Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
BÁNH HẰNG SỐNG
11.8 Chúa Nhật thứ Mười Chín Mùa Quanh Năm
1 V 19:4-8; Tv 34:2-3,4-5,6-7,8-9; Ep 4:305; 2 Ga 6:41-51
BÁNH HẰNG SỐNG
Ta là bánh ban sự sống. Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã ban phát và nuôi sống dân chúng ngay khi Ngài còn ở giữa họ, không phải từ những tấm bánh cho bao nhiêu ngàn người ăn để rồi họ cũng chết như tổ tiên họ. Nhưng Ngài đã ban chính mình Ngài cho dân chúng, qua tất cả những phép lạ như một quà tặng cho nhân loại.
Ngài ban chính mình Ngài qua tình thương mà con người thấy được ở lời nói và hành động của Ngài. Ngài đã ban chính mình Ngài qua cái chết trên thập giá như một dấu chứng cho tình yêu, cho chân lý và cho chương trình cứu độ của Ngài. Ngài đã ban tất cả những gì cao quí nhất, cả đến mạng sống cho mọi người, như thế Ngài đã trở nên bánh ban sự sống cho chúng ta. Tình thương, lời Chúa và cuộc sống của Ngài vẫn luôn luôn là nguồn sống cho chúng ta, là động lực cho muôn người nối gót Ngài đi cải tạo thế giới bằng tình thương. Chính vì thế mà những ai sống trong Ngài, tin vào Ngài thì đã có sự sống đời đời. Lẽ tất nhiên, Chúa còn hứa ban chính mình Ngài trong Bí tích Thánh Thể.
Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sống của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời Ban Sự Sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời ma quỉ cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thật vậy, chính Lời Chúa làm cho sự sống xuất hiện. Nhờ Lời quyền năng của Thiên Chúa, vũ trụ được tạo thành. Lời Chúa là lẽ sống của Đức Giêsu, nên trọn đời Người luôn đi tìm thực hiện thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. Xưa kia, Thiên Chúa nói qua trung gian các tổ phụ và các tiên tri. Nay, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim. Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu. Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống. Lời Người đã giúp cho bao thế hệ tìm thấy lẽ sống. Lời Người ban cho họ một sự sống mới, tươi trẻ, phong phú, dồi dào hơn. Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”.
Ban Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người, Đức Giêsu còn ban cho ta chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể. Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết. Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng thớ thịt, từng dòng máu, mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh. Lương thực thần linh ban sự sống thần linh. Qua bí tích Thánh thể, sự sống thần linh dần dần thấm nhập bản thân ta. Đây là một tiến trình thần hóa chầm chậm. Ta trở nên một thân thể với Đức Giêsu. Ta sống cùng sự sống của Người, sự sống đời đời trong hạnh phúc của Thiên Chúa.
Thánh lễ chính là bữa tiệc trong đó Thiên Chúa dọn ra hai bàn tiệc. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai bàn tiệc cũng đều là chính Đức Giêsu. Trong thánh lễ, ta nghe lời Chúa dạy dỗ ta. Lời Chúa chỉ cho ta con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, con đường đưa ta về với Chúa. Thánh Thể Chúa ban sức mạnh giúp ta đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách của cuộc đời. Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa. Chúa muốn nói riêng với từng người. Hãy lắng nghe để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi. Hãy lắng nghe để tìm ra lẽ sống. Hãy lắng nghe để biết con đường phải đi. Lời Chúa là con đường đưa tới sự thật và sự sống.
Ở đây chúng ta muốn nói đến Ngài như tấm bánh đem lại sự sống. Ngài là Đấng bị ăn. Thực vậy, trong bữa tiệc ly Ngài đã phán: Các con hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Ta. Thế nhưng, chúng ta không phải được kết hiệp với Ngài qua Bí tích Thánh Thể, mà còn một cách khác Ngài đã muốn chúng ta dùng để được kết hiệp thực sự với Ngài: Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lời Ta. Lời Chúa là bánh ban sự sống cũng có giá trị ngang hàng với bàn tiệc Thánh Thể. Chúa là tấm bánh được ban để cho chúng ta ăn. Và khi chúng ta ăn, chúng ta cũng phải trở thành bánh thịt ngon, để anh em chúng ta có thể ăn. Chúng ta sống bằng tình thương, bằng lời Chúa và bằng chính cuộc sống của Ngài thế nào, thì mọi người chung quanh chúng ta cũng được sống bằng tình thương, bằng lời nói và bằng chính cuộc sống tín hữu của chúng ta như vậy.
Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Ngài không chỉ hóa bánh ra nhiều, nhưng chính Ngài là bánh để nuôi con người. Người Do Thái không hiểu ý nghĩa điều Ngài muốn nói, nên đã phản bác: “Ông ta không phải là con bác thợ mộc Giuse sao? Chúng ta đều biết cha mẹ ông ta, vậy sao ông ta có thể nói ông ta từ trời xuống”. Họ không hiểu Đức Giêsu, nên họ không thể chấp nhận được điều Đức Giêsu mặc khải cho họ. Họ cho rằng Đức Giêsu nói ngoa!
Đức Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ mà nói: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình ta, sẽ bị nộp vì các con”. Tấm bánh được bẻ ra, là của ăn nuôi sống con người. Đức Giêsu là người hơn ai hết thấy được giá trị của tấm bánh. Ngài nhận ra Thiên Chúa ban bánh nuôi sống con người. Ngài cũng là tấm bánh, được bẻ ra cho con người ăn. Ngài là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người. Ngài là sức sống những ai biết và tin vào Ngài. Với những ai tin Ngài là bánh từ trời xuống, là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người, người đó tìm được sức sống và sẽ không chết về thiêng liêng.
Không phải ai cũng hiểu được rằng Đức Giêsu là bánh từ trời xuống. Đa số những người Do Thái thời đó không hiểu. Khi bị phản đối, Đức Giêsu cũng nhận ra rằng: “không ai đến được với ta nếu không được Cha ta lôi kéo”. Điều Đức Giêsu nói với họ, không dễ để mà hiểu, phải có ơn đặc biệt để hiểu điều này. Phải tin vào Đức Giêsu để hiểu điều Ngài nói, để hiểu rằng Ngài là bánh ban sự sống. Đức Giêsu và cách sống của Ngài, là khuôn mẫu để con người noi theo, hầu con người sống hạnh phúc.
Niềm tin vào Đức Giêsu sẽ giúp người ta sống như con cái Thiên Chúa. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể. Ngài tự hủy làm người, mang thân phận của con người như bất cứ ai khác. Khi con một vị vua sinh ra, người con đó sẽ sống trong hoàng cung và được mọi người kính trọng. Ngôi Lời nhập thể làm người, không ai biết vì không ai có thể nghĩ rằng Thiên Chúa lại làm người. Thế nên, cách người ta đối xử với Đức Giêsu là cách người ta đối xử với những người nghèo hèn nhất. Đức Giêsu mang thân phận người, giống như bất kỳ người thấp cổ bé miệng nào trên thế giới này.
Đức Giêsu sống như thế nào, cách hành xử của Ngài ra sao, trở thành mẫu gương cho những người tin vào Ngài sống. Ngài là sức sống cho con người. Ngài là bánh nuôi sống những người tin vào Ngài. Nét đặc biệt của Ngài là tự hủy. Nhờ Ngài tự hủy mà con người tìm được lẽ sống, tìm được hạnh phúc trong việc cho đi và phục vụ. Yêu thương là phục vụ và cho đi. Phục vụ như người tôi tớ, theo nhu cầu của người mình phục vụ. Yêu thương là cho đi, cho đi chính mình, như tấm bánh được bẻ ra, bị tiêu hao cho con người được sống.
Ngày nay, Thánh Thần Thiên Chúa vẫn đang ở với con người, vẫn đang hoạt động nơi mỗi người, giúp con người đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa qua chọn lựa sống vươn lên và yêu thương phục vụ anh chị em mình. Những ai tin vào Đức Giêsu được mời gọi để mở lòng lắng nghe và vâng phục Thánh Thần. “Đừng dập tắt Thần Khí” (1Tx. 5, 19), “Chớ làm phiền Thánh Thần” (Eph.4, 30). Thánh Thần Thiên Chúa đang làm mới thế giới này, đang làm mới lòng con người, và làm con người thuộc về Thiên Chúa. Sống theo Thần Khí là trở thành bánh cho con người theo gương mẫu Đức Giêsu Kitô.
Nếu tất cả cuộc đời, lời nói và hành động của chúng ta đều xuất phát một cách chân thành từ tình thương, thì chúng ta sẽ là những tấm bánh thơm ngon cho ngưới anh em. Còn nếu cuộc đời chúng ta chỉ toàn gương xấu, tính ích kỷ, chỉ biết lo đến phần rỗi của riêng cá nhân mình: ai chết mặc ai, miễn là ta lên thiên đàng, thì không ai gọi chúng ta là những tấm bánh được, mà chỉ là một thứ rác rưởi, một thứ cặn bã cần tống đi mà thôi. Chúa là tấm bánh cho ta, thì ta cũng phải là tấm bánh bẻ ra cho những người anh em.