14.11 Thứ Năm trong tuần thứ Ba Mươi-Hai Mùa Quanh…
CHAY THEO CÁI NHÌN CỦA CHÚA
Thứ Hai
15/1
Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mùa Quanh Năm
1 Sm 15:16-23; Tv 50:8-9,16-17,21,23; Mc 2:18-22
CHAY THEO CÁI NHÌN CỦA CHÚA
Ăn chay, cầu nguyện, làm phúc bố thí là ba việc cần làm trong Mùa Chay đối với chúng ta hôm nay, cũng là sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do Thái giáo. Họ làm ba việc trên với ba ý nghĩa chính là để tỏ lòng sám hối và xin ơn, chờ đợi Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang và thể hiện lòng đạo đức nhiệt thành.
Đã rất nhiều lần người Pharisêu dùng biện pháp “nhất tiễn diệt song điêu” để gài bẫy Đức Giêsu. Hôm nay, cũng chiêu thức ấy, họ tìm cách đưa cả thầy lẫn trò vào chòng khi cất tiếng hỏi Đức Giêsu: “Tại sao môn đệ của ông Gioan và người Pharisêu ăn chay, trong khi đó muôn đệ của ông lại không ăn chay?”.
Họ hỏi Đức Giêsu về lý do tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay, nhưng thực ra họ đang tìm cách trách móc Đức Giêsu! Nếu Đức Giêsu trả lời các môn đệ không cần ăn chay, thì vô hình chung Ngài chống luật Môsê; còn nếu Đức Giêsu thuận theo và yêu cầu các môn đệ ăn chay theo ý của những người Pharisêu, thì quả thực, Ngài đang phủ nhận sự hiện diện của mình, bởi tất cả mọi điều mà dân Israel mong đợi, thì nay Ngài đến, Ngài đang là hiện thân của niềm hy vọng đó. Vậy ăn chay là để mong đợi, nay điều mong đợi đó đã đến, thì không có lý do gì phải ăn chay nữa!
Biết được ý đồ thâm độc của họ, nên Đức Giêsu đã lấy một ví dụ qua hình ảnh vải mới vá vào áo cũ và rượu mới đổ bầu da cũ để thấy được điều nghịch lý nơi câu hỏi của nhóm người Pharisêu. Đây cũng chính là câu trả lời gián tiếp đầy khôn khéo, khiến họ không thể bắt bẻ được Ngài điều gì!
Các môn đệ của Đức Giêsu bị chê trách là không ăn chay như các môn đệ của Gioan và người biệt phái. Đức Giêsu đã bênh vực các ông và cho người ta thấy rằng việc thiện cũng phải biết làm đúng lúc, đúng nơi. Vì thế, đừng vội phê bình người khác khi chưa nắm vững hoàn cảnh sự kiện. Điều quan trọng là Đức Giêsu chính là Tin Mừng, Ngài đã đến đem niềm vui ơn cứu độ nên chúng ta phải biết sống vui tươi, tin tưởng, ủ rũ âu sầu là không hợp thời, không đúng lúc nữa.
Người Do thái rất coi trọng việc ăn chay. Mục đích của ăn chay là chuẩn bị gặp Chúa, hoặc gặp Đấng Messia sắp đến. Vào đầu thế kỷ I, người ta nghĩ rằng Đấng Messia sắp đến, cho nên càng ăn chay nhiệm nhặt hơn, nhất là nhóm biệt phái và nhóm môn đệ Gioan Tẩy Giả.
Theo Do thái giáo thời Đức Giêsu, việc ăn chay liên kết với việc mong Đấng Thiên Sai. Người ta bất mãn với thời thế và nóng lòng chờ đợi thời kỳ thiên sai. Nhưng các môn đệ của Gioan và các người biệt phái chỉ biết giữ chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Nên khi thấy các môn đệ Chúa không ăn chay thì trách Chúa.
Phần Đức Giêsu thì tự biết mình là Messia đến khai mở một kỷ nguyên vui mừng. Ngài so sánh thời gian Ngài sống ở trần gian là một tiệc cưới và bản thân Ngài là chàng rể. Bởi đó Ngài ăn uống tự nhiên bình thường và để cho các môn đệ Ngài cũng ăn uống như thế.
Vì thế, khi người ta tra vấn Ngài: ”Tại sao các môn đệ ông không ăn chay”? Ngài trả lời: ”Chẳng lẽ khách dự tiệc lại có thể ăn chay trong khi chàng rể còn ở với họ”? Ngài lại cho biết trước rằng tình hình sẽ thay đổi khi Ngài chịu nạn và chịu chết. Khi đó các môn đệ Ngài sẽ ăn chay để chuẩn bị đón ngày Ngài quang lâm (x. Cv 13,1-3).
Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là ăn chay hay không ăn chay, mà là ý thức ý nghĩa của việc ăn chay. Sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn ấy. Nói cách cụ thể hơn, giai đoạn đang sống với Chúa Giêsu là thời kỳ mới cho nên phải sống theo tinh thần mới, tức là tinh thần vui mừng: ”Rượu mới thì bình cũng phải mới”.
Khi nói thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Đấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần trông đợi nữa. “Rượu mới thì đổ vào bầu da mới” là thế.
Chúa Giêsu đến khai mở một thời kỳ mới, một hiến chương mới của Nước Trời. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết thay đổi cách sống sao cho phủ hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy chú tâm đến nội dung bên trong hơn là những chuyện bề ngoài. Đừng vì những điều phụ thuộc mà đánh mất đi giá trị của nội dung.