”.

Điều này cũng được đề cập trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma:

Số 32: “Bản chất các kinh nguyện “chủ tọa” buộc linh mục phải đọc rõ ràng, lớn tiếng, và buộc mọi người phải chăm chú lắng nghe. Vì thế, khi linh mục đọc các kinh này, không ai được đọc hay hát kinh nào khác, cũng không được đánh đàn hay chơi nhạc cụ nào khác”[1]

Điều này áp dụng cho tất cả các kinh nguyện chủ tọa chứ không chỉ lúc truyền phép.

Tuy nhiên, việc loại trừ các nhạc khí không ngăm cấm việc tùy ý sử dụng chuông lúc truyền phép. Nghĩa là:

Số 150: “Một chút trước khi Truyền phép, nếu thích hợp, một thừa tác viên sẽ rung một chiếc chuông nhỏ để báo hiệu cho các tín hữu. Thừa tác viên cũng rung chiếc chuông nhỏ ở mỗi lần Linh mục nâng cao, theo phong tục địa phương. Nếu xông hương, khi Mình Thánh và Chén Thánh được trưng bày cho giáo dân sau khi Truyền Phép, một thừa tác viên xông hương”.

Trong khi các nhạc khí và các bài ca khác bị loại trừ thì linh mục được khuyên (QCSLRM, số147) nên hát những kinh nguyện chủ tọa, ít là những phần mà âm nhạc được trù liệu trong sách lễ. Điều này bao gồm khả năng hát Kinh nguyện Thánh thể và truyền phép mà Sách lễ Rôma cung cấp phần nhạc đơn giản soạn cho Kinh nguyện Thánh Thể I-IV. Điều này có thể rất hữu ích tại các thánh lễ đồng tế lớn.

Cuối cùng, một phong tục hình như đã có từ xưa là chơi quốc ca khi truyền phép, đặc biệt là trong quân đội Tây Ban Nha và các quốc gia từng nằm dưới sự cai trị của người Tây Ban Nha.

Mặc dù phong tục này được giải thích với mục đích tôn vinh Bí tích Thánh Thể hoặc như một dấu hiệu của việc dâng hiến đất nước cho Chúa Kitô, dù sao nó vẫn trái với luật phụng vụ hiện hành và có lẽ tốt hơn là nên để nó biến mất.

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ từ: https://epriest.com/
Back To Top